MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ 1,8 triệu tấn nhôm có dấu hiệu gian lận xuất xứ: Cần giám sát chặt chẽ

02-11-2019 - 09:33 AM | Thị trường

Đại diện Hiệp hội thép Việt Nam và chuyên gia kinh tế cho rằng, vụ cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời 1,8 triệu tấn nhôm có nguy cơ giả mạo xuất xứ Việt Nam xuất đi Mỹ và một số nước là cảnh báo lớn cho Việt Nam khi bị liên lụy trong vòng vây của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp, chuyên gia là sau thép, nhôm Việt Nam có thể bị “trừng phạt” với mức thuế chống bán phá giá cao đủ để làm “chết” một ngành.

Manh mối từ đâu?

Liên quan vụ 1,8 triệu tấn nhôm trị giá hơn 4 tỷ USD có nguy cơ gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khác được ngăn chặn kịp thời, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện tại, số nhôm này vẫn đang nằm “đắp chiếu” ở cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng Hải quan và nhiều cơ quan khác.

Ngày 1/11, trả lời PV Tiền Phong về vụ việc này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, ngay khi phát hiện, Hải quan Việt Nam đã phối hợp với Hải quan Mỹ xác minh, ngăn chặn nguy cơ giả mạo xuất xứ Việt Nam của doanh nghiệp này.

Về 1,8 triệu tấn nhôm này, theo ông Cẩn thuộc thẩm quyền xử lý của doanh nghiệp (DN). DN có thể chuyển sang làm thủ tục tiêu thụ nội địa, miễn là đóng thuế đầy đủ, hoặc làm thủ tục xuất sang nước thứ ba nhưng không được mạo danh xuất xứ Việt Nam, tránh bị Chính phủ Mỹ trừng phạt, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam.

Lượng nhôm của Cty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam nhập về đang tồn 3-4 năm nay với tổng trị giá lên đến hơn 4,3 tỷ USD. Phí lưu kho bãi doanh nghiệp phải đóng cũng không ít.

Khi được hỏi liệu trường hợp này có tạo tiền lệ xấu cho các DN về sau? Ông Cẩn cho rằng, DN được phép làm những gì pháp luật không cấm, miễn là phải tuân thủ đúng pháp luật.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (thuộc Tổng cục Hải quan) cho biết, Cty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam là DN chế xuất. Do đó, khi nhập khẩu hàng hóa (tức nhôm) về không phải chịu thuế nhập khẩu theo quy định của Luật Thuế xuất nhập khẩu. “Họ nhập khẩu số lượng nhôm rất lớn để gia công, sản xuất nhôm thành phẩm xuất đi các nước, không riêng gì Mỹ”, ông Tuấn cho hay.

Cũng theo ông Tuấn, lượng nhôm DN trên nhập từ năm 2015 đến 2019, đang tồn khoảng 1,8 triệu tấn nằm ở các kho thuê ngoài của DN. Ngoài ra, còn hơn 200 ngàn tấn nằm trong nhà máy, DN đang sản xuất để xuất khẩu nhôm ra nước ngoài.

Khi được hỏi, “kinh nghiệm để nhận biết và ngăn chặn các DN có dấu hiệu nhập khẩu tương tự này ra sao?”, ông Âu Anh Tuấn cho biết, khi phát hiện số lượng nhôm nhập khẩu gia tăng đột biến trong thời gian ngắn như vậy, các cơ quan chức năng của Việt Nam bao gồm Tổng cục Hải quan và Bộ Công an, Bộ Công Thương...đã vào cuộc để kiểm tra. Qua đó, nhà chức trách phát hiện nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra trùng mã HS (mã số hàng hóa xuất khẩu); đối chiếu với các quy tắc xuất xứ thấy có nguy cơ không đáp ứng các quy định về tiêu chí xuất xứ của Nghị định 31, Thông tư 05. Bộ Công Thương đã họp và kiểm tra.

“DN không chỉ xuất đi Mỹ mà còn xuất đi nhiều nước khác. Một số nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, do đó DN đã sử dụng các C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) ưu đãi để xuất sang các nước nhằm hưởng lợi từ quy định về miễn thuế như Úc, Malaysia, Indonesia...Nhận thấy có nguy cơ rất cao về gian lận thương mại, gian lận xuất xứ để xuất hàng sang Mỹ hoặc một số nước nhằm trốn thuế, Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành liên quan đã và đang tăng cường kiểm tra, giám sát từ khâu nhập khẩu đến quá trình lưu giữ ở kho bãi, sản xuất và xuất khẩu”, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, đồng thời khẳng định: Nếu phát hiện có bất kỳ dấu hiệu nào về gian lận xuất xứ, Hải quan sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý nghiêm, tránh ảnh hưởng đến uy tín cũng như không để DN lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển hàng hóa.

“Hiện tại, DN khai báo là nhập hàng để phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Lực lượng chức năng sẽ giám sát cho đến khi DN xuất hết. Trường hợp DN đưa ra tiêu thụ nội địa thì Hải quan sẽ xử lý vấn đề về thuế”, ông Tuấn khẳng định.

Cả ngành nhôm có thể bị liên lụy

Theo ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thời gian vừa qua, một loạt mặt hàng, kể cả thép nhập khẩu vào Việt Nam có dấu hiệu gian lận xuất xứ, thương mại; nhiều vụ việc đã bị phát hiện và xử lý.

Trong đó, hành vi chủ yếu là gian lận mã số thuế; gia công, chế biến để xuất khẩu, nhưng không đủ tỷ lệ mang xuất xứ Việt Nam. Các sản phẩm này sau đó bị đối tác nhập khẩu áp thuế chống gian lận.

“Vụ việc nhập khẩu nhôm này cũng như vậy, nếu xác minh có dấu hiệu gian lận xuất xứ, mượn Việt Nam để tạm nhập tái xuất nhằm lách thuế sẽ rất nguy hiểm; sẽ khiến cho cả ngành nhôm bị liên lụy. Chỉ một công ty gian lận thì các công ty khác xuất mặt hàng đó cũng chịu ảnh hưởng theo. Nếu DN không xuất được mà để trong nước tiêu thụ sẽ triệt tiêu các DN trong nước”, ông Nguyên nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương ( CIEM) đánh giá: Hải quan Việt Nam đã rất khách quan khi mời cả phía Mỹ hợp tác điều tra, ngăn chặn. “Nếu xuất khẩu sang Mỹ nhiều quá Việt Nam sẽ bị Mỹ xếp vào nhóm nước thao túng tiền tệ. Việc chúng ta kịp thời phát hiện và ngăn chặn được rất đáng hoan nghênh”, ông Doanh nhận xét.


TS Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là cảnh báo lớn cho Việt Nam khi ở vị thế bị buộc phải nằm trong vòng vây của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nỗi lo lớn nhất là sau thép, nhôm Việt Nam có thể bị trừng phạt với mức thuế chống bán phá giá cao, đủ để làm “chết” một ngành. Cần giám sát chặt chẽ số nhôm khổng lồ này, nếu phát hiện DN có dấu hiệu sai phạm hình sự thì cần xử lý nghiêm để ngăn chặn các hành động tương tự.

Theo Tuấn Nguyễn

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên