MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn điều lệ câu lạc bộ ngân hàng từ trên 10.000 tỷ đồng sắp thay đổi ra sao?

06-05-2021 - 10:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Sẽ có sự phân hóa với khoảng cách xa giữa các nhóm ngân hàng trong top đầu về mức vốn điều lệ tương lai. Danh sách nhóm này gần trùng khít với 17 ngân hàng quan trọng trong nền kinh tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước công bố, danh sách 17 tổ chức tín dụng (TCTD) có tầm quan trọng hệ thống năm 2021 bao gồm: Agribank; ACB; LienVietPostBank; VietinBank; BIDV; SeABank; MSB; Techcombank; Vietcombank; HDBank; MBBank; VIB; SCB; SHB; Sacombank; TPBank và VPBank. Trong danh sách này, trừ Agribank chưa cổ phần hóa, SCB là ngân hàng TMCP tư nhân chưa niêm yết và cổ phiếu đang giao dịch tự do trên OTC, thì tất cả các ngân hàng còn lại đều đã có mặt tại sàn chứng khoán niêm yết. Riêng SHB hiện đã được chấp thuận niêm yết tại HoSE về nguyên tắc nhưng lại vẫn chưa chính thức đánh cồng.

Vốn điều lệ câu lạc bộ ngân hàng từ trên 10.000 tỷ đồng sắp thay đổi ra sao? - Ảnh 1.

VPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ đột biến, tham vọng khẳng định ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam

Dựa trên danh sách các ngân hàng niêm yết (loại trừ 2 TCTC Agribank và SCB), câu lạc bộ các ngân hàng có vốn điều lệ từ 10.000 tỷ đồng theo thống kê của Diễn đàn Doanh nghiệp, đều gần trùng với danh sách 17 ngân hàng quan trọng. Nhóm câu lạc bộ các ngân hàng vốn điều lệ từ trên 10.000 tỷ đồng xét ở góc độ niêm yết, lại bổ sung thêm các gương mặt đáng chú ý như OCB và Eximbank. Và tất cả đều đang có sự nhộn nhịp kế hoạch đua tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Cũng theo thống kê ghi nhận ở niên độ tài chính 2020, tại 31/12/2020, BIDV đang là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ với trên 40.000 tỷ đồng. Bám sát là VietinBank, Vietcombank với trên 37.000 tỷ đồng.

Ở khối ngân hàng TMCP không vốn quốc doanh chi phối, Techcombank dẫn đầu về vốn điều lệ và chỉ thua nhẹ VietinBank, Vietcombank top trên, đạt hơn 35 nghìn tỷ đồng.

Nhóm các NHTMCP vốn điều lệ từ 20 nghìn tỷ đồng- 30 nghìn tỷ đồng xét từ trên cao xuống, chỉ có 3 TCTD là MBBank, VPBank và ACB. Nhóm còn lại sát "chiếu dưới" của câu lạc bộ trên 10.000 tỷ đồng, có vốn điều lệ dưới 20 nghìn tỷ đồng, vẫn từ trên xuống theo lần lượt là Sacombank, SHB, HDBank, Eximbank, SeABank, MSB, VIB, OCB, LienVietPost Bank và TienphongBank.

Tuy nhiên, theo kế hoạch của năm 2021 đã được các Ngân hàng lên và thông qua ĐHĐCĐ thường niên 2021 hoặc dự kiến trình, vốn điều lệ trong bảng tổng sắp các ngân hàng nhóm từ trên 10.000 tỷ đồng sẽ có sự thay đổi đáng kể. Khoảng cách phân hóa giữa các nhóm cũng sẽ sâu hơn, xa hơn và có những con số hứa hẹn mang đến cuộc đổi ngôi ngoạn mục.

Vốn điều lệ câu lạc bộ ngân hàng từ trên 10.000 tỷ đồng sắp thay đổi ra sao? - Ảnh 2.

(Nguồn: BCTC 2020 & kế hoạch 2021 của các NHTMCP)

Theo kế hoạch, VPBank dự kiến tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng, sẽ vượt mặt và giữ khoảng cách xa với nhóm 3 ngân hàng TMCP thuộc Big Four. Trong nhóm 3 ngân hàng chiếm giữ khoảng 1/3 thị phần tín dụng của nền kinh tế, cũng sẽ có sự phân hóa khi BIDV dù dự kiến tăng thêm 8.000 tỷ đồng, vẫn phải lùi về mặt vị thế và đứng một mình một chiếu ở top dưới 50.000 tỷ đồng. Vị trí 2 và 3 chia cho VietinBank và Vietcombank.

Techcombank sau đà tăng tốc vốn điều lệ khủng trước đây, tạm thời "dẫm chân tại chỗ" quanh mốc 35.000 tỷ đồng và theo đó sẽ chỉ đạt xấp xỉ 1/2 vốn điều lệ so với ngôi sao mới nổi, lại đang nổi quá nhanh VPBank, ở con số dự kiến tăng hơn gấp đôi. Trước Techcombank, MBBank sẽ vượt lên với đà tăng thêm khoảng 10.700 tỷ đồng.

Nhóm dưới 30.000 tỷ đồng dự kiến chia vị thứ cho ACB, Sacombank, SHB, HDBank và dưới 20.000 tỷ đồng là vốn điều lệ của các nhà băng còn lại.

Nếu điểm danh xa hơn nữa nhóm dưới 10.000 tỷ đồng, các ngân hàng như AnBinh Bank, Nam Á Bank, VietCapital Bank, Vietbank... cũng đều đã và đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ năm nay.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế gia trưởng của BIDV, Thành viên Hội đồng Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, trong vòng 10 năm gần đây, tốc độ tăng tổng tài sản của hệ thống ngân hàng trung bình từ 10-12%/năm, dư nợ tín dụng cũng tăng bình quân 14%/năm. Với mức tăng đó, các ngân hàng phải tăng vốn để đảm bảo an toàn vốn đối với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và hướng đến đạt CAR theo chuẩn Basel II. Một số ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II với cả 3 trụ cột song thực tế vẫn chịu áp lực tăng vốn trong năm nay để nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng chịu đựng rủi ro của ngân hàng khi phải đối mặt với những tình huống căng thẳng ngày càng lớn. Trong bối cảnh hiện nay, đó là COVID-19 và những cú sốc tác động có thể đến từ bên ngoài.

Cùng với đó, việc tăng vốn tự có từ các nguồn cũng là một cơ sở để các ngân hàng có điều kiện mở rộng hạn mức tín dụng.

Tuy nhiên, kế hoạch và các mục tiêu của 2021 cũng chỉ mới khởi động và các ngân hàng còn cả năm để thực hiện lộ trình này. Bảng tổng sắp vốn điều lệ với trật tự mới, với khoảng cách phân hóa giữa các ngân hàng trong câu lạc bộ ngân hàng lớn và hầu hết ở top TCTD có tầm quan trọng, hoàn toàn có thể thay đổi nếu các ngân hàng đột ngột trình ĐHĐCĐ điều chỉnh kế hoạch đặt ra, hoặc cổ đông không thông qua các phương án tăng vốn; hoặc thậm chí sẽ có những TCTD có phương án riêng, "chốt deal" bán vốn cổ phần và tăng vốn điều lệ đột biến mà thông thường, "deal" sẽ chỉ được công bố khi hoàn tất xong... Mọi "đỉnh cao" và vị thứ xếp hạng vốn điều lệ của các ngân hàng, vì vậy, đang và có thể sẽ luôn dịch chuyển.

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên