Vốn hóa thị trường là gì?
Vốn hóa thị trường một doanh nghiệp thông thường sẽ tỷ lệ thuận với độ tin cậy, uy tín và tỷ lệ nghịch với mức độ rủi ro khi đầu tư vào doanh nghiệp đó.
Vốn hóa thị trường (Market Capitalization) là tổng giá trị hiện tại của các tất cả cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường của một doanh nghiệp. Hiểu nôm na, vốn hóa thị trường của một doanh nghiệp chính là tổng số tiền cần phải bỏ ra để mua lại một doanh nghiệp đó tính theo giá thị trường tại thời điểm mua.
Giá trị vốn hóa thị trường của một doanh nghiệp được xác định bằng:
Vốn hóa thị trường (đồng) = Số lượng cổ phiếu đang lưu hành (cổ phiếu) x thị giá một cổ phiếu (đồng/cổ phiếu)
Ví dụ: Số cổ phiếu đang lưu hành của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán: VNM) là 2.089.956.345 cổ phiếu. Thị giá chốt phiên 26/11 của cổ phiếu VNM là 88.300 đồng/cổ phiếu.
Do đó, vốn hóa thị trường của Vinamilk tại thời điểm 26/11/2021 là: 2.089.956.345 x 88.300 = 184.543.145.263.500 (đồng) ~ 184.543 (tỷ đồng)
Thông thường tại Việt Nam, dựa vào giá trị vốn hóa thị trường, các doanh nghiệp sẽ được chia thành 4 nhóm:
- Nhóm vốn hóa lớn (Largecap) có giá trị vốn hóa thị trường lớn hơn 10.000 tỷ đồng
- Nhóm vốn hóa vừa (Midcap) có giá trị vốn hóa thị trường từ 1.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng
- Nhóm vốn hóa nhỏ (Smallcap) có giá trị vốn hóa thị trường từ 100 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng
- Nhóm vốn hóa siêu nhỏ (Microcap) có giá trị vốn hóa thị trường nhỏ hơn 100 tỷ đồng.
Ý nghĩa của vốn hóa thị trường
Vốn hóa thị trường là yếu tố rất quan trọng khi đánh giá một doanh nghiệp. Giá trị này sẽ vừa thể hiện được quy mô hoạt động (thông qua số lượng cổ phiếu lưu hành), vừa biểu hiện sự đánh giá của thị trường đối với doanh nghiệp về tiềm năng tăng trưởng, vị thế và uy tín trong ngành (thông qua thị giá cổ phiếu).
Ngoài ra, doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường lớn sẽ hạn chế một phần rủi ro thanh khoản của cổ phiếu đang lưu hành. Vốn hóa thị trường một doanh nghiệp thông thường sẽ tỷ lệ thuận với độ tin cậy, uy tín và tỷ lệ nghịch với mức độ rủi ro khi đầu tư vào doanh nghiệp đó. Từ đây, nhà đầu tư có thể lựa chọn các loại cổ phiếu của các doanh nghiệp có mức vốn hóa khác nhau nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư để phân tán rủi ro, tối ưu khoản lợi nhuận thu về.
Từ công thức, có thể thấy rõ vốn hóa thị trường phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành và thị giá của cổ phiếu. Trong đó, thị giá cổ phiếu chịu tác động bởi nhiều yếu tố không chỉ từ phía nội tại doanh nghiệp mà còn các vấn đề vĩ mô, lãi suất, lạm phát, sự kiện xã hội…; còn số lượng cổ phiếu đang lưu hành cũng sẽ có sự thay đổi theo thời gian tùy thuộc doanh nghiệp có phát hành thêm cổ phiếu mới hoặc mua vào cổ phiếu quỹ. Do vậy, vốn hóa thị trường sẽ có tính thời điểm, biến động tăng giảm liên tục chứ không cố định và phụ thuộc hoàn toàn vào giá trị thực sự của doanh nghiệp đó.
Top 30 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (cập nhật đến 28/11/2021)
Thống kê dựa trên dữ liệu đóng cửa phiên 26/11 cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 60 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD. Trong đó, Vietcombank hiện có vốn hóa lớn nhất với gần 362.000 tỷ đồng, tương ứng 16 tỷ USD, xếp tiếp theo lần lượt là VinGroup (15,9 tỷ USD), VinHomes (15,9 tỷ USD), Hòa Phát (10,9 tỷ USD)…