MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ án AIC: Từ một nhân viên được dựng lên làm Tổng giám đốc để gian lận thầu

31-05-2024 - 10:50 AM | Xã hội

Bị can Đỗ Vân Trường (SN 1980, quê Phú Thọ) từ một nhân viên đã được bà Nhàn AIC dựng lên làm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mopha để cùng thực hiện việc gian lận đấu thầu trong dự án tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) và 13 người khác trong vụ Vi phạm quy định đấu thầu, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC), Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM và Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.

Trong số các bị can này, bà Nhàn cùng với Trần Mạnh Hà (Phó Tổng giám đốc Công ty AIC); Trần Đăng Tấn (Trưởng đại diện AIC tại TP.HCM) và Đỗ Vân Trường (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mopha) hiện đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khẳng định, nếu bà Nhàn và các bị can tiếp tục bỏ trốn, thì sẽ coi đó là từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử theo quy định.

Vụ án AIC: Từ một nhân viên được dựng lên làm Tổng giám đốc để gian lận thầu- Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Bị can Đỗ Vân Trường (SN 1980, quê Phú Thọ) Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mopha (Công ty Mopha). Công ty này do Nguyễn Thị Thanh Nhàn thành lập và trực tiếp quản lý, điều hành, giao nhân viên các phòng, ban thuộc Công ty AIC đứng tên đại diện pháp luật và bố trí người nhà đứng tên cổ đông.

Tại thời điểm xảy ra sai phạm đấu thầu, bị can Đỗ Vân Trường chỉ là nhân viên thuộc Ban 6 của Công ty AIC, nhưng đã được Nguyễn Thị Thanh Nhàn giao đứng tên làm Tổng giám đốc Công ty Mopha. Theo chỉ đạo của bà Nhàn, đại diện Công ty Mopha đã ký hồ sơ dự thầu (với danh mục thiết bị, đơn giá đã được Công ty AIC thoả thuận, thống nhất với Trung tâm Công nghệ sinh học) để tham gia đấu thầu và trúng thầu 2 gói thầu của dự án tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.

Cáo trạng nêu: "Đỗ Vân Trường đã bỏ trốn ra nước ngoài, Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã nhưng không có kết quả. Tuy nhiên, căn cứ kết quả điều tra, hồ sơ tài liệu thu thập, lời khai của Lê Thị Kim Sang, Nguyễn Chí Văn và Kết luận giám định chữ ký của Đỗ Vân Trường, đủ cơ sở kết luận Đỗ Vân Trường đã giúp sức cho Nhàn thực hiện hành vi thông thầu qua việc ký hồ sơ dự thầu (HSDT) của Công ty Mopha để trúng 2 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước 17 tỷ đồng".

Theo cáo trạng, năm 2014, biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM được duyệt kế hoạch chọn nhà thầu cung cấp thiết bị dự án với tổng trị giá 425 tỷ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp cận, làm quen và đề nghị ông Dương Hoa Xô (giám đốc trung tâm) tạo điều kiện cho doanh nghiệp này dự thầu và trúng thầu.

Sau khi được ông Dương Hoa Xô đồng ý, Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà đến gặp, thỏa thuận với bị can Xô để AIC xây dựng lại danh mục thiết bị, đảm bảo sao cho lợi nhuận của công ty này ở mức 40% giá trị mỗi gói thầu.

Quá trình thực hiện, các bị can thông đồng với Công ty Tư vấn Hồng Hà và công ty khác do AIC chỉ định, lập hồ sơ mời thầu theo hướng có lợi cho AIC. Nhờ đó, Công ty AIC và Công ty Mopha (thuộc hệ sinh thái AIC) đã trúng 6 gói thầu, còn các công ty do AIC chỉ định trúng 3 gói thầu.

Qua đó, các bị can đã có hành vi thông thầu, nâng giá trái quy định pháp luật, tạo điều kiện cho AIC trúng thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 33 tỷ đồng.

Theo Pháp Đình

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên