VSA Corp: Ông chủ hãng hàng không Vietstar Airlines đang làm ăn thế nào?
Sau khi được cấp phép bay, doanh thu của CTCP Hàng không lưỡng dụng Việt Nam (VSA Corp – chủ sở hữu Vietstar Airlines) đã tăng trưởng mạnh, tuy nhiên mức lợi nhuận thuần lại đảo chiều âm.
Theo báo cáo cập nhật ngành hàng không của FPT Securities, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không thế giới với con số thiệt hại ước tính khoảng 130 tỉ USD trong năm 2020.
Tại Việt Nam, những tháng đầu năm 2020, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đã sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, lượng sụt giảm chủ yếu đến từ nhóm khách quốc tế như Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc.
Hiện nay, các hãng hàng không đang hoạt động tại thị trường nội địa được đông đảo thị trường biết đến gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco và Bamboo Airways. Ngoài ra, một hãng hàng không khác cũng mới được cấp phép bay - nhưng không phải là loại hình "hàng không dân dụng", mà là "hàng không chung" - là Vietstar Airlines của CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (VSA Corp).
Theo giới thiệu trên trang chủ, VSA Corp được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận nhà khai thác tàu bay (Aircraft Operator Certificate - AOC) vào tháng 7/2019.
VSA Corp hiện đang đang sở hữu trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa máy bay Vietstar Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời cung cấp một số dịch vụ như vận chuyển hành khách - hàng hóa, sửa chữa – bảo dưỡng máy bay, cung ứng xăng dầu hàng không và đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành hàng không.
Sau khi nhận giấy chứng nhận khai thác tàu bay, VSA Corp đã báo lỗ hơn 6 tỷ đồng tại năm 2019
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, doanh thu của VSA Corp đều đạt hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên mức lãi thuần chỉ vỏn vẹn trên dưới 1 tỉ đồng, thậm chí là báo lỗ.
Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của VSA Corp lần lượt đạt 45,85 đồng và 42 tỉ đồng, lãi thuần tương ứng là 1,57 tỉ đồng và 83 triệu đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần của VSA Corp đạt 71,25 tỉ đồng, tăng 65% so với năm trước; tuy nhiên, doanh nghiệp này lại báo lỗ thuần ở mức 6,35 tỉ đồng, trong khi năm 2018 lãi 1,23 tỉ đồng.
Quy mô doanh thu Vietstar Airlines của VSA Corp vẫn còn là quá nhỏ nếu so với các hãng hàng không dân dụng như Vietnam Airlines, Vietjet Air hay Bamboo Airways với doanh thu hàng năm đều đạt hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, kết quả kinh doanh trên sẽ khó lặp lại trong năm 2020. Ví dụ như Vietnam Airlines, trong 9 tháng đầu năm 2020, hãng hàng không này đã ghi nhận khoản lỗ trước thuế hợp nhất lên đến 10.750 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 8.737 tỉ đồng.
Vietstar Airlines của ai?
Theo tìm hiểu của VietTimes, VSA Corp được thành lập vào tháng 4/2010, với vốn điều lệ 400 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt (Ngôi Sao Việt, nắm giữ 67% VĐL), Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, nắm giữ 25% VĐL) và CTCP Logistic Ngôi Sao Việt (nắm giữ 8% VĐL).
Cuối tháng 7/2015, VSA Corp nâng vốn điều lệ lên 800 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của VSA Corp đạt 1.627 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 839,5 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 27% và 28% so với thời điểm đầu năm.
Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Trịnh Phương (SN 1971). Ông Phương hiện là Chủ tịch HĐQT tại Ngôi Sao Việt – cổ đông lớn của VSA Corp. Ngoài ra, ông Phương cũng đang đứng tên tại một số pháp nhân khác như CTCP Gang thép Vina, Công ty TNHH MTV Đầu tưu Vina Holdings.
Về cổ đông Ngôi Sao Việt, trong 4 năm gần đây, doanh nghiệp này không phát sinh doanh thu và báo lỗ vài triệu đồng mỗi năm. Năm 2016, Ngôi Sao Việt báo lỗ nặng nhất với lỗ thuần ở mức 1,65 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Ngôi Sao Việt vẫn ổn định lần lượt ở mức gần 914 tỉ đồng và 318 tỉ đồng.
Ngày 29/10 vừa rồi, Bộ Giao thông Vận tải đã cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines của Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam.
Tuy nhiên, hãng hàng không này còn cần có giấy chứng nhận AOC do Cục Hàng không Việt Nam cấp phép và được phê duyệt chương trình an ninh hàng không để đảm bảo các vấn đề về an ninh, an toàn hàng không theo quy định trước khi hoạt động bay.
Ngoài Vietravel Airlines, thị trường hàng không còn KiteAir của CTCP Hàng không Thiên Minh vẫn đang trong giai đoạn chờ bay. Trước đó, một hãng hàng không khác là Vinpearl Air của tập đoàn Vingroup đã xin rút khỏi lĩnh vực này dù rất được thị trường kỳ vọng./.
Viettimes