Vốn trung dài hạn, tìm đâu ra?
Hiện nay, tại nhiều NHTM tỷ trọng dư nợ trung và dài hạn chiếm trên 50% tổng nguồn vốn huy động. Vì vậy, để thực hiện định hướng của NHNN kéo giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong vòng 2-3 năm tới về mức 30%, nhiều nhà băng cho rằng áp lực này rất lớn và cần huy động nhiều nguồn dài hạn khác để thay thế.
- 22-05-2019NHNN đề xuất sử dụng ngân sách để tăng vốn VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank
- 22-05-2019[Chart] Các ngân hàng đang có tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn như thế nào?
- 21-05-2019Vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng tăng hơn 63% sau 7 năm
Liên tục thay đổi
Quy định về tỷ lệ giới hạn sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được đề cập lần đầu tiên tại Quyết định 297/1999 của NHNN. Từ đó đến nay, tỷ lệ này được thay đổi nhiều lần.
Ban đầu, NHTM được áp dụng mức 20%, sau đó cho phép điều chỉnh lên 30% năm 2003, năm 2005 tăng lên 40% và giảm xuống 30% từ năm 2009. Đến năm 2013, nhiều NH kiến nghị nới tỷ lệ này do đầu ra tín dụng gặp nhiều khó khăn và nhu cầu vay vốn trung và dài hạn cao.
Tại Thông tư 36/2014, NHNN nới tỷ lệ này lên 60%, thực hiện từ tháng 2-2015. Hơn 1 năm sau, lộ trình mới lại được đưa ra, các NH được áp dụng tỷ lệ 60% trong năm 2016, 50% trong năm 2017 và từ năm 2018 còn 40%. Ngay sau đó NHNN điều chỉnh tỷ lệ lên 45% và từ năm 2019 còn 40%. Mới đây nhất, NHNN đưa ra lấy ý kiến 2 phương án giảm tỷ lệ này xuống còn 30% trong 2-3 năm tới.
Mỗi lần NHNN điều chỉnh tỷ lệ trên đều dựa trên khả năng thanh khoản của các NH. Thời điểm NHNN tăng mạnh tỷ lệ này khi NHTM huy động tốt nhưng tín dụng đóng băng. Sau thời gian tăng trưởng mạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tín dụng đang dần đi vào ổn định với mức tăng khá thấp, cũng là điểm rơi tốt để NHNN tính đến sự bền vững là đảm bảo an toàn cho hệ thống.
Tuy nhiên, do tín dụng, nhất là tín dụng trung và dài hạn có tác động lớn đến sự phát triển của nhiều nhóm ngành, kể cả với các NH, nên mỗi lần NHNN thay đổi chính sách đều có những phản ứng, ý kiến trái chiều. Như Hiệp hội Bất động sản TPHCM liên tục kiến nghị nới thời hạn, nới tỷ lệ này mỗi lần có định hướng giảm.
Cái khó của NHTM
Một số NH tăng lãi suất huy động 13 tháng cũng tạm gọi là trung hạn. Nhưng thực chất đây chỉ là giải pháp đối phó, vì huy động phải từ 3 năm trở lên mới gọi là trung và dài hạn, mới ổn định.
TS. Trần Du Lịch
Hiện nay áp lực của NHTM cho nền kinh tế vay cả ngắn hạn, trung và dài hạn đã giảm, do nhiều doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán hoặc các kênh khác. Tuy nhiên, cơ cấu vốn huy động dù có chuyển dịch, nhưng phần lớn vốn huy động vẫn tập trung ở kỳ hạn ngắn.
Nhìn vào báo cáo tài chính quý I-2019 của nhiều NH thấy rõ, cho vay trung và dài hạn vẫn chiếm ưu thế. Trong tổng dư nợ 101.904 tỷ đồng của VIB có đến 85.401 tỷ đồng nợ trung và dài hạn, chiếm 83,8%. SeABank có tổng dư nợ gần 85.700 tỷ đồng, nợ trung và dài hạn 64.153 tỷ đồng, chiếm 75,48%.
Tại OCB, vốn cho vay trung và dài hạn 42.191 tỷ đồng trong tổng vốn cho vay 61.120 tỷ đồng (73,21%). Tình trạng dư nợ trung và dài hạn cao cũng diễn ra ở Techcombank 62,73%, VPBank 66,93%, SHB 59%. Tỷ lệ này có thấp hơn ở các NHTM có vốn nhà nước như Vietcombank 45%, Vietinbank 44,13% và BIDV 37,41%.
Dựa vào cơ cấu cho vay, có thể thấy các nhà băng vẫn ưu tiên cho vay các kỳ hạn này. Dễ hiểu vì mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, trong khi cho vay trung và dài hạn 9-11%/năm. Biên lợi nhuận cao hơn, khách vay ổn định lâu dài là ưu điểm lớn nhất của cho vay trung và dài hạn.
Theo định hướng của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn càng thấp, tính ổn định và tính an toàn cao hơn. Nhưng muốn đáp ứng yêu cầu, vốn cấp 1 của NH phải đảm bảo tốt hơn, huy động cũng phải đảm bảo vốn trung và dài hạn nhiều hơn, điều này rất khó khăn.
Vài năm gần đây, các NHTM không ngừng tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài, phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu. Đây là giải pháp để cơ cấu lại kỳ hạn cho vay. Tuy nhiên, có cạnh tranh giữa các NH với nhau, hình thức huy động này đã đẩy mặt bằng lãi suất tăng.
Chẳng hạn lãi suất huy động kỳ hạn dài của nhiều nhà băng đã lên hơn 8%/năm, lãi suất chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu cũng xấp xỉ 9%/năm. Chi phí đầu vào cao ảnh hưởng đến đầu ra. Một tính toán cho thấy, đầu vào 8% nhưng chỉ cho vay được 90% vốn huy động theo quy định, cộng với chi phí hoạt động, dự phòng rủi ro đã đẩy chi phí vốn lên 12%. Muốn có lãi, NH phải cho vay 13-14%/năm.
Nguyên tắc NHTM chỉ cung cấp vốn ngắn hạn, thị trường chứng khoán cung cấp vốn trung và dài hạn. Để tháo gỡ khó khăn này, các nhà băng nên triển khai các giải pháp tăng vốn điều lệ, từ đó có vốn trung dài hạn an toàn và rẻ hơn để cho vay. Hoặc các hình thức như vay NHNN, vay nước ngoài, tiếp cận các nguồn tài trợ ủy thác các tổ chức quốc tế thực hiện cho vay.