Vốn hoá “bốc hơi” 2,5 tỷ USD sau một năm, MWG đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất?
Một năm sau khi đạt đỉnh, cổ phiếu MWG vẫn đang “ngụp lặn” quanh vùng đáy dài hạn, giá trị vốn hoá chỉ còn hơn 58.000 tỷ đồng.
- 17-04-2023Được cho rằng sẽ trở thành xu hướng đầu tư mới, vì sao các ETF nội vẫn khó hút tiền dù hàng chục quỹ đã ra mắt?
- 11-04-2023Hai quỹ Diamond ETF tổng quy mô gần 19.000 tỷ đồng sẽ mua bán ra sao trong kỳ review tháng 4?
Cách đây tròn một năm, cổ phiếu CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) lên đỉnh lịch sử kéo theo giá trị vốn hóa cao kỷ lục đạt xấp xỉ 116.500 tỷ đồng. Nền kinh tế khi ấy đang dần hồi phục sau đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Các doanh nghiệp bán lẻ được đánh giá cao về khả năng tăng trưởng trong đó MWG là đầu tàu với hệ thống khổng lồ cùng danh mục sản phẩm đa dạng từ hàng hoá thiết yếu, tiêu dùng nhanh đến hàng công nghệ, điện máy,…
Thời điểm đó, không nhiều người nghĩ rằng khó khăn lại nhanh chóng ập đến với MWG như thế. Áp lực lạm phát gây sức ép lên nhu cầu tiêu dùng ngày càng rõ rệt, đặc biệt từ nửa sau của năm ngoái. Sau khi đạt đỉnh vào giai đoạn quý 4/2021-1/2022, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ này liên tục sụt giảm mạnh.
Đỉnh điểm rơi vào quý 4, MWG ghi nhận doanh thu thấp nhất trong 5 quý đạt xấp xỉ 31.000 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 619 tỷ đồng, giảm đến 60% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2017. Tính chung cả năm 2022, MWG lãi ròng 4.102 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước và là lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ năm 2012.
Cổ phiếu MWG trên thị trường cũng trượt dài theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này và có thời điểm rơi xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm vào trung tuần tháng 11 năm ngoái. Sau một nhịp hồi cùng thị trường chung, MWG lại tiếp tục quay đầu và hiện vẫn đang “ngụp lặn” quanh vùng đáy dài hạn. Giá trị vốn hoá chỉ còn hơn 58.000 tỷ đồng, “bốc hơi” 58.500 tỷ (~2,5 tỷ USD) sau một năm.
Giai đoạn khó khăn nhất đã qua?
Trên thực tế, khó khăn vẫn đang kéo dài sang những tháng đầu năm 2023 khi mặt bằng lãi suất vẫn cao, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến sức mua tiêu dùng. Tổng doanh thu 2 tháng đầu năm của MWG giảm 25% so với cùng kỳ, đạt 19.010 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu 2 chuỗi TGDĐ/ĐMX giảm 32% từ nền cơ sở rất cao cùng kỳ năm ngoái (giai đoạn nhu cầu dồn nén đối với sản phẩm công nghệ, điện máy sau Covid).
Dù vậy, một số tín hiệu lạc quan đã bắt đầu xuất hiện. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 3 ước đạt 501.310 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước, trong đó doanh thu của hầu hết các nhóm hàng đều tăng nhẹ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1/2023 ước đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước Covid-19.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tháng 3/2023 đã giảm 0,23% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI chỉ tăng 3,35% - mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ kể từ tháng 8/2022. Lạm phát cơ bản tháng 3/2023 chỉ tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 4,88% so với cùng kỳ.
Lạm phát tăng chậm lại sẽ tạo điều kiện cho nhu cầu tiêu dùng phục hồi trở lại thời gian tới tuy nhiên những tín hiệu thực sự lạc quan có thể chỉ đến sau nửa đầu năm nay.
SSI Research dự báo lợi nhuận của MWG có thể chạm đáy trong nửa đầu năm 2023, cùng với việc lạm phát có thể đạt đỉnh. Theo bộ phận phân tích này, mức sụt giảm lợi nhuận của MWG trong nửa đầu năm 2023 có thể không nhiều như các doanh nghiệp bán lẻ khác nhờ tỷ trọng đóng góp của điện máy (có tính thiết yếu hơn) cao hơn. Lợi nhuận của MWG được kỳ vọng sẽ phục hồi theo đà phục hồi của nền kinh tế.
Tương tự, VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của MWG trong nửa đầu năm 2023 sẽ giảm 16% so với cùng kỳ với dự báo lợi nhuận 2 chuỗi TGDD&ĐMX giảm 39% và BHX có thể lỗ 434 tỷ đồng. Trong nửa cuối 2023, với việc các yếu tố vĩ mô tốt hơn, VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của MWG sẽ tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ với TGDD&DMX tăng 16,7% và BHX ghi nhận mức lãi 67 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2023, VNDirect ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng của MWG sẽ tăng trưởng lần lượt 3,6% và 25,8% so với cùng kỳ. Con số này khả quan hơn nhiều so với kế hoạch MWG đặt ra cho năm 2023 với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 135.000 tỷ đồng và 4.200 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 1% và 2% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, một thông tin được đánh giá sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp bán lẻ là việc Chính phủ đã đồng ý trình phương án giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) lên Quốc hội xem xét. Thời gian áp dụng theo đề xuất trước đó của Bộ Tài chính là từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chứng khoán DSC Chi nhánh TP.HCM, doanh nghiệp được hưởng lợi cũng chưa thể phản ánh vào kết quả kinh doanh ngay trong quý 2, thậm chí sang quý 3 do độ trễ của các chính sách cộng thêm bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn. Phải tới cuối năm nay và sang tới 2024, nhóm ngành bán lẻ mới có khả năng phục hồi mạnh mẽ.
Nhịp Sống Thị Trường