Vụ 2 xe sang Mercedes trùng biển số: Nhóm bán 500 bộ giấy tờ giả chịu mức án nào?
Hai chiếc xe sang trùng biển số. Ảnh: Otofun
Không chỉ nhóm đối tượng làm giả giấy tờ xe biển số để mua bán ô tô cao cấp, chủ sở hữu chiếc xe gắn biển giả, giấy tờ giả cũng phải chịu hình phạt nghiêm.
- 04-03-2021Vụ 2 ô tô Mercedes cùng biển ‘chạm mặt’ ở Hà Nội: Một chủ xe chưa xuất trình được giấy tờ
- 02-03-2021Tạm giữ hai ô tô Mercedes "giống nhau như hai giọt nước" trên phố Hà Nội
- 20-11-2019Trung tá CSGT kể giây phút kéo tài xế Grab kẹt ở vụ tai nạn cháy ô tô Mercedes ra ngoài
Hai chiếc ô tô Mercedes trùng hoàn toàn biển số là manh mối giúp cho Công an quận Hà Đông (Hà Nội) phát hiện một đường dây làm giả giấy tờ, biển số để mua bán ô tô cao cấp. Những chiếc xe đưa tiêu thụ thường là các loại xe ô tô không có giấy tờ hoặc đang được chủ xe cầm cố lấy tiền rồi bỏ xe. Xe bán chỉ bằng một nửa xe có đầy đủ giấy tờ. Đối tượng đã bán khoảng 500 bộ giấy tờ xe giả.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Hoàng Tùng (Hà Nội) cho biết: "Chiến và Hiên, Lãm và các đối tượng khác đã có hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của tổ chức. Cụ thể là làm giả biển số xe, giấy tờ xe ô tô để thực hiện việc bán xe ô tô cho người khác.
Có thể thấy rằng, những chiếc ô tô này không đủ điều kiện để chuyển nhượng, nhưng các đối tượng trên đã làm giả những giấy tờ này để làm tin, để khách hàng tin tưởng mua xe.
Hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật, trong trường hợp này có căn cứ để xác định các đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cần điều tra, xác định rõ hành vi và hậu quả cụ thể để xác định trách nhiệm hình sự của các đối tượng và thực thi đúng pháp luật".
Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định như sau:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;
đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Nói về hành vi người điều khiển ô tô dùng biển số xe không phải do các cơ quan có thẩm quyền cấp, luật sư phân tích: "Nếu chủ sở hữu xe mà không chứng minh được nguồn gốc xe và giấy tờ, biển số không phải các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu chủ xe có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Không chỉ vậy, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
4 đối tượng và tang vật. Ảnh: NDO
Thông tin trên báo điện tử Người lao động, theo tài liệu điều tra, khoảng 18h ngày 28/2, Công an quận Hà Đông nhận được đơn trình báo của ông N.A.D. (trú ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) về việc phát hiện một chiếc xe nhãn hiệu Mercedes Benz cùng chủng loại, mang BKS 30E-488.16 giống "y đúc" với chiếc xe mà ông D. đang điều khiển.
Ngay lập tức, ông D. cùng người dân đã chặn chiếc xe kia lại tại đường Vạn Phúc, quận Hà Đông, đồng thời báo tin đến cơ quan công an. Nhận tin báo, Công an quận Hà Đông đã đến hiện trường và mời ông D. cùng ông B. (trú Chương Mỹ, Hà Nội, người điều khiển chiếc xe ô tô có cùng biển kiểm soát với xe của ông D.) về trụ sở để làm việc.
Tại cơ quan công an, ông B. khai đã mua chiếc xe trên của Nguyễn Đình Minh Lãm (SN 1991, quê Thanh Hóa, tạm trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) đầu năm 2020 với giá 520 triệu đồng. Tới thời điểm xảy ra vụ việc, ông B. mới thanh toán 260 triệu đồng, chưa được Lãm giao giấy tờ xe. Ngay sau đó, công an triệu tập khẩn cấp Nguyễn Đình Minh Lãm.
Tại cơ quan công an, Lãm khai đầu năm 2020 đã tìm mua ô tô không rõ nguồn gốc để bán kiếm lời. Khi khách mua xe muốn có giấy tờ giả, Lãm đã nhờ Trần Huỳnh Đức (SN 1995, ở Nam Đàn, Nghệ An) đặt làm.
Sau khi mở rộng điều tra, lực lượng chức năng phát hiện Nguyễn Hữu Chiến (SN 1983, ở Hưng Nguyên, Nghệ An) và Lê Thị Hiên (SN 1984, ở TP Vinh, Nghệ An) bán giấy tờ ô tô giả.
Khám nhà của Lê Thị Hiên, công an thu giữ hàng loạt máy móc, 18.000 phôi giấy chứng nhận kiểm định, 13.500 phôi giấy chứng nhận đăng ký xe và 5 ô tô không có giấy tờ, gồm các loại: BMW X5, Mercedes Benz CLA45, Mercedes Benz C200, Toyota Camry và Mercedes Benz E300...
Cơ quan Công an TP Vinh (tỉnh Nghệ An) đã khởi tố các bị can, tạm giam Nguyễn Đình Minh Lãm, Trần Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Chiến và Lê Thị Hiên về tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức. Công an Hà Đông đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cùng tang vật và bị can đến Công an TP Vinh để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo !
VTV