MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn Trung Quốc: 'Tiền đi tới đâu, người đi tới đó'

Một trong những đặc điểm của vốn vay từ Trung Quốc là “tiền đi tới đâu thì người đi tới đó”.

Trước nhiều quan điểm trái chiều về nguồn vốn vay ODA từ Trung Quốc, ngày 29-11, Trung tâm nghiên cứu An ninh và Chiến lược quốc tế (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) phối hợp với Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) tổ chức một hội thảo mang tên “Semianar nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc số 15: Đánh giá về tác động của vốn vay Trung Quốc”.

Diễn giả chính là TS Phạm Sỹ Thành, chuyên gia có những nghiên cứu rất sâu về kinh tế Trung Quốc cũng như những tác động chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Ngoài ra còn có những chuyên gia như TS Lưu Bích Hồ, bà Phạm Chi Lan, cũng như những chuyên gia của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.


TS Phạm Sỹ Thành: Dự án vốn vay Trung Quốc thường hiệu quả kém và sử dụng vốn lãng phí. Ảnh: CHÂN LUẬN

TS Phạm Sỹ Thành: "Dự án vốn vay Trung Quốc thường hiệu quả kém và sử dụng vốn lãng phí". Ảnh: CHÂN LUẬN

TS Phạm Sỹ Thành cho hay, Trung Quốc gần đây đã thành lập nhiều Quỹ phát triển để cung cấp tài chính, đặc biệt cho các nước đang phát triển.

Một trong những thách thức đối với nguồn vốn vay từ Trung Quốc là những ràng buộc về môi trường, lao động Trung Quốc đi theo, tình trạng đội vốn của các dự án… sẽ dẫn đến nhiều rủi ro về môi trường, xã hội và tài chính.

Theo TS Thành, nếu hy sinh để nhận những nguồn vốn dễ dàng từ Trung Quốc thì các quốc gia sẽ lãnh hậu quả lớn. Theo ông những hậu quả về môi trường như biển ô nhiễm chưa được giải quyết, người ta chỉ biết đến việc làm sạch biển, bồi thường… nhưng chưa tính đến sinh kế lâu dài của người dân sống nhờ biển.

Một đặc điểm khác của vốn vay từ Trung Quốc là “tiền đi tới đâu thì người đi tới đó”. Có những dự án Trung Quốc mang theo hàng chục ngàn lao động. Điều này xảy ra sẽ tạo áp lực xã hội và kể cả xung đột văn hóa đối với người bản địa. Những hậu quả về con lai và chính trị vì thế cũng lớn theo.

Dẫn ra những ví dụ đầu tư về năng lượng ở Nam Mỹ của Trung Quốc, TS Thành khẳng định những nơi có dự án của Trung Quốc môi trường đều gặp vấn đề. Đơn cử là là ở Venezuela, nơi có một dự án của Trung Quốc trị giá tới 65 tỷ USD.

“Khi Venezuela lâm vào khủng hoảng, những khoản tín dụng của Trung Quốc cũng gặp vấn đề. Hàng chục ngàn người Trung Quốc đã ở đây và Trung Quốc nhận thấy khó có thể giải quyết được các vấn đề liên quan nên đã bắt đầu rút người Trung Quốc, nhà xưởng… ra khỏi quốc gia này”, TS Thành thông tin.

Kết luận, TS Thành cho rằng cần thận trọng khi vay vốn từ Trung Quốc. Bởi nguồn vốn này có nhiều thách thức từ môi trường, lao động… Ngoài ra, chúng ta vẫn còn có nhiều nguồn vốn chất lượng cao từ Nhật Bản cũng như các định chế tài chính khác để giải quyết bài toán đầu tư.

“So sánh xe máy của Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như công trình cầu Nhật Tân với các dự án khác của Trung Quốc, chúng ta có thể nhận ra đâu là nguồn vốn cần tìm đến”, TS Thành nói.

Vốn Trung Quốc và vấn nạn tham nhũng

“Trung Quốc biết các quốc gia đang phát triển muốn gì và cần gì. Tham nhũng ở các quốc gia đang phát triển rất mạnh nên những dự án phát triển của Trung Quốc có thể khiến tham nhũng tràn lan hơn. Dự án vì thế hiệu quả thấp, vốn vay bị sử dụng lãng phí”, TS Thành nhận định.

Theo TS Thành, một lập luận hay được đưa ra để biện minh cho vấn đề này là tham nhũng ở quốc gia nào cũng có, và các dự án ODA từ bất cứ quốc gia nào cũng phát sinh hối lộ, tham nhũng. Thế nhưng, “chúng ta biết có những nhà thầu Trung Quốc từng tuyên bố chúng tôi có thể trả hoa hồng 50% mà dự án vẫn hiệu quả”, TS Thành nói.

Thực tế ngay cả những dự án ODA của Nhật Bản cũng xảy ra tham nhũng. Nhật Bản xử lý rất nghiêm các cá nhân, tổ chức hối lộ ở nước ngoài. Điều này có tác dụng với cả những nhà cung cấp vốn của họ cũng như những quốc gia nhận vay tài chính từ Nhật Bản.

“Nhật Bản đưa ra những chứng cứ hối lộ, tham nhũng rõ ràng và tuyên bố nếu không xử lý nghiêm sẽ cắt ODA”, TS Thành dẫn chứng.

Động thái này của Nhật Bản rất khác biệt so với cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, "chưa có ai là con ông cháu cha bị xét xử và những người đưa hối lộ ở nước ngoài cũng không bị xét xử”, TS Thành nói.

Theo Chân Luận

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên