Vốn điều lệ 200 tỷ, ANCO thu lãi ròng gần 930 tỷ trong 9 tháng
Lợi nhuận để lại từ các năm đã giúp vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi này "phình to" và hiện đã tăng lên 3.524 tỷ đồng, gấp 17,6 lần vốn điều lệ ban đầu. 99,9% vốn của ANCO hiện trong tay công ty con của Masan.
Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc Tế (Anco) được thành lập năm 2003, là liên doanh giữa Malaysia và Việt Nam với nhà máy thức ăn chăn nuôi đầu tiên được xây dựng ở tỉnh Đồng Nai. Đến nay, các cổ đông sáng lập của Anco đều không còn nắm giữ cổ phần.
Sau nhiều cuộc chuyển nhượng, Anco hiện chỉ còn ba cổ đông mới gồm 2 cổ đông cá nhân và 1 cổ đông tổ chức CTCP Masan Nutri-Science, một công ty con của Masan Group, sở hữu 99,99% vốn. Số tiền mà MNS đã chi ra để mua lại Anco không được công bố công khai. Tuy nhiên, sau khi trở thành đơn vị thành viên của Masan, mảng thức ăn chăn nuôi từ Anco cùng một doanh nghiệp đạm động vật khác là Proconco đã trở thành yếu tố quan trọng đóng góp vào doanh thu của Masan.
Theo báo cáo mới được doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi này công bố mới đây, lũy kế 9 tháng đầu năm, Anco thu về 7.968 tỷ đồng doanh thu bán hàng, tăng gần 62% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp tăng từ 19,8% lên 22,2%, giúp lãi gộp 9 tháng đầu năm tăng trưởng hơn 80% lên 1.771 tỷ đồng. Tăng cường chi tiền cho các hoạt động quảng cáo khiến chi phí bán hàng tăng gấp 3 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm vẫn tăng 66,9% lên 928,26 tỷ đồng.
Với 20 triệu cổ phiếu đang lưu hành, EPS riêng trong 9 tháng đầu năm đạt 46.400 đồng/cp. Lợi nhuận chưa phân phối tính đến thời điểm cuối tháng 9/2016 đạt 3.322 tỷ đồng, gấp 16 lần vốn điều lệ của Anco. Nguồn vốn tự có đang đóng góp 38,5% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp này.
Tính đến ngày 30/9/2016, ANCO có 5 nhà máy sản xuất tại Việt Nam thuộc sở hữu của với tổng công suất 1,2 triệu tấn/năm. Các nhà máy của ANCO được đặt tại Hà Nam, Đống Nai, Vĩnh Long, Thái Nguyên, Tiền Giang, Hậu Giang và Nghệ An.
Doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi này đang tiếp tục mở rộng hệ thống nhà máy với 2 nhà máy mới ở Hậu Giang và Nghệ An, tổng công suất thiết kế gần 600.000 tấn/năm. Theo kế hoạch, nhà máy Nghệ An sẽ đi vào hoạt động trong tháng 10/2016; nhà máy Hậu Giang sẽ đưa vào hoạt động từ đầu năm 2017
Trong năm 2016, Anco đã hoàn tất một thương vụ lớn khi chịu chi tổng cộng 2.135 tỷ đồng mua lại 24,9% vốn của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) nhằm thực hiện chiến lược 3F của mình.
Cơ cấu tổ chức của Anco đi theo mô hình 3F
Tuy nhiên, khoản đầu tư lớn này đồng thời cũng khiến Anco gia tăng hoạt động vay nợ. Thời điểm cuối năm 2013 và 2014, Anco hoàn toàn không ghi nhận bất kỳ khoản nợ vay ngân hàng nào. Nguồn vốn của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi này chủ yếu đến từ vốn tự có và nguồn vốn chiếm dụng của người mua hàng, nhà cung cấp,... Cuối năm 2015, Anco vay ngân hàng 177 tỷ đồng. Con số dư nợ cả ngắn và dài hạn đã tăng lên hơn 3.900 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2016.
Người đồng hành