MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn ngoại mở đường vào thủy sản

Hai, trong ba DN có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất VN năm 2012 đã, đang hợp tác bán cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại để huy động vốn.

Điều này được giới chuyên môn đánh giá sẽ không dừng lại ở một vài hiện tượng, mà sớm phát triển thành một xu hướng.

Trong ngành thủy sản VN, theo thống kê dựa trên kim ngạch xuất khẩu năm 2012, ba DN chiếm vị trí đầu bảng lần lượt là CTCP Minh Phú (MPC), CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) và CTCP Hùng Vương (HVG).

Trong đó, MPC được biết với vai trò vừa là DN đầu ngành thủy sản VN, vừa là một Cty chuyên về xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Vì thế MPC được gọi là vua tôm.

Ở phía còn lại của thủy sản cá tra – một sản phẩm đóng góp giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn, ngôi vua xuất khẩu thuộc về HVG. Và trong năm 2013, cả hai ông vua này đều đã tính đường bán vốn cho nhà đầu tư ngoại.

Từ hiện tượng của “2 vua”

Thực tế, thương vụ bán vốn của MPC đến thời điểm hiện nay đã diễn ra suôn sẻ, sau cú “dạm ngõ” bất thành đầu tiên từ đối tác Thái. Nhà đầu tư ngoại chính thức của MPC tại Cty con Cty TNHH Chế biến Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (MPHG) là Cty Mitsui&Co đến từ Nhật Bản.

Tại Cty con nay đã được chuyển đổi thành mô hình CTCP, phía Nhật nắm 226,6 triệu cổ phần, tương đương 30,8% tỉ lệ sở hữu và MPC nắm 67,5%. Đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ này đã giúp nguồn vốn của MPHG tăng đạt 866,6 tỉ đồng, vượt vốn của MPC khoảng 66,67 tỉ đồng và đưa MPHG trở thành mũi nhọn mang về nguồn thu chính của MPC trong tương lai.

Về kế hoạch sử dụng vốn, thặng dư từ đợt phát hành của Cty con sẽ giúp MPC có thêm vốn để hoạt động kinh doanh trong bối cảnh vay vốn khó khăn và MPC vẫn còn nhiều khoản nợ ngắn lẫn dài hạn đã vay để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản Minh Phú Hậu Giang, đồng thời các khoản vay bổ sung vốn lưu động trong thời gian qua.

Cũng với nhu cầu vốn ngày càng tăng cao để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt do nhu cầu vốn để tăng mua cổ phần ở các Cty mà HVG đang nắm giữ tỉ lệ sở hữu chi phối lớn, tháng 10/2013, thị trường cũng đã có tin đồn HVG bán thỏa thuận với một đối tác Singapore 30 triệu cổ phiếu, với giá khoảng 30.000 đồng/ cổ phiếu.

Theo những nguồn tin gần đây thì ông Dương Ngọc Minh - TGĐ HVG đã xác nhận số cổ phần đã bán tương đương tỉ lệ sở hữu 20% cổ phần trong HVG, và thặng dư vốn cổ phần ước khoảng 30 triệu USD.

Tính toán của CTCP Maybank KimEng là HVG có thể thu về từ đợt bán vốn này khoảng 42 triệu USD, nếu đúng bán ở mức 30.000đ/ CP. Giá này sẽ cao hơn giá thị trường của HVG tính đến ngày 8/11/2013 khoảng 19,5% và nguồn vốn tăng thêm sẽ được HVG dùng để mua thêm cổ phần ở Cty xuất khẩu tôm FMC (HVG đang nắm 41,8% cổ phần) và Cty con AGF (HVG đang nắm giữ 51,4% cổ phần).

Sẽ trở thành xu hướng?

Ngoài 2 vua tôm và cá tra xúc tiến bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, một Cty con của HVG là CTCP thủy sản An Giang cũng đang dự tính tìm đối tác phù hợp để chuyển nhượng 100% cổ phần của Công ty M&T Seafoods Corp (trụ sở tại Mỹ).

Một trường hợp khác đã bán hết room quy định 49% cho đối tác Panga Holdco Pte. Ltd từ Singapore, là CTCP Gò Đàng, cũng là một DN niêm yết ngành thủy sản. Xa hơn, đầu năm 2012, Choilimex, DN chế biến thủy hải sản cũng đã bán 19% cổ phần cho một đối tác Nhật…

Như vậy, có thể nói các trường hợp bán cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại của DN thủy sản nay đã không còn dừng ở mức hiện tượng. Và hơn thế, một số các yếu tố khách quan, chủ quan cũng đã, đang tiếp tục tác động tới DN ngành thủy sản, để xu hướng này có khả năng lan rộng, đẩy nhanh tốc độ phố biến trong nay mai.

