Vụ bệnh nhân cầm đầu đường dây ma túy: Giám đốc Bệnh viện đề xuất nhận kỷ luật khiển trách
Tại cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm với lãnh đạo Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I Vương Văn Tịnh đề xuất nhận mức kỷ luật là khiển trách sau vụ bệnh nhân "bay lắc", buôn ma túy trong bệnh viện.
Chiều 16-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và đại diện các vụ như Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ... đã có cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bệnh viện tâm thần Trung ương I sau vụ việc bệnh nhân có tiền sử bệnh tâm thần "bay lắc", cầm đầu đường dây ma túy ngay trong bệnh viện này.
Tại cuộc họp, lãnh đạo bệnh viện đã đọc bản kiểm điểm, các vụ, cục và lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến, chuẩn bị để hội đồng kỷ luật của Bộ Y tế họp, quyết định hình thức xử lý kỷ luật lãnh đạo Bệnh viện tâm thần Trung ương I vào tuần sau.
Tại cuộc họp, ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương, đề xuất nhận mức kỷ luật là khiển trách, với lý do đã phân cấp quản lý nhưng khoa điều trị đã để xảy ra vụ bệnh nhân tổ chức "bay lắc" trong phòng điều trị.
Ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, từ chối trả lời báo chí sau cuộc họp với Bộ Y tế trưa 1-4 vừa qua
Sau cuộc họp chiều 16-4, Bộ Y tế đã yêu cầu tiếp tục có thêm 1 quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Vương Văn Tịnh thêm 15 ngày tiếp theo. Theo Bộ Y tế, ngày 12-4, Bộ đã có văn bản yêu cầu bệnh viện xử lý theo thẩm quyền đối với các viên chức có liên quan đến sự việc để bệnh nhân mua bán trái phép chất ma túy, sửa phòng bệnh thành nơi "bay lắc", mang đèn, loa, két sắt, trang trí ngà voi trong phòng bệnh...
Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng vụ việc bệnh nhân có tiền sử bệnh tâm thần cầm đầu đường dây ma túy ngay trong Bệnh viện tâm thần Trung ương I là trường hợp "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh những vấn đề này cho thấy bản chất sự việc vô cùng nghiêm trọng, manh động và bất chấp pháp luật. Quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm, không bao che và không có vùng cấm. Bộ Y tế đã đề nghị bệnh viện phải hợp tác cung cấp bằng chứng cho cơ quan điều tra.
Cũng theo ông Quang, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đã có báo cáo ban đầu gửi Bộ Y tế nhưng đây là báo cáo mang tính sơ bộ. Tuy nhiên, sau buổi làm việc sáng 1-4, đoàn công tác của Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I phải có báo cáo trung thực sự việc, đầy đủ các vấn đề nói trên. Thời hạn cuối cùng để bệnh viện báo cáo là ngày 15-4.
Tang vật là ma túy cảnh sát thu giữ trong vụ án - Ảnh: Công an cung cấp
Trên cơ sở kết quả làm việc của đoàn công tác, Bộ Y tế quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và hợp tác với cơ quan điều tra đối với ông Vương Văn Tịnh.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo bệnh viện tạm đình chỉ công tác chuyên môn để hợp tác với cơ quan điều tra đối với các cá nhân liên quan, gồm bà Đỗ Thị Lưu, Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền và bà Tạ Thị Thêm, Điều dưỡng trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, cũng bị tạm đình chỉ công tác.
Đây là khoa trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý, người đã bị Công an Hà Nội bắt vì hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại phòng bệnh nội trú Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khám xét khẩn cấp phòng điều trị của bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Kết quả thu giữ trên trần phòng điều trị của Quý gần 2,8 kg ma túy thế hệ mới MDMA; hơn 1,6 kg Ketamin; 569 gr Methamphetamin. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn thu giữ trong phòng 3 bình thủy tinh có gắn ống hút, 2 máy hàn nhiệt dùng để dán miệng túi nylon, 100 vỏ túi nilon các loại nhãn hiệu cà phê, chè...
Bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý sinh năm 1983, trú huyện Thanh Trì, Hà Nội được bệnh viện tiếp nhận ngày 8-11-2018 để điều trị theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của VKSND huyện Thanh Trì.
Sau khi bệnh nhân Quý bị bắt, lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết không nắm được vụ bệnh nhân lập "động lắc" trong phòng điều trị.
Người lao động