Vụ bắt sòng bạc 'khủng' ở Tây Nguyên: Phía sau những cuộc vây bắt thất bại
Chính quyền địa phương cho biết đã phối hợp vây bắt nhiều lần sòng bạc của Nguyễn Mạnh Hùng (thường gọi là Hùng “si đa”, 35 tuổi, TP Pleiku, Gia Lai), lần nào cũng “xôi hỏng, bỏng không”. Việc Bộ Công an phải vào cuộc triệt phá sòng bạc của Hùng “si đa” khiến dư luận không khỏi thắc mắc: Liệu nghiệp vụ của các đơn vị thực thi pháp luật của tỉnh Gia Lai quá yếu, hay có sự tiếp tay?
- 02-04-2019Bộ Công an đột kích sòng bạc “khủng” ở Tây Nguyên: Vì địa phương bất lực?
- 31-03-2019Ông trùm đường dây cờ bạc 'khủng' ở Tây Nguyên là ai?
Hễ xuất quân, là... thất bại!
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, thượng tá Trần Trọng Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội, Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Trước khi Bộ Công an bắt sòng bạc của Hùng “si đa”, lực lượng hình sự tỉnh Gia Lai cũng đã nắm được thông tin về đối tượng này và tổ chức bắt không dưới 3 lần . Tuy nhiên, lần nào ập vào các đối tượng cũng bỏ chạy hết, không đạt được yêu cầu triệt phá, mà chỉ tạm giữ được phương tiện và xử lý hành chính một số đối tượng.
Thượng tá Sơn nói, Công an tỉnh mà bảo huy động được lực lượng hơn 200 quân như Bộ Công an đã tổ chức để bắt trọn ổ cả sòng bạc như mới đây thì rất khó. Trong khi quân số Phòng Cảnh sát hình sự chỉ có hơn 50 người, nên cần sự phối hợp với lực lượng khác. Mà hễ phối hợp, thì yếu tố tuyệt đối giữ bí mật thông tin lại không đảm bảo. Cán bộ chiến sĩ của tỉnh không bao che nhưng khi được huy động, anh em nhiều lúc “vui miệng” hay muốn hoành tráng “nổ lên” tổ chức bắt cái nọ cái kia, nhất là những bạn trẻ đã làm lộ thông tin.
Còn như Bộ Công an thì điều lính tập trung về trại, rồi đồng loạt lên xe đi. Lính của Bộ trình độ, nghiệp vụ cũng hơn ở tỉnh. Hơn nữa Cục CSHS, Cảnh sát đặc nhiệm (Bộ Công an) đã bắt nhiều vụ trên toàn quốc nên có kinh nghiệm. Công an tỉnh rất muốn làm được như Bộ nhưng “lực bất tòng tâm”.
“Qua vụ Bộ Công an bắt sòng bạc của Hùng “si đa” này, Công an tỉnh sẽ phải rút ra nhiều kinh nghiệm về nắm tình hình, triển khai lực lượng. Tổ chức lượng lớn mà vẫn phải đảm bảo qui mô, an toàn cho cả người thực hiện và các đối tượng bị bắt” - Trượng tá Sơn nói.
Còn theo Bí thư Huyện ủy Đắk Đoa Nguyễn Hữu Thọ, sòng bạc này hoạt động di động, công an huyện đã phối hợp truy quét nhiều lần nhưng đều thất bại. Bởi, mỗi lần xuất quân các đối tượng đều phát hiện được và di chuyển ngay. Các đối tượng này đều có “cảnh giới”.
Về câu hỏi liệu rằng có “tay trong” không? Ông Thọ nói “Các đối tượng tổ chức đánh bạc thì phóng viên biết thừa rồi. Nó phải tổ chức, cảnh giới từ xa. Chỉ cần xuất quân là các đối tượng biết. Không phải dễ dàng mà bắt được”.
Lai lịch “đại ca” của Hùng “si đa”
Về lai lịch của Hùng “si đa”, thượng tá Trần Trọng Sơn cho biết, trước kia Hùng “si đa” buôn bán gỗ lậu ở huyện Ia Grai (Gia Lai). Đây là đối tượng hoạt động ở nhiều “lĩnh vực” khác nhau và liên quan đến những vụ tranh giành mua bán gỗ, xã hội đen. Riêng cờ bạc thì chỉ mới đây. Còn vụ việc Hùng “si đa” vừa bị Bộ Công an bắt đang trong quá trình củng cố, xác minh lời khai của các đối tượng. Về hình thức hoạt động của các đối tượng do Hùng “si đa” cầm đầu cũng đang được làm rõ. Hiện Bộ đã đưa vào TP Hồ Chí Minh tới 99 đối tượng tham gia sòng bạc, 31 đối tượng chưa rõ ràng thì Phòng CSHS đang phân loại để có hướng xử lý.
Theo xác minh riêng của phóng viên Tiền Phong về Hùng “si đa”, từ năm 15 tuổi đã có một tiền án về tội “Cố ý gây thương tích”. Năm 2000 có tiền sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Năm 2001 tiền sự về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Năm 2018 Hùng “si đa” có tai tiếng về việc tham gia đánh bạc lưu động, đến 2019 thì tổ chức mở sòng bạc.
Như thông tin Tiền Phong đã đăng, khoảng 2h ngày 31/3, Cục Cảnh sát hình sự C02 phối hợp cùng Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm 2 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động K02-Bộ Công an) đột kích vào ổ cờ bạc tại một rẫy điều thuộc thôn 76 (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, Gia Lai) bắt 130 đối tượng đang chơi bạc dưới hình thức xóc đĩa, thu giữ hơn 60 xe ô tô các loại.
Sòng bạc này do Nguyễn Mạnh Hùng (thường gọi là Hùng “si đa”) - một "đại ca" có tiếng ở Tây Nguyên cầm đầu. Hàng trăm con bạc từ các tỉnh thành thường xuyên đến sòng bạc của Hùng để sát phạt. Các đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm đánh bạc và thuê hàng chục đối tượng có nhiều tiền án tiền sự để canh gác.
Lính của Bộ trình độ, nghiệp vụ cũng hơn ở tỉnh. Hơn nữa Cục CSHS, Cảnh sát đặc nhiệm (Bộ Công an) đã bắt nhiều vụ trên toàn quốc nên có kinh nghiệm. Công an tỉnh rất muốn làm được như Bộ nhưng "lực bất tòng tâm".
Triệt xóa ổ bạc trên núi
Chiều 2/4, Công an huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị vừa triệt phá thành công một tụ điểm đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa trên địa bàn huyện.
Sau thời gian theo dõi, chiều 31/3, gần 20 cán bộ chiến sĩ công an bí mật tiếp cận địa điểm đánh bạc trên núi Sơn Gà (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc) bắt quả tang 12 đối tượng đang thực hiện hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới hình thức đánh xóc đĩa tại khu vực vườn keo lá tràm của một người dân. Trong đó Nguyễn Đình Trình (31 tuổi, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), là đối tượng tổ chức sới bạc.
Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm 27 triệu đồng, 1 ôtô, 9 xe máy cùng các vật dụng khác phục vụ cho việc đánh bạc. Hiện Công an huyện Đại Lộc đang tạm giữ hình sự đối với 7 đối tượng để tiếp tục điều tra, làm rõ.
HOÀI VĂN
Tiền Phong