Vốn không lãi suất từ cộng đồng: Những bước đầu thành công tại Việt Nam
Vốn không lãi suất từ cộng đồng đúng là không trả lãi suất. Người dùng vốn chỉ trả lại quà thưởng hay còn gọi là quà tri ân một lần duy nhất. Cách gọi vốn này chính là mô hình gọi vốn cộng đồng (crowdfunding).
Từ crowdfunding đến thương vụ triệu USD của Misfit
Misfit có tên đầy đủ là Misfit Wearables chuyên nghiên cứu và chế tạo những phụ kiện y tế hỗ trợ sức khỏe gắn liền với công nghệ cảm ứng di động (mobile health). Công ty được thành lập bởi 3 thành viên, trong đó có Sonny Vũ là người gốc Việt. Người nổi bật còn lại chính là cựu CEO của Pepsi và Apple - John Sculley.
Sau gần 1 năm phát triển, đầu năm 2012, cho ra mắt Misfit Shine được đưa lên website Indiegogo – một trong hai trang web nổi tiếng nhất hiện nay về Crowdfunding trên thế giới. Chưa tới 10 tiếng sau khi được công bố, dự án đã đạt được con số mục tiêu đề ra là 100.000 USD. Kết thúc thời gian, Misfit Shine thu hút được nguồn vốn lên đến 846.000 USD với gần 8.000 nhà đầu tư đến từ tham gia tài trợ.
Năm 2015, sau 4 năm thành lập và 3 năm sau khi crowdfunding, hãng thời trang cao cấp Fossil đã mua lại Misfit để mở rộng danh mục sản phẩm công nghệ bên cạnh những sản phẩm truyền thống cao cấp của hãng.
Tham gia crowdfunding được lợi gì?
Về phía người đóng góp, crowdfunding kêu gọi hình thức tài trợ vốn theo số lượng lớn. Người đóng góp hay người tài trợ tùy vào thu nhập, sự hấp dẫn của quà thưởng hay quà tri ân sau khi sản phẩm được làm xong. Quyền lợi tài trợ thường là được sử dụng trước sản phẩm làm ra, đặt tên cho sản phẩm hay những món quà nhỏ như móc khóa, áo thun, thiệp cám ơn...
Về phía người chủ dự án có ý tưởng gọi vốn, họ được một khoản vốn không bị lãi suất hay bị chia sẻ cổ phần. Họ được toàn tâm phát triển ý tưởng theo mục tiêu đã định. Crowdfunding tuy không phải là cách gọi vốn truyền thống nhưng độ chuyên nghiệp và minh bạch sẽ cao hơn vì khi bạn đưa ý tưởng ra kêu gọi cộng đồng tài trợ vốn, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều con mắt nhìn vào hơn là khi gặp nhà đầu tư thiên thần hay quỹ đầu tư. Nếu bạn thành công, chính những người tài trợ là khách hàng và người quảng bá cho sản phẩm của bạn.
Crowdfunding tại Việt Nam và những bước đi đầu tiên
Với những lợi ích to lớn đó, đã có hơn 40 dự án tìm vốn bằng crowdfunding trang gọi vốn cộng đồng đầu tiên là Ig9. Sau Ig9, FirstStep cũng chạy được 6 dự án và đang có 2 sản phẩm Việt Nam dùng mô hình crowdfunding như công ty Tiên Đông với dự án Cải tiến cờ caro tổ ong dựa trên ý tưởng cờ caro truyền thống. Và đặc biệt là sinh viên khối công nghệ như nhóm sinh viên chuyên ngành CNTT bên Đại học Gia Định cũng đã thử mô hình crowdfunding cho việc làm gậy dẫn đường phiên bản mới cho người khiếm thị với dự án “Gậy dẫn đường cho người khiếm thị -- H3N”.
Về tiềm năng thị trường crowdfunding tại Việt Nam, anh Nguyễn Trung Kiên – đồng sáng lập trang FirstStep cho biết: “Gọi vốn cộng đồng hay Crowdfunding là nhu cầu có thật của doanh nghiệp Việt Nam. Nó đem lại 3 công cụ mà các công ty khởi nghiệp startup rất cần là: công cụ khảo sát thị trường, công cụ gọi vốn và công cụ marketing. Chủ dự án chỉ trả 1 lần cho người tài trợ phần quà đã cam kết. Vì thế đây là mô hình có thể nói đây là mô hình tìm vốn không lãi suất.”
Anh Kiên cũng cho biết: “Đầu năm 2016, Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ do Bộ KH&ĐT soạn thảo đã đưa crowdfunding vào nội dung. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy cam kết của chính phủ hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp sớm đi vào thực tiễn. Và hy vọng rằng, sau khi Luật có hiệu lực thì crowdfunding tại Việt Nam sẽ sôi động hơn. Thị trường sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng và sát thực với nhu cầu hơn nhờ những ưu điểm của mô hình này.”