Vốn FDI đang chảy mạnh vào nhiệt điện than
Ngành sản xuất, phân phối điện đã vươn lên trở thành ngành thu hút vốn FDI thứ 2 sau công nghiệp chế biến...
- 12-05-2017Posco được bật đèn xanh xây nhà máy nhiệt điện than thứ hai tại Việt Nam
- 10-04-2017Báo động phát triển nóng nhiệt điện than: Tưởng rẻ hóa đắt
- 09-04-2017Đến năm 2020, nhiệt điện than chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố báo cáo thu hút đầu tư nước ngoài 7 tháng đầu năm 2017. Theo đó, tính đến ngày 20/7, cả nước có 1.378 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đăng ký là 12,92 tỷ USD - tăng 48,7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, có 677 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,87 tỷ USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ và 2.946 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3,12 tỷ USD, tăng 109,7% so với cùng kỳ.
Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 21,93 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý, trong 5 dự án FDI có tổng vốn lớn nhất trong 7 tháng đầu năm cho thấy nhiệt điện là lĩnh vực thu hút vốn ngoại mạnh.
Cụ thể, có hai dự án nhiệt điện than tỷ USD đã được cấp phép. Một là, dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,793 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW.
Hai là dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.
Hai dự án đã góp phần đưa lĩnh vực sản xuất, phân phối điện trở thành ngành thu hút vốn đầu tư lớn thứ hai với 5,25 tỷ USD, chiếm 23,98% tổng vốn đầu tư FDI cả nước.
Bên cạnh đó, có 3 dự án vốn FDI lớn khác được cấp phép gồm SamSung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh; Dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn, cấp phép ngày 20/4/2017, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn tại Kiên Giang; Dự án nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 485,8 triệu USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 7 tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 10,83 tỷ USD, chiếm 49,4% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ 3 là lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,28 tỷ USD, chiếm 5,86% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 5,62 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,46 tỷ USD, Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,8 tỷ USD.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh thành phố, trong đó với dự án điện hơn 2,7 tỷ USD, Thanh Hoá là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 3,06 tỷ USD. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 2,95 tỷ USD. Nam Định đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 2,2 tỷ USD.
Vneconomy