Về phía chủ quan, đặc trưng của DN ngành thủy sản đòi hỏi nguồn vốn lưu động lớn đầu tư cho khâu chủ động nguồn nguyên liệu bao gồm con giống – thức ăn – thuốc thủy sản – hoạt động nuôi trồng trong khi nguồn vốn của các DN còn hạn chế, hầu hết các DN đều sử dụng vốn vay ngắn hạn, nhằm đáp ứng vốn lưu động và cũng vì vậy hầu hết các DN trong ngành đều sử dụng nợ ngắn hạn khá cao.

Theo Bộ phận Phân tích CTCK FPT, nợ ngắn hạn/tổng tài sản bình quân của DN trong ngành từ 50% trở lên tính đến cuối năm 2012. Áp lực về nợ cũ khiến vốn mới khó vay trong khi yêu cầu bổ sung cho vốn lưu động vẫn tiếp diễn sẽ còn khiến nhiều DN thủy sản phải đau đầu về vấn đề vốn.

Thậm chí những DN khó khăn sẽ phải tìm đến phương cách bán tài sản (nhà máy, vốn, bán cả DN…) để trả nợ, kiểu như Gò Đàng hay chuyển nợ thành vốn góp, đổi cấu trúc chủ sở hữu như một kiểu “bình mới” M&A trên thị trường VN qua điển hình Thủy sản Bình An.

Trong khi DN Việt thiếu vốn, DN nước ngoài lại đang có lợi thế vốn, có nhu cầu chuyển dịch vốn và đón đầu thời điểm nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh trở lại khoảng 4-5 năm tới.

“Không lạ nếu DN nước ngoài “nhòm ngó” ngành Thủy sản VN. Một số lĩnh vực trong chuỗi quy trình khép kín của khâu nguyên liệu thủy sản nói riêng, nông nghiệp nói chung cũng đã được các DN nước ngoài quan tâm đầu tư trong thời gian qua.

Và một khi các lĩnh vực khác đã “đầy”, chẳng hạn như lĩnh vực thức ăn thủy sản, gia súc đã hút đủ vốn ngoại, thì cơ hội đầu tư sâu vào các lĩnh vực khác sẽ được các nhà đầu tư tìm kiếm nhiều hơn.

Chọn một ngành gì để 4-5 năm tới sẽ đúng điểm sinh lời và vẫn đảm bảo an toàn cho nguồn vốn đầu tư trong bất kì biến động kinh tế quốc tế nào, thì ngành đó chính là thủy sản” - ông Đỗ Thanh Năm, chuyên gia tư vấn chiến lược Cty Win-Win nhận xét.

Cân nhắc thiệt hơn

Đối với những người trong cuộc, chắc chắn rất khó để cân nhắc thiệt hơn khi việc tìm kiếm các đối tác ngoại của DN ngành, vì cơ bản kế hoạch bán tài sản để huy động vốn như những gì đang diễn ra thường không nằm trong chiến lược dài hạn DN.

DN ta cũng không nằm hoàn toàn ở thế thượng phong khi đàm phán. Vì như đã phân tích ở trên, DN chỉ tính chuyện bán tài sản cổ phần khi bí vốn. Mức độ DN bí tới đâu sẽ chi phối các quyết định và lợi thế trên bàn đàm phán tới đó.

Sở dĩ Gò Đàng phải chấp nhận hủy niêm yết theo yêu cầu của đối tác ngoại, không chỉ vì phía ngoại sở hữu tới 49%, mà quan trọng vì DN không còn lựa chọn.

Minh Phú ngược lại, vẫn có thể từ chối đối tác Thái vì cái giá được trả chưa như kì vọng, khi Minh Phú vẫn còn thời gian và còn nhiều đường thoái lui trong giai đoạn kiếm đối tác mới có khả năng đưa ra mức giá phù hợp và hỗ trợ cho hoạt động DN tốt hơn sau khi góp vốn.

Thế nhưng ngay chính MPC cũng không lường được những tác động khách quan, khiến Minh Phú có thể đưa ra những quyết định bất ngờ tới phút 89, trong một cuộc đấu mà phía Minh Phú gần như độc đơn kiểm soát “bóng” hết toàn bộ thời gian.

Giả thiết đặt ra là nếu như đối tác phân phối Nhật cũ vẫn hợp tác với Minh Phú, thì người mua vốn Mitsui làm sao “có cửa”? Và MPC lúc đó liệu đã quay lưng với người mua vốn khác?

Trong khi nếu so sánh giữa lợi thế chủ động hơn nhờ chuỗi thức ăn cung ứng, nuôi trồng và chế biến thực phẩm khi bắt tay với người Thái CP Foods, và so sánh giữa khâu đầu ra, đặc biệt ở thị trường Nhật – một trong các thị trường cao cấp và là thị trường xuất khẩu tôm quan trọng của VN - thì cán cân chọn đối tác của MPC chắc chắn phải nghiêng về người Nhật… Những cân nhắc như vậy khiến DN Việt trong từng tình huống khác nhau, phải linh hoạt các quyết định và cả trông chờ sự… may mắn.

Theo Lê Mỹ

phuongmai

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên