Vụ cháy kho nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông: Có nguy cơ phơi nhiễm thuỷ ngân không?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, việc cảnh báo người dân nguy cơ tồn dư chất độc là phù hợp.
- 29-08-201924h sau khi xảy ra vụ cháy, Rạng Đông ước thiệt hại 150 tỷ đồng tài sản, Chủ tịch kêu gọi nhân viên gia tăng sản xuất để kịp giao hàng
- 29-08-2019Lãnh đạo phường bác bỏ tin đồn "môi trường bị ô nhiễm thuỷ ngân từ vụ cháy Công ty Rạng Đông"
- 29-08-2019Rạng Đông lên tiếng về sự cố cháy kho trong đêm 28/8
Nguy cơ phơi nhiễm thủy ngân
Sau khi, đám cháy tại nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được dập tắt, chính quyền địa phương đã phát đi khuyến cáo, không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) trong chiếc đèn huỳnh quanh sẽ có thủy ngân và Ion có khả năng phát xạ.
Khi xảy ra cháy các hợp chất thủy nhân hoặc kim loại thủy ngân khi sẽ bốc hơi và gây ra ô nhiễm bầu không khí quanh đó. Cho nên việc khuyến cáo người dân phòng độc là việc nên làm để đảm bảo cho sức khoẻ.
Theo lý giải của PGS.TS Thịnh, khi có nguy cơ thì phải phòng ngừa, còn nếu sau này khảo sát không có nguy cơ phơi nhiễm thì việc phòng ngừa cũng không mất gì.
Theo vị chuyên gia này thì hợp chất thủy ngân và kim loại thủy ngân là một loại kim loại độc cho cơ thể có thể gây ra căn bệnh ung thư, thủy ngân nhiễm vào răng và vào xương đều nguy hiểm…
"Nguy cơ cao nhiễm độc thủy ngân sau đám cháy là do hít phải bụi và khí của đám cháy. Các hạt bụi thủy ngân này có thể rơi xuống đất, vườn rau làm phơi nhiễm thủy ngân cho thực phẩm.
Ngoài ra, các hạt bụi thủy ngân có thể bay vào trong nhà rơi vào nước, bàn ghế, bát, đĩa, quần áo…", PGS. Thịnh nói.
PGS.TS Thịnh cũng đề nghị các nhà môi trường nên khảo sát đánh đánh giá mức độ tồn dư hóa chất trên đất, lá cây, nguồn nước trong khu vực để người dân yên tâm hơn.
Nguy cơ ngộ độc hóa chất sau vụ cháy tại nhà xưởng của công ty Rạng Đông.
PGS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng việc cảnh báo người dân nguy cơ tồn dư chất độc là phù hợp.
Cấu tạo của bóng đền huỳnh quang có: vỏ thủy tinh, nhựa, hơi thủy ngân... Khi bóng đèn bị nung nóng, phần nhựa sẽ cháy và tạo ra các sản phẩm khí độc. Bột huỳnh quang trong bóng đèn bị nung nóng ở nhiệt độ cao cũng sẽ bay hơi.
Tất cả các chất độc trên phát tán với nồng độ cao có thể gây hại với sức khỏe con người. Trong đó, có thủy ngân kim loại nặng gây độc có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau nếu tích lũy trong cơ thể.
"Vỡ một chiếc bóng đèn huỳnh quan không ảnh hưởng tới sức khoẻ, vỡ hàng vạn bóng đèn sẽ gây tác động rõ ràng", PGS Côn nói.
Người dân cần theo dõi sức khoẻ
Ngoài việc khuyến cáo người dân không ăn thực phẩm sản xuất tại địa bàn trong vòng bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày, UBND phường Hạ Đình cũng lưu ý những điểm sau:
- Sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng.
- Tự theo dõi sức khỏe của các thành viên. Nếu có biểu hiện ho, khó thở, đau ngực, sốt bất thường thì phải đưa đi khám tại các bệnh viện để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Không sử dụng nước tại các bể chứa nước hở trong bán kính 1km kể từ tâm đám cháy.
- Người dân thay toàn bộ quần áo có nhiễm khói bụi do cháy bằng cách giặt nước sạch nhiều lần. Sau đó ngâm xà phòng nóng từ 70-80 độ trong vòng 30 phút, ngâm tiếp 20 phút với nước tẩy quần áo, rồi xả sạch bằng nước sạch nhiều lần.
- Vệ sinh toàn bộ ngoại cảnh, bao gồm bể nước, cây cối ban công, tường cửa bằng nước xà phòng đặc 2-3 lần. Sau đó rửa lại bằng nước sạch nhiều lần.
- Rửa tất cả vật dụng chứa nước, sinh hoạt có bám bụi bằng xà phòng 2-3 lần và nhiều lần bằng nước sạch. Tiêu hủy các loại rau, trái cây tự trồng trong vòng bán kính 500m.
- Nếu có trồng cây tiếp tục nên thay đổi đất, dung dịch thủy canh mới để đảm bảo không bị ô nhiễm. Với các loại cây cảnh và phun rửa nhiều lần bằng nước sạch để trôi bụi do cháy.
Trí thức trẻ