Vụ bé 3 tuổi bị 9 chiếc đinh găm vào sọ: Tiến sĩ nổi tiếng bàng hoàng "Đã đến lúc phải thành lập cơ quan Quản lý GIÁO DỤC GIA ĐÌNH"
"Chỉ trong có vài tháng mà nổi lên 2 vụ án khủng khiếp dạng này thì đã đến lúc chúng ta phải xem lại đạo đức xã hội".
- 20-01-2022NÓNG: Khởi tố, bắt giữ khẩn cấp người tình của mẹ bé gái bị đóng đinh vào đầu
- 20-01-2022Tình trạng hiện tại của bé gái 3 tuổi nghi bị bạo hành ở Hà Nội: Đinh trong đầu gây viêm mủ, cần đủ sức khỏe để phẫu thuật
- 20-01-2022Sự giả tạo của nghi phạm vụ bé 3 tuổi nghi bạo hành ở Hà Nội: Từng chia sẻ bài viết về cách chăm sóc trẻ em
Khi dư luận vẫn còn đang sôi sục vì vụ bé V.A (8 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) bị "dì ghẻ" bạo hành tử vong thì mới đây, thêm 1 vụ việc hết sức nghiêm trọng nữa đã xảy ra.
Cụ thể khoảng 17h23 phút ngày 17/1, khoa Cấp cứu bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất tiếp nhận bé gái Đ.N.A (3 tuổi) ở Canh Nậu nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật. Quá trình chụp phim, chẩn đoán cho thấy có 9 vật thể nghi là đinh găm vào đầu cháu.
Bàng hoàng hơn, trước đó khoảng 3 tháng, Đ.N.A từng hôn mê sâu do ngộ độc thuốc trừ sâu và được điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương. 2 tháng sau đó, cháu tiếp tục phải nhập viện ở Thạch Thất do có dị vật đường tiêu hóa. Chỉ trong khoảng 3 tháng, cháu Đ.N.A đã nhập viện tới 3 lần.
Hình chụp phim vùng đầu cháu Đ.N.A.
Tối 19/1, thông tin từ một lãnh đạo Công an huyện Thạch Thất, TP Hà Nội cho biết, cảnh sát đã xác định nghi phạm chính trong vụ việc. Đối tượng chính là người tình của mẹ cháu bé.
Chỉ trong vài tháng đã có tới 2 vụ bạo hành trẻ em man rợ xảy ra mà hung thủ, nghi phạm, kẻ đồng lõa lại chính là người thân của trẻ. Chưa bao giờ, dư luận căm phẫn và bàng hoàng đến thế.
Là một chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã có những chia sẻ về vấn đề này.
KHI NHỮNG VỤ BẠO HÀNH NGHIÊM TRỌNG LIÊN TIẾP XẢY RA, TA PHẢI XEM LẠI ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI
"Thật sự kinh hoàng!" - đó chính là cảm xúc của Tiến sĩ Vũ Thu Hương lúc này. "Điều đầu tiên, tôi cảm thấy hoảng sợ khi đạo đức con người xuống cấp đến mức nghiêm trọng. Trước vẫn có những kẻ vi phạm pháp luật nhưng hành hạ trẻ em đến mức cầm thú kiểu này không có nhiều. Nhưng chỉ trong có vài tháng mà nổi lên 2 vụ án khủng khiếp dạng này thì đã đến lúc chúng ta phải xem lại đạo đức xã hội", nữ Tiến sĩ lặng người chia sẻ.
Chị cũng cho biết thêm về những điều đang trăn trở: "Điều thứ hai, tôi thấy thật sự lo lắng khi trẻ không được an toàn dù ngay trong cái nôi gia đình, nơi mà các con tưởng là có thể sống an vui nhất. Vậy nhưng, những vụ án liên tiếp này cho thấy cuộc sống của trẻ quá mong manh.
Điều thứ ba, có lẽ sự bỏ ngỏ, không quản lý giáo dục gia đình đã để lại hậu quả quá nặng nề. Đáng sợ là những đứa trẻ lại trở thành nạn nhân của hành động vô tâm và ác độc của người lớn cũng như nạn nhân của việc buông lỏng giám sát giáo dục gia đình".
Nữ Tiến sĩ thắc mắc, tại sao chúng ta có đến một loạt các cơ quan bảo vệ trẻ em đặt ở các bộ ngành khác nhau nhưng trẻ vẫn bị bạo hành dã man? Phải chăng các cơ quan đó không thể hoạt động hiệu quả?
Trong khi ở nhiều quốc gia, dù chỉ có 1 ủy ban giám sát chăm sóc và giáo dục trẻ nhưng hoạt động vô cùng hiệu quả. Chỉ 1 cái tát của bố mẹ đặt trên má đứa trẻ, lập tức cảnh sát sẽ đến và có thể đứa trẻ sẽ được đưa vào nơi chăm sóc bình an còn cha mẹ bị pháp luật xử lý. Có vẻ như, nhiều cơ quan hoạt động không thể hiệu quả như có 1 cơ quan duy nhất.
"Bản thân tôi có suy nghĩ rằng, những cơ quan nói trên không có hoặc không được phép can thiệp vào giáo dục gia đình nên họ đã bỏ mặc trẻ gặp nạn tại các gia đình bất an", nữ Tiến sĩ chia sẻ.
ĐÃ ĐẾN LÚC THÀNH LẬP MỘT CƠ QUAN QUẢN LÝ GIÁO DỤC GIA ĐÌNH
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Giáo dục gia đình là một lĩnh vực vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự nghiên cứu chuyên sâu và áp dụng hiệu quả. Vậy nhưng, trong các cơ quan chăm sóc trẻ ở các bộ ngành lại hoàn toàn không có trách nhiệm nghiên cứu và phổ biến kiến thức giáo dục trẻ trong gia đình.
Vậy nên chị kiến nghị ngừng hoạt động toàn bộ các cơ quan chăm sóc trẻ đã làm việc không hiệu quả và thành lập 1 vụ Giáo dục gia đình. Theo Tiến sĩ, cơ quan này sẽ đảm nhận chức năng nghiên cứu, phổ biến các phương pháp giáo dục trẻ trong gia đình và giám sát mọi hoạt động của người lớn trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Trước những vụ việc bạo hành man rợ trong thời gian qua, Tiến sĩ Vũ Thu Hương phân tích thêm: "Trẻ dù có kĩ năng sống giỏi đến mấy thì sức vóc và hiểu biết cũng quá kém để tự lo cho bản thân, đặc biệt ở các bé dưới tuổi lên 10. Vì thế, trẻ cần được bảo vệ tốt nhất từ phía cha mẹ.
Với những người làm cha, làm mẹ đã có biểu hiện thiếu quan tâm đến trẻ, rất cần thiết có các điều luật nghiêm khắc để xử lý và tách trẻ ra khỏi họ. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải có các địa chỉ an lành và là môi trường giáo dục tốt nhất để chăm sóc các em bé không may có cha mẹ không đảm bảo trách nhiệm nuôi dưỡng".
Nói về chuyện phải chăng cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân trong việc tố giác các vụ bạo hành trẻ em, nữ Tiến sĩ cho hay: "Với vụ án bé V.A thì việc này còn có giá trị, nhưng bé Đ.N.A 3 tuổi thì việc tố giác rất khó khăn khi những kẻ thủ ác có quá nhiều chiêu trò giấu kín. Ngoài ra, việc kẻ thủ ác quá dữ tợn cũng khiến cho người xung quanh sợ hãi, không dám tố cáo.
Vì thế, chỉ khi có các cơ quan giám sát trẻ hoạt động hiệu quả, việc tố cáo mới có thể thực hiện được. Khi đó, họ chỉ cần gọi 1 cuộc điện thoại là có thể cứu một cuộc đời. Nhưng khi chưa có 1 cơ quan như thế, họ sẽ không biết phải làm gì dù phát hiện ra các hành vi bạo hành trẻ em".
Pháp luật & Bạn đọc