MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội: Hàng nghìn tỷ có nguy cơ ế

16-06-2022 - 12:51 PM | Bất động sản

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến thời điểm này ngân hàng mới giải ngân được 140 tỷ đồng cho khoảng 800 khách hàng (bao gồm cả khách hàng vay sửa chữa và cải tạo nhà ở) thuộc đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH). Con số này quá ít trong khi thời gian giải ngân gói vay 15.000 tỷ đồng được ấn định đến hết năm 2023.

Giá nhà đất tăng liên tục 5 năm qua, chỉ số giá nhà ở cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, khiến nhiều người khó sở hữu được nhà ở. Chị Nguyễn Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Do tài chính gia đình hạn hẹp nên chị có nhu cầu mua NƠXH. Thế nhưng suốt từ năm 2021 đến nay, tôi đi tìm các dự án NƠXH quanh Hà Nội nhưng không thấy dự án nào sắp mở bán”.

Vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội: Hàng nghìn tỷ có nguy cơ ế - Ảnh 1.

Nhu cầu lớn, nguồn vốn có nhưng nguồn cung dự án NƠXH tại các đô thị rất hạn chế. (Ảnh: Như Ý)

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong hai năm (2020-2021) nguồn cung bất động sản giảm mạnh. Năm 2021, nguồn cung nhà ở giảm 34% so với năm 2020, năm 2020 số dự án mới đã giảm 50% so với năm 2019. Còn NƠXH gần như không có dự án nào được cấp phép mới.

Thực tế, nguồn cung NƠXH, nhà ở công nhân đến nay mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo như kế hoạch; trong đó nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 với 54.000 căn hộ, NƠXH cho người thu nhập thấp ở đô thị đạt khoảng 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ.

Đáng chú ý, cả nước đang tiếp tục triển khai 339 dự án NƠXH nhưng tốc độ triển khai rất chậm, trong đó nhà ở công nhân 7,6 triệu m2 với hơn 152.000 căn hộ, NƠXH cho người thu nhập thấp đô thị là 9,6 triệu m2 với 219.000 căn hộ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2022, trong đó yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường hiệu quả quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, có giải pháp khắc phục các kế hoạch, dự án NƠXH, nhà ở thương mại không hoặc chưa được đưa vào khai thác, sử dụng; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách phát triển và tăng nguồn cung NƠXH, nhà ở cho công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Để đảm bảo nguồn cung ra thị trường, ông Khởi cho biết thêm, Bộ Xây dựng đề xuất các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển các dự án bất động sản; tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý có hiệu quả, ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, NƠXH, nhà ở cho công nhân được cấp phép.

“Bộ Xây dựng đã lập đoàn làm việc với các địa phương để đẩy mạnh nguồn cung cho thị trường bất động sản. UBND các tỉnh sẽ lập danh sách dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần ưu tiên hỗ trợ lãi suất vay vốn gửi Bộ Xây dựng để công khai danh sách và ngân hàng sẽ cho vay theo danh sách Bộ Xây dựng công bố”, ông Khởi khẳng định.

Trong khi nguồn cung dự án NƠXH ít, vốn vay ưu đãi cả cho chủ đầu tư và người mua vay với nhiều gói hỗ trợ. Đặc biệt, gói vay 15.000 tỷ đồng cho người mua nhà vay nhưng giới hạn chỉ trong vòng 2 năm (2022- 2023). Đến nay, theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng mới giải ngân được 140 tỷ đồng cho khoảng 800 khách hàng thuộc đối tượng mua, thuê mua NƠXH. Con số này quá ít trong khi thời gian giải ngân được ấn định đến hết năm 2023.

Ngoài ra, chủ đầu tư triển khai NƠXH còn được vay gói bù lãi suất 2% với khoảng 40.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm (2022- 2023). Thế nhưng đến nay, Bộ Xây dựng mới đang tổng hợp các dự án từ địa phương gửi về và chưa có dự án nào được giải ngân.

Đại diện một doanh nghiệp từng làm 3 dự án NƠXH chia sẻ: “Giờ đây thủ tục làm NƠXH rất phức tạp, để ra một dự án cũng mất vài năm không khác gì nhà ở thương mại. Các gói vay ưu đãi cả cho chủ đầu tư và người mua khó khả thi, vì không có dự án ra hàng”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho biết, hiệp hội đã đề xuất hàng loạt giải pháp để tăng nguồn cung nhà ở thương mại, NƠXH để kéo giảm giá nhà và bình ổn thị trường BĐS. Trong đó, đề xuất giải pháp cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được hoán đổi NƠXH tương đương quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại để đảm bảo nguồn cung NƠXH.

Theo Ngọc Mai

Tiền phong nhà

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên