MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn tín dụng cho cao tốc Bắc - Nam: Khó khăn và... rất khó khăn

06-05-2020 - 17:44 PM | Tài chính - ngân hàng

“Khó khăn”, “rất khó khăn” là những cụm từ được Bộ Giao thông vận tải nhấn đi nhấn lại khi nói về khả năng huy động vốn tín dụng cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Ký báo cáo gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan giám sát dự án trên - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ đang tích cực triển khai các thủ tục liên quan đến dự án trọng điểm quốc gia này. Tuy nhiên quá trình triển khai gặp  một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có nguồn vốn tín dụng trong nước.

Thứ trưởng nhấn mạnh, ngay trong giai đoạn báo cáo Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án (năm 2017 - PV), Chính phủ đã nhận định “khả năng huy động nguồn vốn từ cá tổ chức tín dụng trong nước khó khăn”.

Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã phản ánh: việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, hình thức chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn.

Trong khi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm dần còn 40% từ ngày 01/01/2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tới.

Khi đó, Bộ trưởng cho biết, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng cho dự án, Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp phù hợp bảo đảm cung cấp đủ các nguồn vốn đáp ứng việc triển khai dự án.

Ở báo cáo mới, Thứ trưởng Đông dẫn thông tin từ bản báo cáo phát hành giữa tháng 02/2020 của Ngân hàng Nhà nước, nêu rõ: các dự án BOT , BT giao thông có quy mô, tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn dài... trong khi nguồn vốn của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn.

Đồng thời, để đảm bảo ổn định về chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.

Ngoài ra, các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án BOT, BT giao thông chưa được xử lý dứt điểm và các ngân hàng thương mại nhà nước chưa được kịp thời tăng vốn, các tổ chức tín dụng khó có khả năng xem xét, tài trợ đối với các dự án mới.

Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cũng phản ánh, từ thực tế triển khai một số dự án BOT giao thông trong thời gian qua cho thấy, trong điều kiện các cơ chế chia sẻ rủi ro (đặc biệt là rủi ro về doanh thu) chưa được áp dụng, việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư là rất khó khăn. Một số dự án có nhu cầu vận tải lớn khả thi về tài chính (như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cũng rất khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng.

Từ thực tế kết quả sơ tuyển các dự án, Bộ phản ánh, các doanh nghiệp tham gia sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam chủ yếu là các nhà thầu, năng lực thi công tốt nhưng năng lực tài chính không phải là thế mạnh, nên việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư sẽ khó khăn.

Báo cáo tiến độ triển khai dự án, Thứ trưởng Đông cập nhật, đối với 7 dự án thành phần có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển sẽ tiếp tục triển khai bước đấu thầu. Trường hợp đấu thầu thành công dự kiến dự kiến sớm nhất có thể lựa chọn được nhà đầu tư khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11/2020, đàm phán ký kết hợp đồng trong tháng 12/2020, bắt đầu triển khai thi công từ đầu năm 2021.

Để đảm bảo tiến độ triển khai theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ quy định: nhà đầu tư vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực.

Như vậy, trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư trong năm 2020 cũng chưa thể khẳng định có thể triển khai được ngay các dự án thành phần PPP trong năm 2021. Trường hợp nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng, Bộ Giao thông vận tải phải hủy hợp đồng và Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cùng thời điểm Bộ Giao thông vận tải gửi báo cáo đến Ủy ban Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng có báo cáo gửi đến đầu mối này.

Tại đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết hai triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid - 19. Trong đó các dự án BOT, BT giao thông dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng khoảng 110.000 tỷ đồng, chiếm 1,35% tổng dư nợ...

Trong báo cáo trên, Ngân hàng Nhà nước không đề cập về nguồn cung cấp tín dụng cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo Khánh Phương

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên