Vụ cà phê này coi như mất trắng...
Trong căn chòi nhỏ tuềnh toàng, ông Y Blơ Niê, ở thôn Cư M’tao, xã Ea Sin, huyện Krông Buk (Đắk Lắk), nghèn nghẹn nhìn rẫy cà phê đang héo úa vì nắng hạn.
- 30-03-2016Giải pháp chống hạn cho càphê, hồ tiêu ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên
- 25-03-2016Cà phê sắp có mặt bằng giá mới
- 21-03-2016Hơn 100.000 ha cà phê Tây Nguyên nguy cơ 'hóa củi'
- 14-03-2016Khô hạn nhất 30 năm: Cà phê Tây Nguyên đang hóa củi
“Vụ cà phê này coi như mất trắng. Không chỉ có rẫy của tôi đâu, rẫy của bà con trong buôn cũng đều bị cháy. Ai cũng buồn…” - ông Y Blơ buông giọng, thở dài.
Gia đình ông Y Blơ là một trong những hộ gia đình thuộc diện nghèo và cũng bị ảnh hưởng nặng nhất trong đợt hạn hán tại xã Ea Sin. Bà H Sưn Mlô, vợ ông Y Blơ, cho biết cả gia đình có sáu người con, trong đó ba người đang đi học. Thu nhập gia đình trông chờ vào rẫy cà phê và điều.
Đưa bàn tay nắm lấy cành cà phê, những tán lá đã vỡ rụm trong lòng bàn tay, ông Y Blơ lắc đầu ngao ngán.
Ông giãi bày: “Từ tháng 9 năm ngoái đến giờ, rẫy cà phê của nhà tôi tưới được đúng ba đợt. Suốt ba tháng, dòng suối Ea Súp Né cạn khô, trời cũng chẳng có mưa, cà phê cứ thế héo dần”. Theo ông Y Blơ, không chỉ rẫy thiếu nước tưới, gia đình ông và các hộ dân trong thôn cũng đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. “Mong sao Nhà nước sẽ xây đập, tích nước cho bà con bớt khổ vào mùa hạn” - ông Y Blơ thổ lộ.
Cà phê chết cháy, nước uống sinh hoạt phải chắt chiu từng ngày, vợ chồng ông Y Blơ cho biết nỗi lo lắng hơn cả của gia đình chính là kiếm tiền học phí cho các con. Cô con gái H Lô Ra Mlô (19 tuổi) của gia đình đang học năm thứ nhất tại Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Đắk Lắk nhưng đến giờ gia đình vẫn chưa vay vốn được từ ngân hàng, trong khi vẫn nợ ngân hàng 10 triệu đồng.
Được biết, để ứng phó với tình trạng hạn hán, UBND huyện Krông Buk đã tổ chức khai thác nguồn nước ngầm tại dốc Ea Pi, xã Ea Sin để bơm cấp cho người dân trong xã. Đồng thời UBND huyện này cũng xin chủ trương sửa chữa 3 giếng nước tại 4 buôn đang có 375 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, xây dựng các điểm cấp nước tập trung cho nhân dân trên địa bàn xã Ea Sin.
Đã có hơn 1 tỉ đồng ủng hộ
Tính đến chiều 7-4, báo Tuổi Trẻ đã tiếp nhận hơn 1 tỉ đồng ủng hộ chương trình Nước cho vùng hạn, mặn. Trong đó, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn ủng hộ 50 triệu đồng, Công ty Bachy Soletanche: 50 triệu đồng, Công ty TNHH sản xuất cân Nhơn Hòa: 30 triệu đồng... cùng nhiều bạn đọc đóng góp trực tiếp tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.
Bạn đọc có thể góp thêm những giọt nước nghĩa tình gửi đến đồng bào trong cơn hạn hán và nhiễm mặn tại phòng tiếp bạn đọc (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cùng các văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ trên cả nước; hoặc chuyển khoản báo Tuổi Trẻ, số 102010000118248, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3, TP.HCM, nội dung: Ủng hộ chương trình Nước cho vùng hạn, mặn. Điện thoại chương trình: 0913.804.883. Bạn đọc cũng có thể đóng góp trực tiếp tại đêm nhạc Kết nối yêu thương 3 diễn ra từ 18g-22g30 ngày 8-4 tại sân khấu Sen Hồng, công viên 23-9, Q.1, TP.HCM.
Ngoài ra, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400, VTC và Bộ Thông tin - truyền thông tổ chức chiến dịch nhắn tin: Mỗi tin nhắn - Một hành động tiếp sức đồng bào vùng hạn, mặn. Chương trình bắt đầu từ 0g ngày 7-4 ( riêng mạng Viettel bắt đầu từ 0g ngày 8-4) đến 24g ngày 5-6 với cú pháp: NC và gửi đến 1407, ủng hộ 14.000 đồng (tương đương 1m3 nước) sẻ chia với đồng bào.
T.O.
Tuổi Trẻ