MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn mạo hiểm vào startup thế giới 2021 đạt kỷ lục

17-01-2022 - 09:59 AM | Doanh nghiệp

Vốn mạo hiểm vào startup thế giới 2021 đạt kỷ lục

Các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót hơn 675 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp trên toàn thế giới trong năm 2021, gấp đôi mức kỷ lục ghi nhận năm 2020, theo dữ liệu của công ty phân tích Dealroom và hãng quảng cáo London & Partners của Anh.

 Vốn mạo hiểm vào startup thế giới 2021 đạt kỷ lục - Ảnh 1.
Các nhà đầu tư mạo hiểm đã bơm 328,8 tỷ USD vào các startup của Mỹ năm 2021. Ảnh: Nikkei Asia

Bất chấp đại dịch, số lượng "kỳ lân" năm ngoái tiếp tục tăng nhanh chóng. Khoảng 133 startup ở Khu vực Vịnh San Francisco có mức định giá tăng tới hơn 1 tỷ USD, tiếp theo là New York (69), Greater Boston (21), London (20), Bengaluru (16) và Berlin (15). "Kỳ lân" (unicorn) là thuật ngữ mô tả những công ty khởi nghiệp do tư nhân nắm giữ với giá trị hơn 1 tỷ USD.

Sự gia tăng số lượng "kỳ lân" đi cùng với những vòng gọi vốn khủng (megaround) - trên 100 triệu USD. Con số megaround tăng vọt ở một số thành phố, trong đó London tăng 3,4 lần. Theo Dealroom, đã có 64 vòng kêu gọi vốn ở London đạt mức trên 100 triệu USD vào năm ngoái, tăng so với con số 19 của 2020.

Ứng dụng Fintech Revolut đã huy động được 800 triệu USD cho vòng gọi vốn thứ 5 (series E), trong khi đối thủ Monzo huy động được hơn 600 triệu USD với hai thương vụ. Nền tảng sự kiện trực tuyến Hopin huy động được 850 triệu USD với hai thương vụ.

Tổng cộng, các startup ở Anh đã huy động được 25,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong năm 2021, tăng so với mức 11,2 tỷ USD năm 2020. Hiện có 75 "kỳ lân" ở London, trong các "kỳ lân" mới nhất có ứng dụng ngân hàng di động Starling Bank và công ty khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm Marshmallow.

Laura Citron, CEO của London & Partners, nhận định London hiện là một thủ đô công nghệ toàn cầu thực sự trưởng thành. "Chúng tôi có những nguồn tài trợ lớn cho giai đoạn sau, gần hai công ty kỳ lân mới mỗi tháng, và các vòng tài trợ và rút vốn lớn. Những dữ liệu này cho thấy London không chỉ là một nơi tuyệt vời cho các doanh nhân bắt đầu kinh doanh mà còn để phát triển chúng lên quy mô toàn cầu".

Các công ty vốn mạo hiểm ở London đã huy động được 9,9 tỷ USD cho các quỹ đầu tư trong năm 2021, chiếm 35% các quỹ đầu tư mạo hiểm châu Âu. Index Ventures, Balderton Capital và 83North đều đã đóng các quỹ mới, lớn, trong khi các công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng của Mỹ như Lightspeed và General Catalyst đặt văn phòng tại thành phố.

Châu Âu so với Mỹ, Trung Quốc

Tuy nhiên, London và phần còn lại của châu Âu vẫn chưa sản sinh ra bất kỳ công ty công nghệ nào có thể sánh ngang với quy mô của Alphabet, Apple, Amazon, Meta hoặc Microsoft của Mỹ, hay Alibaba và Tencent của Trung Quốc, theo CNBC.

Công ty công nghệ lớn nhất châu Âu tính theo mức vốn hóa là nhà sản xuất máy sản xuất chip ASML, được định giá hơn 300 tỷ USD. Trong khi đó, ở Mỹ, một số công ty được định giá trên 1 nghìn tỷ USD và Apple đã nhanh chóng có mức vốn hóa tăng lên hơn 3 nghìn tỷ USD đầu tháng này.

Thực tế, những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ và châu Á đã mua lại nhiều trong số các công ty triển vọng nhất của châu Âu, trong đó có phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo DeepMind và nhà thiết kế chip Arm.

Các nhà đầu tư mạo hiểm đã bơm 328,8 tỷ USD vào các startup của Mỹ và 61,8 tỷ USD vào các startup của Trung Quốc năm 2021, trong khi họ chỉ đầu tư 39,8 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp của Anh. Tuy nhiên, đầu tư vốn mạo hiểm ở Anh và Châu Âu đang tăng với tốc độ nhanh hơn ở Mỹ và Trung Quốc.

Một số startup nổi tiếng nhất của London, trong đó có công ty giao đồ ăn Deliveroo và startup an ninh mạng Darktrace, đã lên Sàn chứng khoán London năm 2021. Tuy nhiên, chúng nhận được sự đón nhận khác nhau từ các nhà đầu tư, và nhiều startup lớn nhất châu Âu, trong đó có Spotify, vẫn chọn niêm yết ở New York.

Nazim Salur, người sáng lập ứng dụng giao hàng tạp hóa nhanh Getir, nói với CNBC vào tháng 12 rằng châu Âu không đối xử tốt với các startup công nghệ như Mỹ. "Có quá nhiều sự hoài nghi từ các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu".

Ông Salur cho biết Getir, công ty gần đây được định giá 7,5 tỷ USD, có thể đã niêm yết ở Mỹ nếu nó niêm yết. Getir đang đàm phán với các nhà đầu tư về một vòng tài trợ tư nhân mới và doanh nghiệp này có thể được định giá ở mức hơn 12 tỷ USD, theo Bloomberg.

Mặc dù châu Âu có "nền kinh tế rất mạnh về tổng thể" và là một nhà sản xuất rất mạnh trong ngành xe hơi, dược phẩm, thời trang và các ngành công nghiệp khác, châu Âu lại không mạnh về khía cạnh startup, Salur nói. "Có một số startup tốt. Nhưng khi bạn nhìn vào số lượng kỳ lân, chẳng hạn, khoảng 800 công ty, 1/2 là từ Mỹ và 1/3 từ Trung Quốc. Và tất cả phần còn lại thuộc về phần còn lại của thế giới. Thật không may, châu Âu không có được cái lẽ ra phải có".

Theo Kim Ngân

Nhà đầu tư

Trở lên trên