MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn FDI đạt kỷ lục, cổ phiếu hạ tầng Khu công nghiệp đồng loạt bứt phá

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, vốn FDI giải ngân vào Việt Nam trong năm 2016 vừa qua lên mức kỷ lục 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước đó. Trong 2 tháng đầu năm 2017, vốn FDI giải ngân tiếp tục ghi nhận những con số tích cực với 1,6 tỷ USD.

Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) đang có biến động khá tích cực. Tính tới hết phiên giao dịch 15/3, cổ phiếu NTC của KCN Nam Tân Uyên có thị giá 57.200 đồng, tăng 53% so với đầu năm và là một trong những cổ phiếu có giao dịch tích cực nhất trong nhóm BĐS KCN. Tương tự, các cổ phiếu như IDV cũng tăng 22%; SZL tăng 19%; D2D tăng 19%; LHG tăng 10%...

Cổ phiếu MH3 của KCN Cao su Bình Long (KCN Nam Tân Uyên nắm 37%) dù chỉ vừa lên sàn Upcom vào đầu tháng 3 vừa qua nhưng đã mau chóng ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 110%.


Cổ phiếu hạ tầng KCN tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2017

Cổ phiếu hạ tầng KCN tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2017

Hưởng lợi từ làn sóng FDI, KQKD tăng trưởng tích cực

Sự bứt phá của nhóm cổ phiếu hạ tầng KCN trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, vốn FDI giải ngân vào Việt Nam trong năm 2016 vừa qua lên mức kỷ lục 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước đó. Trong 2 tháng đầu năm 2017, vốn FDI giải ngân tiếp tục ghi nhận những con số tích cực với 1,6 tỷ USD và Bình Dương là điểm sáng của cả nước về thu hút vốn.


Việt Nam thu hút vốn FDI kỷ lục trong năm 2016

Việt Nam thu hút vốn FDI kỷ lục trong năm 2016

Có thể nói, việc thu hút vốn đầu tư tăng mạnh trong những năm qua đã giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng KCN hưởng lợi không nhỏ, đặc biệt các doanh nghiệp tại Bình Dương như trường hợp NTC.

Hiện tại, NTC đang sở hữu KCN Nam Tân Uyên tại Bình Dương và đã lấp đầy 98%. Tuy vậy, trong giai đoạn cuối năm 2016, NTC đã được cấp thêm 346 ha để mở rộng và đây là lợi thế lớn của doanh nghiệp trong việc thu hút đầu tư. Cũng trong năm 2016, NTC ghi nhận lợi nhuận lên tới 131 tỷ đồng – gấp hơn 2 lần năm trước đó. Những lý do trên phần nào giải thích việc cổ phiếu NTC “hút tiền” trong thời gian gần đây.


Cổ phiếu NTC tăng phi mã trong thời gian gần đây

Cổ phiếu NTC tăng "phi mã" trong thời gian gần đây

Tương tự là trường hợp IDV khi ghi nhận 73,4 tỷ đồng LNST trong năm 2016, tương ứng mức tăng trưởng 53%. Trong năm vừa qua, IDV đã ký hợp đồng cho thuê đất với Cao su sao vàng tại KCN Châu Sơn và thu về khoảng 200 tỷ đồng từ hợp đồng thuê đất này.

Long Hậu cũng đạt kết quả kinh doanh tích cực với LNST năm 2016 đạt 162 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm trước đó nhờ diện tích cho thuê đất KCN tăng. Năm qua, Long Hậu cũng đã phê duyệt đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Long hậu 3 với quy mô diện tích gần 124 ha với tổng mức đầu tư 1.102 tỷ đồng.

Một trường hợp khác là Kinh Bắc cũng ghi nhận lợi nhuận ấn tượng trong năm 2016, lên tới 712 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh tích cực của Kinh Bắc có sự đóng góp lớn từ việc cho các tập đoàn lớn như LG, Luxshare – ICT, JA Solar thuê đất triển khai dự án. Trong những tháng đầu năm 2017, Kinh Bắc tiếp tục đón nhận thông tin tích cực với việc tập đoàn Hanwha Techwin đầu tư dự án trên diện tích 6ha tại KCN Quế Võ với tổng mức đầu tư 100 triệu USD. Đây là dự án đầu tư lớn thứ 2 được cấp phép tại Bắc Ninh trong năm 2017.

Còn với Sonadezi Long Thành, nhờ việc kinh doanh nhà xưởng thuận lợi nên công ty ghi nhận LNST lên tới 103 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với năm trước.

Bên cạnh yếu tố kết quả kinh doanh tích cực, việc các doanh nghiệp nhóm hạ tầng KCN chi trả cổ tức ổn định cũng là yếu tố thu hút giới đầu tư.

Không phải ai cũng có “quà”

Mặc dù nhóm ngành hạ tầng KCN đang được hưởng lợi lớn nhưng không phải cổ phiếu nào cũng mang lại niềm vui cho nhà đầu tư.

ITA của Tập đoàn Tân Tạo – một cổ phiếu “anh em” với KBC là ví dụ tiêu biểu khi liên tục lao dốc và thị giá hiện chỉ quanh ngưỡng 4.000đ. Biến động tiêu cực của ITA nguyên nhân quan trọng từ KQKD yếu kém. Trong năm 2016, ITA chỉ đạt khoảng 54 tỷ đồng lợi nhuận, giảm mạnh 60% so với năm 2015.


Biến động không thực sự tích cực của cổ phiếu ITA

Biến động không thực sự tích cực của cổ phiếu ITA

Ngoài yếu tố về mặt KQKD, việc liên tục pha loãng cổ phiếu như trường hợp ITA cũng là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu khó “ngóc đầu”. Tính tới thời điểm hiện tại, lượng cổ phiếu lưu hành của ITA đã lên tới 940 triệu đơn vị và ngoài ra, cổ phiếu này cũng vừa bị V.N.M ETF loại khỏi danh mục trong đợt review đầu tiên của năm 2017.

Tuấn Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên