MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn đang chảy ồ ạt khỏi các thị trường mới nổi

06-02-2018 - 17:27 PM | Tài chính quốc tế

Giới đầu tư đang rút vốn khỏi các thị trường mới nổi với tốc độ mạnh nhất kể từ bầu cử Tổng thống Mỹ 2016...

Giới đầu tư đang thoái vốn mạnh khỏi các thị trường mới nổi và đây là một tín hiệu cảnh báo đối với các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á - theo Bloomberg. Thông tin này được đưa ra khi chứng khoán toàn cầu tiếp tục "đỏ lửa" trong phiên giao dịch chiều ngày thứ Ba.

Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết các nhà đầu tư đang rút vốn khỏi các thị trường mới nổi với tốc độ mạnh nhất kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016.

Trong đó, các thị trường tại khu vực châu Á là đối tượng "chịu trận" nhiều nhất, với Hàn Quốc, Indonesia và Thái Lan là những nước chứng kiến sự thoái vốn mạnh hơn cả.

Dòng vốn chảy khỏi các thị trường mới nổi ở thời điểm này chủ yếu tập trung ở lĩnh vực cổ phiếu, trong khi thị trường trái phiếu chịu ảnh hưởng ít hơn. Riêng Ấn Độ đi ngược lại xu hướng chung, cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu của nước này vẫn nhận vốn ròng chảy vào.

Các nhà phân tích của IIF cho biết các nước mà họ theo dõi đã chứng kiến mức thoái vốn ròng 4 tỷ USD kể từ khi dòng vốn chuyển âm hôm 30/1. Trong đó, lượng vốn chảy khỏi chứng khoán vào khoảng 3,4 tỷ USD.

"Nhìn chung, chúng tôi vẫn lạc quan về dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi trong năm nay, nhưng những rủi ro ở thời điểm hiện tại không nên bị xem nhẹ", nhóm phân tích của IIF dẫn đầu bởi chuyên gia Fiona Nguyên nhận định. "Một cuộc bán tháo kéo dài của chứng khoán toàn cầu rõ ràng là một trong những rủi ro như thế".

Trong một diễn biến ít ai ngờ tới, báo cáo việc làm khả quan hơn dự kiến mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào tuần trước lại là "gáo nước lạnh" dội thẳng vào thị trường. Sau khi báo cáo được đưa ra, giới đầu tư lo ngại rằng áp lực lạm phát mạnh lên sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.

Mấy năm qua, lạm phát ở mức thấp trên toàn cầu dù tăng trưởng dần khởi sắc, theo đó tạo ra một môi trường hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. "Giờ đây, lạm phát rục rịch tăng và mọi người lo ngại một môi trường như vậy sẽ không còn tồn tại nữa", chuyên gia kinh tế trưởng Karsten Junius thuộc ngân hàng Bank J. Safra Sarasin phát biểu với CNBC.

Thị trường chứng khoán thế giới vẫn giữ đà giảm sâu vào chiều thứ Ba theo giờ Việt Nam. Các thị trường châu Á và Trung Đông ngập trong sắc đỏ, nối tiếp phiên giảm mạnh nhất 6 năm vào ngày thứ Hai ở Phố Wall.

Trong đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật đã bước vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction) do đã giảm 10% từ mức cao hôm 23/1. Có lúc, Nikkei giảm hơn 1.500 điểm, tương đương giảm gần 6,9%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/1990 - theo dữ liệu của Reuters. Chỉ số Topix có lúc mất 6,3%.

Giảm 3-5% là tình trạng phổ biến của các thị trường chủ chốt tại châu Á hôm nay. Lúc hơn 14h chiều theo giờ Việt Nam, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản sụt 3,4%.

Cùng thời điểm, các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ cũng đang giảm mạnh, báo hiệu một phiên giao dịch không mấy tốt lành nữa ở Phố Wall vào đêm nay.

Trong bối cảnh thị trường đang trải qua những phiên giao dịch "đen tối", một số chuyên gia vẫn đưa ra những nhận định lạc quan. Hãng tin CNBC dẫn lời các nhà phân tích từ loạt ngân hàng gồm Credit Suisse, Deutsche Bank và Fidelity nói rằng đợt bán tháo này không hề xuất phát từ sự thay đổi trong các yếu tố nền tảng của nền kinh tế, mà kinh tế toàn cầu vẫn đang vững vàng.

Với quan điểm này, chuyên gia của các ngân hàng trên xem thời điểm này là cơ hội để các nhà đầu tư mua cổ phiếu và trái phiếu tại các thị trường châu Á.

Theo Bình Minh

VnEconomy

Trở lên trên