Vụ án tại Thuduc House: Thủ đoạn chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng tiền hoàn thuế
Trong vụ án, TDH chỉ việc ứng trước 10% tiền thuế GTGT và được trả lại khi Nhà nước hoàn tiền thuế GTGT, tổng cộng hơn 365 tỷ đồng...
- 02-08-2022Thuduc House cam kết nộp gần 80 tỉ đồng trong quý này để được gỡ cưỡng chế hóa đơn
- 10-06-2022Thuduc House thay 3 Chủ tịch sau 4 tháng
- 21-04-2022ĐHĐCĐ Thuduc House (TDH): Tháng 5/2022 sẽ hoàn tất trả nợ thuế để gỡ được các phong toả, muốn lấy lại Chợ nông sản Thủ Đức cùng dự án từng bán lúc "kẹt tiền"
Trong vụ án, TDH chỉ việc ứng trước 10% tiền thuế GTGT và được trả lại khi Nhà nước hoàn tiền thuế GTGT, tổng cộng hơn 365 tỷ đồng...
Như đã đề cập, Cơ quan điều ta Bộ Công an vừa hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án sai phạm liên quan tới CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House - TDH), đề nghị truy tố 34 đối tượng, trong đó có 3 lãnh đạo TDH.
Cơ quan Điều tra nêu, Thuduc House hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp lần đầu năm 2001, đến nay đã có 22 lần thay đổi đăng ký kinh danh, trong đó bổ sung ngành nghề kinh doanh linh kiện điện tử ngày 13/2/2017. Đến tháng 8/2020, TDH có vốn điều lệ hơn 1.126 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước 67 tỷ do HFIC đứng tên sở hữu.
CTCP Thuduc House Wood Trading có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, trong đó TDH nắm giữ 50%, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng nắm 8% và bà Tạ Thị Thu Hòa nắm 42%. Tuy nhiên thực tế chỉ có TDH góp vốn, tức công ty này 100% vốn góp của TDH.
Đối tượng Trịnh Tiến Dũng và A Lưu (Zi Hin Luke, quốc tịch Singapore) hoạt động chung với nhau từ 2016 đến tháng 12/2018, từ tháng 1 đến tháng 9/2019 Dũng làm độc lập. Việc mua hàng của các công ty trong nước, bán cho TDH để xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài đều do A Hoạt (Wong Boon Huart, quốc tịch Singapore) và Nguyễn Thiên Phú (nhân viên của A Lưu và Dũng) trực tiếp bàn bạc, thỏa thuận với Nguyễn Văn Lành theo phương thức: nhóm Trịnh Tiến Dũng chỉ định về hàng hóa, đối tác ký hợp đồng đầu vào đầu ra, giá mua giá bán; đối tác nước ngoài sẽ thanh toán trước 100% giá trị tiền hàng, TDH chỉ ứng trước 10% tiền thuế GTGT và được trả lại khi Nhà nước hoàn tiền thuế GTGT; công ty của Lành làm trung gian được hưởng lợi theo số tiền chênh lệch giữa đầu vào và ra của Công ty Bình Thạnh và An Lành Phát.
Thực hiện thỏa thuận trên, khoảng tháng 12/2016, Lành gặp Quan Minh Tuấn, Kế toán trưởng TDH và Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng XNK TDH để bàn bạc, thống nhất về việc 2 công ty của Lành bán linh kiện điện tử cho TDH để xuất khẩu cho đối tác nước ngoài (do Lành chỉ định) và hoàn thuế GTGT, TDH được hưởng 0,6% trên tổng giá trị tiền hàng mua vào.
Từ tháng 2/2018 đến tháng 8/2019, TDH chuyển cho công ty con là Thuduc House Wood Trading mua hàng của công ty Bình Thạnh và An Lành Phát, sau đó bán lại cho TDH để xuất khẩu và hoàn thuế GTGT. Thuduc House Wood Trading được hưởng thêm 0,1% trên tổng giá trị tiền hàng mua vào.
Cụ thể, từ tháng 2/2018 đến tháng 6/2019, Trịnh Tiến Dũng chỉ đạo Nguyễn Thiên Phú trực tiếp liên hệ với Nguyễn Văn Lành qua ứng dụng “Whatsapp” để cung cấp thông tin hợp đồng, tờ khai hàng hóa xuất khẩu. Theo chỉ định của Lành, các đối tượng tại TDH đã lập, ký 334 hợp đồng kinh tế với 8 công ty nước ngoài để bán hàn hóa linh kiện điện tử cho các đối tác này với chủng loại, số lượng và giá cả hàng hóa do Lành định sẵn, mở tờ khai làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa, tổng giá trị hàng xuất khẩu là gần 159 triệu USD, tương đương hơn 3.676 tỷ đồng, thuế GTGT hàng xuất khẩu bằng 0%.
Để hợp thức đầu vào, TDH đã lập, ký 334 hợp đồng mua bán linh kiện điện tử trong nước với công ty Bình Thạnh (2 hợp đồng ) và Thuduc House Wood Trading (332 hợp đồng) tổng trị giá hơn 4.023 tỷ đồng, trong đó tiền hàng gần 3.656 tỷ đồng, tiền thuế GTGT là hơn 365 tỷ đồng.
Từ tháng 2/2018 đến tháng 6/2019, TDH lập 17 bộ hồ sơ gửi Cục thuế TP.HCM đề nghị hoàn thuế GTGT hơn 365 tỷ đồng. Tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ hoàn thuế này, từ 20/4/2018 đến 23/7/2019, Cơ quan thuế TP đã ban hành 17 quyết định hoàn thuế cho TDH hơn 365 tỷ đồng.
Theo Cơ quan Điều tra Bộ Công an, để chiếm đoạt được tiền thuế của Nhà nước, Trịnh Tiến Dũng thông qua Nguyễn Văn Lành để thỏa thuận với nhóm đối tượng tại TDH bằng thủ đoạn: khi đại diện TDH ký xong hợp đồng với các công ty nước ngoài, công ty nước ngoài chuyển tiền cho TDH, công ty này bỏ ra 10% giá trị lô hàng trước, ký hợp đồng và chuyển tiền cho các công ty của Nguyễn Văn Lành. TDH được hưởng lợi nhuận từ 0,6-0,7% giá trị lô hàng trên cơ sở chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra trên hợp đồng.
Trong thời gian từ tháng 2/2018 đến tháng 6/2019, để hợp thức hóa đầu vào, thực hiện chiếm đoạt tiền hoàn thuế, Trịnh Tiến Dũng và Lưu Thị Ngát sử dụng 10 công ty “ma” ký hợp đồng và xuất 333 hóa đơn GTGT thể hiện bán linh kiện điện tử cho 2 công ty F2 gồm Bình Thạnh và An Lành Phát tổng trị giá hơn 4.015 tỷ đồng.
Sau khi Nguyễn Văn Lành nhận được tiền từ TDH, công ty Thuduc House Wood Trading, Lành chuyển cho các công ty nêu trên theo chỉ định của Dũng, sau đó Dũng chỉ đạo chuyển tiền lòng vòng qua các công ty “ma” hoặc chỉ đạo các cá nhân rút tiền mặt toàn bộ số tiền này để chiếm đoạt.
Cơ quan Điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 2/2018 đến tháng 6/2019, TDH nhận gần 159 triệu USD, tương đương hơn 3.676 tỷ đồng từ 8 công ty nước ngoài do Dũng và đồng bọn điều hành. Sau khi nhận tiền, TDH bỏ ra 10% tiền thuế và chuyển cho 2 công ty F1 gồm Bình Thạnh và Thuduc House Wood Trading.
Công ty Bình Thạnh và An Lành Phát lập hợp đồng và chuyển thanh toán hơn 4.015 tỷ đồng cho 10 công ty trong nước do Dũng và đồng bọn chỉ đạo điều hành. Sau đó Dũng chỉ đạo rút toàn bộ số tiền nêu trên sử dụng hết, trong đó có tiền thuế GTGT mà TDH ứng trước để chiếm đoạt.
Nhịp sống kinh doanh