Vốn hóa HoSE “bốc hơi” 191.000 tỷ đồng trong phiên 9/3, bằng tổng vốn hóa các doanh nghiệp niêm yết HNX cộng lại
Riêng vốn hóa HoSE mất đi 191.000 tỷ đồng, tương đương vốn hóa toàn bộ cổ phiếu niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) tính theo giá chốt phiên 9/3.
- 09-03-2020[Nhịp đập phái sinh phiên 09/03] Các hợp đồng tương lai lần đầu đồng loạt “nằm sàn”
- 09-03-2020Mất bình tĩnh, nhà đầu tư sẽ hành động sai! Đừng quên Việt Nam đã chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó COVID-19 và những gì xảy ra vẫn trong tầm kiểm soát
- 09-03-2020Giảm hơn 6% trong phiên 9/3, VN-Index ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục kể từ năm 2002
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng việc giá dầu Thế giới giảm sâu đã "nhấn chìm" thị trường tài chính toàn cầu và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Phiên giao dịch 9/3 đánh dấu một ngày buồn cho thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index giảm 55,95 điểm (6,28%) và đóng cửa tại 835,49 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2017 tới nay.
Với mức giảm 6,28%, VN-Index cũng đánh dấu phiên giảm sâu nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ năm 2002, vượt qua cả mức giảm trong sự kiện Biển Đông năm 2014.
Phiên giảm mạnh này cũng khiến vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam "bay hơi" 294.000 tỷ đồng, tương ứng 12,7 tỷ USD. Trong đó, riêng vốn hóa HoSE mất đi 191.000 tỷ đồng, tương đương vốn hóa toàn bộ cổ phiếu niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) tính theo giá chốt phiên 9/3.
Thống kê cho biết 10 cổ phiếu VIC, VCB, VHM, BID, VNM, GAS, CTG, TCB, SAB, VPB khiến VN-Index mất đi tổng cộng 35,79 điểm trên tổng số 55,95 điểm trong phiên 9/3.
Không những vậy, phiên giao dịch cũng đánh dấu những "kỷ lục" buồn khi có tới 368 mã giảm giá trên HoSE, gấp hơn 10 lần so với số mã tăng (34 mã), trong đó số mã giảm sàn lên tới 173.
Giao dịch khối ngoại cũng diễn ra tương đối tiêu cực khi họ tiếp tục bán ròng 230 tỷ đồng trên toàn thị trường và cũng đánh dấu chuỗi 20 phiên bán ròng liên tiếp. Đây cũng là chuỗi bán ròng mạnh nhất của khối ngoại kể từ đầu năm 2020 tới nay.
Tại giá đóng cửa phiên 9/3 (835,49 điểm), định giá P/E của VN-Index hiện đạt 12,37 lần, tương đương định giá vào tháng 6/2016 khi VN-Index đạt 621 điểm.
Sau phiên giảm mạnh ngày 9/3, hầu hết các CTCK đều có cái nhìn thận trọng về thị trường. Trong bản tin nhận định, CTCK SHS cho rằng trên khía cạnh kỹ thuật, nhịp giảm hiện tại mang ý nghĩa tiêu cực hơn đợt giảm trước, vì VN-Index đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng MA200 tuần quanh 875 điểm. Qua đó đẩy VN-Index vào một pha tiêu cực hơn với việc không có bất kỳ ngưỡng hỗ trợ nào đủ mạnh ở bên dưới, kể cả ngưỡng tâm lý 800 điểm.
Hiện tại, trendline nối các đáy từ đầu 2012 đến nay đang nằm trong khoảng 700-750 điểm là vùng hỗ trợ mạnh trong kịch bản tiêu cực.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 10/3, VN-Index có thể tiếp tục đà giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ tâm lý gần nhất quanh 800 điểm. Nhà đầu tư nếu đang có cổ phiếu trong danh mục nên tận dụng những nhịp hồi phục (nếu có) nhằm hạ dần tỷ trọng và có lẽ nên tạm thời đứng ngoài quan sát, hạn chế tham gia bắt đáy trong hoàn cảnh hiện tại.
Chung quan điểm, CTCK BSC cho rằng trong bối cảnh rủi ro của thị trường còn hiện diện, nhà đầu tư nên hạ tỉ trọng cổ phiếu xuống mức an toàn và theo dõi diễn biến của dịch bệnh để có thể có phương án đầu tư phù hợp.