Vốn hoá Hoà Phát tăng gần 1 tỷ USD từ đầu tháng 6, Chủ tịch Trần Đình Long "bỏ túi" thêm hàng nghìn tỷ đồng
Mức vốn hóa 144.500 tỷ đồng (6,1 tỷ USD) đưa Hòa Phát nằm trong top 7 doanh nghiệp giá trị nhất toàn sàn chứng khoán.
- 22-06-2023Góc nhìn CTCK: Rủi ro điều chỉnh tăng cao nếu VN-Index không sớm vượt vùng 1.130 điểm
- 22-06-2023Tự doanh CTCK quay đầu mua ròng gần trăm tỷ đồng, tập trung gom mạnh một cổ phiếu trên sàn UPCoM
- 22-06-2023Khớp lệnh hơn nghìn tỷ, cổ phiếu DIG tăng gần kịch trần lên cao nhất 8 tháng
Đi cùng đà khởi sắc gần đây thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm cổ phiếu thép cũng bứt phá mạnh. Trong số đó, HPG của Tập đoàn Hòa Phát còn lên mốc cao nhất trong vòng hơn 12 tháng trở lại đây.
Với thị giá chốt phiên 22/6 là 24.850 đồng/cp (+1%), cổ phiếu HPG đã tăng tới hơn 17% tính từ đầu tháng 6. Vốn hóa thị trường theo đó cũng tăng thêm 21.500 tỷ đồng (~0,9 tỷ USD) chỉ sau 3 tuần, lên xấp xỉ 144.500 tỷ đồng (~6,1 tỷ USD). Mức vốn hóa này đưa Hòa Phát nằm trong top 7 doanh nghiệp giá trị nhất toàn sàn chứng khoán.
Cổ phiếu Hòa Phát lên đỉnh một năm là tin vui với rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán bởi HPG lâu nay vẫn được ví như “cổ phiếu quốc dân”. Từ các quỹ đầu tư lớn, công ty chứng khoán đến các doanh nghiệp tay ngang và đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân đều rất ưa thích cổ phiếu này.
Đặc biệt, kết quả tích cực từ đầu tháng 6 này đã giúp cho khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát trên sàn chứng khoán gia tăng thêm trên 5.600 tỷ đồng. Với hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG đang nắm giữ, tính theo thị giá hiện có, ông Long đang sở hữu khối tài sản khoảng 37.700 nghìn tỷ đồng. Nhờ vậy, vị tỷ phú của Tập đoàn Hòa Phát giữ vững vị trí thứ 2 trong top tỷ phú USD Việt Nam, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.
Không những vậy, nếu tính thêm lượng cổ phiếu nắm giữ của vợ và con ông Long là bà Vũ Thị Hiền (~427 triệu đơn vị) và ông Trần Vũ Minh (~91 triệu đơn vị), khối tài sản mà cả gia đình ông Long “mang về nhà” cũng tăng thêm tới 7.500 tỷ đồng chỉ sau 3 tuần.
Việc cổ phiếu HPG tăng mạnh cũng giúp vị tỷ phú này thăng hạng trên BXH tài sản thế giới. Theo thống kê của tạp chí Forbes, tính đến chiều ngày 22/6, giá trị tài sản ròng của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát là 2,1 tỷ USD (~49.400 tỷ đồng), xếp thứ 1.443 thế giới.
Trên thực tế, ngành thép nói chung cũng đang đón một số tín hiệu tích cực. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép sản xuất trong tháng 5 đạt 2 triệu tấn, tăng 3,1% so với tháng trước. Sản lượng xuất khẩu thậm chí còn tăng trưởng ấn tượng 29,7% so với tháng trước, đạt 822,657 tấn, cao hơn gần 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng với Hòa Phát, trong tháng 5, sản lượng bán các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép) của tập đoàn đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 16% so với tháng 4 trước đó. Đây cũng là mức tiêu thụ thép cao nhất của doanh nghiệp đầu ngành thép kể từ đầu năm.
Tiêu thụ thép hồi phục phần nào củng cố thêm cơ sở để các nhà sản xuất thép tái khởi động lại các lò cao đã đóng vào cuối năm ngoái khi thị trường ảm đạm. Không chỉ có Hòa Phát, Pomina cũng đã có kế hoạch mở lại lò cao, thậm chí còn dự định tăng vốn để bổ sung nguồn lực mở rộng sản suất kinh doanh.
Không thể phủ nhận những tín hiệu tích cực gần đây nhưng nhiều đánh giá vẫn cho rằng ngành thép sẽ cần thêm thời gian để hồi phục khi thị trường bất động sản dân dụng chưa có nhiều biến chuyển thực sự. Ngay cả với Hòa Phát, nhiều chuyên gia cũng nhận định cú huých đầu tư công sẽ không quá bùng nổ như kỳ vọng.
Trong báo cáo mới cập nhật, VCBS cho rằng tỷ trọng tiêu thụ thép trong đầu tư công là không đáng kể, chỉ 10%-15% và hiện nay tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn khá chậm, vì vậy kỳ vọng về tăng trưởng tiêu thụ sẽ khó hồi phục mạnh trong năm nay.
Nhịp sống thị trường