Vụ án Giang Kim Đạt: Phá án từ những nút thắt không ngờ
Vụ án “tham ô tài sản”, “rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) là một mảng trong tổng thể vụ án Vinashin. Đây được coi là “phát súng” đột phá trong việc thu hồi tài sản, bởi tính đến thời điểm này vụ án có số tiền tham nhũng thu được lớn nhất từ trước đến nay.
- 27-08-2017Tham ô 255 tỷ đồng, Giang Kim Đạt vẫn có cách để thoát án tử?
- 23-08-2017"Chuyện tình" giữa Giang Kim Đạt và cựu Tổng Giám đốc Vinashinlines
- 18-08-2017Vụ Giang Kim Đạt: Đề nghị không chấp nhận các kháng cáo
- 18-08-2017Tài khoản hàng triệu đô, Giang Kim Đạt nói không nhớ
- 17-08-2017Giang Kim Đạt phủ nhận tham ô 16 triệu USD của Vinashinlines
“Ngày 3-8-2010, cơ quan An ninh điều tra (ANĐT), Bộ Công an khởi tố vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Vinashin, trong đó có điều tra dấu hiệu sai phạm tại dự án mua tàu Hoa Sen của Vinashinlines. Trong vụ án này, Giang Kim Đạt có dấu hiệu liên quan đến việc thỏa thuận, ký kết hợp đồng mua tàu Hoa Sen.
Dự án vào thời điểm đó chưa được thẩm định, phê duyệt của Tập đoàn, không nằm trong chủ trương chỉ đạo của Chính phủ nhưng Hội đồng quản trị vẫn quyết định mua. Vào thời điểm đó, chúng tôi nghi ngờ Giang Kim Đạt đàm phán vì có ký nháy trên hợp đồng...” - Thượng tá Lê Thế Khánh, Phó trưởng Phòng 6, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, một trong những người tham gia vụ án từ khi được xác lập nhớ lại.
1. Sau khi vụ án được khởi tố, Giang Kim Đạt không có mặt ở địa phương. Một thời gian sau đó, vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Tập đoàn Vinashin) được đưa ra xét xử, trong đó có mảng tàu Hòa Sen và một số mảng việc khác, những mảng việc này không liên quan đến Đạt.
Vào thời điểm đó, quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục An ninh là phải bắt giữ bằng được Giang Kim Đạt. Bởi ngoài dấu hiệu của hành vi cố ý làm trái thì có nhiều nghi vấn liên quan đến hành vi tham ô tài sản. Giang Kim Đạt ký nháy trên hợp đồng mua tàu Hoa Sen.
Song con tàu này không được thẩm định, phê duyệt của tập đoàn. Việc mua bán đã không kiểm tra, không chào hàng cạnh tranh và cũng không tiến hành đấu thầu... Vì thế, khi tàu Hoa Sen về Việt Nam không cập cảng (mà phải mở đường lên xuống ở đuôi tàu, dẫn đến việc phải đầu tư cầu cảng, đội vốn dự án).
“Có hay không dấu hiệu của việc tham ô tài sản”, đó là câu hỏi đặt ra cho các cán bộ Cục An ninh kinh tế Tổng hợp (A85) và Cục ANĐT, hai đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp điều tra vụ án. Sau khi phát hiện Đạt bỏ trốn, cơ quan ANĐT đã ra lệnh truy nã Giang Kim Đạt. Các trinh sát nhận định nhiều khả năng đối tượng trốn đi nước ngoài, song cho đến khi khởi tố vụ án thì vẫn không xác định được đối tượng đang ở đâu?
Đối tượng Giang Kim Đạt .
2. Quyết tâm của Cục A85 cùng sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an và sự vào cuộc của cơ quan ANĐT là chìa khóa mở ra nhiều nút thắt quan trọng của vụ án.
Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Lê Thế Khánh nhớ lại: Khi đó, bố đẻ của Giang Kim Đạt là ông Giang Văn Hiển được cơ quan ANĐT mời đến làm việc. Song khi thì ông Hiển cáo bệnh, có lúc lại vin vào tuổi già không đến làm việc... Trong khi đó, căn cứ để gọi ông Hiển lên làm việc chỉ được một đến hai lần.
Sau những buổi họp án căng thẳng, lực lượng phá án quyết lật ngược lại sự việc, bắt đầu phá án từ khối tài sản của gia đình Giang Kim Đạt. Theo thông tin các trinh sát Cục A85 có được thì vào thời điểm đó, ông Giang Văn Hiển đang đứng tên một số bất động sản. Song để xác định được chính xác số tài sản đó ở đâu, bao nhiêu thì không phải ngày một, ngày hai có thể làm được. Bởi gia đình ông Hiển sống khép kín, ngay cả những người thân trong gia đình cũng rất ít chia sẻ thông tin với nhau.
Với quyết tâm làm rõ vụ án, các trinh sát đã đi sâu, dựng mối quan hệ của gia đình Đạt và biết Đạt và bố đẻ rất tâm đầu ý hợp. Vì thế, nếu chiếm đoạt được tiền, chắc chắn đối tượng sẽ thông qua bố đẻ để cất giấu. Và ông Giang Văn Hiển là một cán bộ Quân đội chân chất, nếu có tiền chắc chắn sẽ dùng để mua bất động sản hoặc để trong tài khoản ngân hàng và sổ tiết kiệm. Song khi đó tất cả mới chỉ là định hướng...
Cùng với thời gian, những nghi vấn của các điều tra viên đã dần được làm sáng tỏ. Quá trình thu thập tài liệu, các cán bộ điều tra của hai đơn vị phát hiện tài khoản ngân hàng đứng tên ông Giang Văn Hiển thường xuyên có một lượng tiền lớn được chuyển về từ nước ngoài, thông qua các công ty môi giới...
Ngoài ra, ông Hiển còn đứng tên 6-7 ngôi nhà. Một người về hưu, không kinh doanh như ông Hiển thì nguồn tiền từ đâu ra. Lúc này, lực lượng phá án bắt đầu hình dung ra sự việc. Như vậy là trong quá trình mua tàu, Đạt đã chiếm đoạt được rất nhiều tiền, sau đó thông qua các công ty môi giới chuyển về cho bố đẻ, đứng tên để mua bất động sản.
Sau khi có đầy đủ tài liệu, Cục A85 và Cục ANĐT đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Dấu hiệu phạm tội của ông Hiển đã rõ, cơ quan ANĐT đã tiến hành khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Hiển.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan ANĐT xác định, dòng tiền chuyển khoản từ nước ngoài về đều ghi rõ tên tàu, nội dung tiền hoa hồng, số hợp đồng mà Đạt đang phụ trách mảng tàu đó. Quá trình xác minh, cơ quan ANĐT Bộ Công an đã có căn cứ thực hiện lệnh bắt Giang Văn Hiển tại Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Hà Nội), thời điểm đó khoảng 5h, khi đối tượng rời khỏi nhà đi lễ.
Lúc đầu, ông Hiển chống đối quyết liệt. Trong 3 tháng đầu, ông Hiển chỉ khai ra những tài sản mà Cơ quan ANĐT đã làm rõ và khẳng định đó là tiền của ông ta. Cùng với việc đấu tranh với Giang Văn Hiển, các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục An ninh vẫn tiếp tục bám sát các thông tin về Giang Kim Đạt.
Qua công tác quản lý nghiệp vụ, các trinh sát xác định đối tượng đang ở Singapore. Để đẩy nhanh tiến độ của việc phá án, theo yêu cầu của lãnh đạo Tổng cục An ninh, Cục ANĐT giao cho Thượng tá Lê Thế Khánh trực tiếp đấu tranh với ông Hiển. Sau khi đọc hồ sơ, anh bắt tay ngay vào việc hỏi cung.
Ngoài các tài liệu, chứng cứ, anh đã tác động, cảm hóa, đánh vào tình cảm của người cha với cậu con trai. Sau một hồi suy nghĩ, ông Hiển khai thêm từ 15 đến 20 bất động sản và thừa nhận con trai nhờ đứng tên và tiền chuyển từ nước ngoài.
Theo đó, Đạt đã thỏa thuận và thống nhất được với các công ty môi giới, công ty bán tàu, công ty thuê tàu để chiếm đoạt tiền chênh lệch mua tàu, tiền chênh lệch gửi giá cước cho thuê tàu. Để nhận số tiền chênh lệch này, Đạt đặt vấn đề với bố đẻ trực tiếp đứng tên, mở nhiều tài khoản ngoại tệ các các ngân hàng để nhận và rút tiền giúp Đạt.
Khi các công ty nước ngoài thông báo có tiền, Đạt chủ động cân đối và cung cấp số tài khoản của ông Hiển để các công ty này chuyển tiền về. Đồng thời, Đạt gọi điện thoại về cho bố đẻ, thông báo số tiền, các công ty sẽ chuyển... để ông Hiển rút, chuyển lại cho Đạt một phần; gửi tiết kiệm, rút ra mua các tài sản, bất động sản cho Đạt và Trần Văn Liêm.
Ông Hiển cùng vợ là Nguyễn Thị Ngân đã thực hiện nhiều giao dịch mua các bất động sản (đất, biệt thự, nhà chung cư) có giá trị lớn tại TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Hà Nội; hoặc rút tiền chuyển sang sổ tiết kiệm, mua ôtô.
Ông Hiển nhận thức rõ số tiền các công ty nước ngoài chuyển về cho Đạt là không chính đáng, bất hợp pháp nhưng vẫn không tố giác, trình báo với cơ quan chức năng... Từ thông tin này, dấu hiệu của tội tham nhũng đã dần được rõ nét. Yêu cầu đặt ra là nhanh chóng bắt giữ Giang Kim Đạt về chịu tội.
3. Sau khi ông Hiển bị bắt, người thân trong gia đình đã qua nhiều kênh thông tin cho Đạt. Vì thế, khi tổ công tác của Tổng cục An ninh sang Singapore thì đối tượng đã di chuyển sang một nước khác...
Cùng với việc tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục, tiến hành xác minh tài sản của đối tượng ở Singapore, các trinh sát tiếp tục lần theo thông tin của Đạt. Một câu hỏi đặt ra là, nếu đối tượng đã nhập cảnh và sinh sống ở Singapore thì phải tra cứu. Từ các thông tin trên hồ sơ do Tổng cục An ninh kỳ công chuẩn bị, nước bạn đưa ra 4 chiếc ảnh và 4 chiếc hộ chiếu khi đối tượng xuất nhập cảnh mang tên là Bùi Đức Thắng.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan ANĐT và Cục A85 đã phối hợp bắt giữ Đạt vào ngày 7-7-2015. Để tránh sự phát hiện của cơ quan Công an, thủ đoạn lẩn trốn của Đạt rất tinh vi. Lúc thì Đạt ở Campuchia, khi thì sang Trung Quốc, Thái Lan, đối tượng liên tục di chuyển để có visa mới. Trong thời gian lẩn trốn, Đạt gặp một người bạn gái người Campuchia và ăn ở với nhau như vợ chồng... Bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự phối hợp của Công an các nước, đối tượng Giang Kim Đạt bị bắt giữ. Khi đưa đối tượng này về trụ sở là khoảng 20h, yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công an lúc đó là phải tập trung đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội của Đạt. Áp lực đè nặng nên vai các trinh sát được giao nhiệm vụ...
Trước hết là cảm hóa, tác động tư tưởng, gia đình và tình cảm của Đạt. Cùng với việc thuyết phục và bằng các chứng cứ mà cơ quan ANĐT và Cục A85 thu thập được; trong khoảng 1 giờ, Giang Kim Đạt đã bị hạ gục, thừa nhận hành vi phạm tội. Lúc này, về cơ bản, lời khai của Giang Kim Đạt đã khớp với tài liệu của cơ quan ANĐT.
Công an nhân dân