Vụ cá chết hàng loạt: Có thể xử lý hình sự nếu Formosa gây ô nhiễm
Ngay sau khi một ngư dân Hà Tĩnh phát hiện một đường ống nghi là hệ thống xả thải của Công ty Formosa “cắm” xuống đáy biển Vũng Áng thuộc địa phận thị xã Kỳ Anh - nơi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường đầu tiên tại các tỉnh ven biển miền Trung, dư luận đã khẳng định cá chết bất thường là do nhiễm độc tố có nguồn gốc từ đất liền thải xuống biển.
- 23-04-2016Đường ống xả thải Vũng Áng xả gì? 5 tàu lạ xuất hiện trước ngày cá chết
- 23-04-2016Cá biển chết bất thường do độc chất mạnh
- 23-04-2016Bộ và các tỉnh họp về vụ cá chết ở bờ biển miền Trung
- 23-04-2016“Cá biển chết lan dần vào Nam, chuyện này hơi lạ"
- 23-04-2016Chính sách hỗ trợ cho ngư dân có cá chết hàng loạt
Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn hai tuần kể từ ngày ngư dân phát hiện đường ống khổng lồ của Công ty Formosa ở dưới đáy biển, cơ quan chức năng vẫn chưa thể khẳng định đó là hệ thống xả thải gây ô nhiễm, khiến cá chết hàng loạt. Trong khi ngư trường ảm đạm, người dân các tỉnh miền Trung đang rất hoang mang không dám ăn cá vì sợ nhiễm độc.
Vậy thực hư thông tin hệ thống xả thải của Công ty Formosa “cắm” xuống đáy biển Vũng Áng có nghiêm trọng như ngư dân phản ánh? và nếu có chuyện Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường khiến cá chết bất thường ở các tỉnh ven biển miền Trung, doanh nghiệp sẽ bị xử lý ra sao?.
Theo luật sư Nguyễn Thiều Dương, Giám đốc Công ty luật Đại Việt, nếu cơ quan chức năng điều tra, phát hiện đường ống của Formosa xả thải có chất nguy hại khiến cá chết hàng loạt ven biển các tỉnh miền Trung, doanh nghiệp có thể bị xử lý hình sự, hoặc phạt hành chính và buộc khắc phải phục hậu quả.
Cụ thể, theo Điều 14 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc doanh nghiệp vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường sẽ bị phạt tiền và có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 - 12 tháng.
Với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, doanh nghiệp buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm.
Điều 148 Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng quy định, tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành (sửa đổi, bổ sung năm 2009), những hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, nếu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác thì có thể bị xử lý hình sự theo một trong các điều thuộc Chương XVII (Điều 182, 182a, 183, 188).
[Vụ cá chết hàng loạt: “Nín thở” chờ kết luận từ cơ quan chức năng]
Trong diễn biến liên quan về hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung, chiều 23/4, lãnh đạo Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã tổ chức họp truy tìm nguồn độc gây cá chết hàng loạt đang “nóng” duận những ngày qua.
Theo kết quả điều tra về hiện tượng cá chết hàng loạt của Vụ Nuôi trồng thủy sản, Vụ Bảo tồn nguồn lợi thủy - hải sản, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện tượng cá chết tại các vùng biển miền Trung chủ yếu xảy ra với cá tự nhiên, sống ở tầng đáy. Hiện tượng cá chết hàng loạt ở đáy có thể do 3 nguyên nhân là dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước, và độc tố.
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, trong số 3 nguyên nhân được nhận định ban đầu, nhiều khả năng cá chết là do nhiễm độc tố. Tuy nhiên, nguyên nhân cá chết do độc tố cần phải hiểu rõ nhiều khía cạnh, có cả sinh học, tảo độc và các yếu tố khác liên quan (như chất xả thải).
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng lưu ý, những kết quả trên chưa phải là kết luận cuối cùng, vì thế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tìm hiểu, phân tích kỹ. Và, kết quả cuối cùng sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
Trong khi đó, nhận diện thông tin cho rằng đường ống xả thải khổng lồ của công ty Formosa “cắm” dưới đáy biển là trái phép, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân lại khẳng định quy trình xả thải của Công ty Formosa đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, hệ thống của Công ty Formosa với đường ống nằm dưới mực nước biển 17m, đường kính hơn 1 mét là công khai chứ không phải giấu giếm. Theo quy định khi xả thải thì toàn bộ nước thải của doanh nghiệp phải được xử lý.
“Tôi khẳng định Công ty Formosa được phép xả thải,” Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng lưu ý, việc được phép xả thải và chạy đường ống ngầm với việc nước thải đó có chất gì gây hại môi trường hay không lại là hai chuyện khác nhau. Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các cơ quan chuyên môn vẫn đang kiểm tra, làm rõ./.
Vietnam+