MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn nào cho cơ cấu lại ngân hàng?

24-11-2016 - 10:30 AM | Tài chính - ngân hàng

Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể của cơ cấu lại ngân hàng đến năm 2020 như cắt giảm tỷ lệ nợ xấu, giảm tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém; giảm lãi suất cho vay… Đây đều là những mục tiêu cần thiết để xây dựng hệ thống tài chính an toàn, hiệu quả, nhưng để thực hiện thành công thì một nguồn vốn đủ mạnh là yếu tố cốt lõi.

Làm gì cũng cần vốn

Định hướng tìm vốn cho cơ cấu lại ngân hàng đã được các nhà quản lý chú trọng và tìm kiếm nhưng để đi vào thực hiện cần phải có lộ trình và thời gian nghiên cứu một cách thận trọng.

Cơ cấu lại TCTD giai đoạn 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp ổn định hệ thống, hoạt động ngân hàng được hiệu quả hơn, tạo được niềm tin từ người dân và doanh nghiệp vào quyết tâm và khả năng ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Theo chuyên gia kinh tế TS.Võ Trí Thành, thành công của cơ cấu lại TCTD là chọn được 2 “yếu huyệt” lớn: Nợ xấu, thanh khoản và những lan tỏa xấu có thể có của một số TCTD yếu kém, dù nhỏ. Nhờ đó, tính đến cuối năm 2015, hầu hết ngân hàng thương mại đã hoàn thành bước đầu lộ trình cơ cấu lại theo phương án được duyệt.

Tuy nhiên, lộ trình cơ cấu lại TCTD đến năm 2020 vẫn cần phải giải quyết dứt điểm các vấn đề về sở hữu chéo, nợ xấu, xử lý ngân hàng yếu kém, lãi suất. Hơn nữa, cơ cấu lại TCTD không chỉ nhằm lành mạnh hoá từng TCTD mà còn tạo tiền đề xây dựng một số TCTD mạnh tầm cỡ khu vực và quốc tế theo mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng. Vấn đề này đang gặp trở lại rất lớn về nguồn lực.

Tiêu biểu như việc xử lý nợ xấu, mặc dù tỷ lệ nợ xấu đã xuống dưới mức 3% như mục tiêu đề ra nhưng nợ xấu vẫn đang chủ yếu “gom” về Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC), thị trường mua bán nợ vẫn chưa được vận hành do thiếu hành lang pháp lý… nên việc xử lý nợ xấu vẫn chưa thực chất. Hơn nữa, ngay cả việc xử lý nợ xấu của VAMC vẫn chưa hiệu quả vì thiếu “tiền”. Năm 2015, Chính phủ đã đồng ý tăng vốn điều lệ của VAMC lên 2.000 tỷ đồng, gấp 4 lần số vốn trước đó, nhưng lãnh đạo VAMC vẫn “than thở” về nguồn vốn hạn chế, chưa phù hợp với yêu cầu mua bán nợ theo giá thị trường nên cần dòng tiền “thực sự” để hỗ trợ các TCTD.

Cũng về vấn đề này, TS.Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, từ năm 2012 đến 2015, ngành ngân hàng đã xử lý nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng tương đương với 31% vốn điều lệ bình quân cùng giai đoạn của toàn ngành. Có thể nói, các ngân hàng đã sức cùng lực kiệt, nếu cứ tiếp tục yêu cầu trích dự phòng để xử lý nợ xấu với mức lớn như những năm qua thì rủi ro lớn hơn là đổ bể hệ thống có thể xảy ra. Do đó, xử lý nợ xấu đang cần một nguồn “vốn thực”.

Một nhu cầu vốn khác là việc các ngân hàng muốn áp dụng theo chuẩn Basel II. Với chuẩn này, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu là 8% với cách tính khắt khe hơn khi ngoài rủi ro tín dụng, Basel II còn tính đến yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Do đó, các ngân hàng phải tính đến phương án tăng vốn nếu muốn lên Basel II. Chính vì thế, nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đã không ít lần lên tiếng xin nới room cho nhà đầu tư nước ngoài để các ngân hàng được tăng thêm nguồn lực về tài chính.

Mặt khác, các mục tiêu về giảm lãi suất cho vay về mức 5% cũng phụ thuộc nhiều vào kết quả xử lý nợ xấu và việc các ngân hàng sẽ có nguồn lực như nào để tăng chi phí dự phòng và chi phí vốn. Bên cạnh đó, việc xử lý các ngân hàng yếu kém, sáp nhập ngân hàng, xử lý sở hữu chéo… cũng đòi hỏi phải có nguồn tiền để thực hiện, bởi không thể tiếp tục để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng như đã thực hiện.

Cần nguồn lực mới

Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia giai đoạn 2016-2020 vừa được Quốc hội thông qua đã nêu rõ "không sử dụng ngân sách Nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Như vậy, việc cơ cấu lại TCTD giai đoạn mới cần những giải pháp mới mang tính đột phá, quyết liệt và đồng bộ, trong đó, cần đến những dòng tiền “mới”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ngân hàng châu Á được tổ chức vào tháng 5 vừa qua cũng như tại Hội nghị thường niên Hiệp Hội Ngân hàng châu Á (ABA) gần đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình cơ cấu lại cùng các ngân hàng trong nước trong giai đoạn cải cách mạnh mẽ, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực và thế giới sắp tới. Ngành ngân hàng Việt Nam sẽ đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia.

Trên thực tế, đã rất nhiều lần, các chuyên gia kinh tế nhận định nguồn lực cho cơ cấu lại nên có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất để các nguồn lực này chưa phát huy hiệu quả nằm ở cơ chế và hành lang pháp lý cho phép các nhà đầu tư tư nhân hoạt động. Hơn nữa, những sự tham gia này bao giờ cũng mang tính “hai mặt” nên cần sự tính toán và cân nhắc thận trọng, không thể cứ nói là phải làm ngay.

Một nguồn lực khác, trong Thông báo Kết luận buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV), Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo DIV xây dựng Chiến lược phát triển của DIV giai đoạn 2017-2025 với định hướng nâng cao vai trò, vị trí DIV trong việc góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống TCTD; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) để tăng cường vai trò của DIV cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng nguồn lực của BHTG trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu…

Nhìn chung, định hướng tìm vốn cho cơ cấu lại ngân hàng đã được các nhà quản lý chú trọng và tìm kiếm nhưng để đi vào thực hiện cần phải có lộ trình và thời gian nghiên cứu một cách thận trọng. Và việc tìm nguồn vốn này không nhanh cũng có thể gây ra hệ lụy không nhỏ, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của hệ thống ngân hàng.

Theo Hương Dịu

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên