Vụ chìm tàu ở Đà Nẵng: Trách nhiệm đăng kiểm ở đâu?
Đơn vị đăng kiểm cũng chưa rõ Thảo Vân 2 có phải tàu cá hay không nhưng theo họ, các phương tiện đã qua kiểm tra thì thỏa mãn yêu cầu.
- 07-06-2016Từ vụ lật tàu trên sông Hàn, báo động buông lỏng quản lý giao thông đường thủy
- 06-06-2016Đà Nẵng: Đình chỉ tất cả hoạt động tàu bè du lịch trên sông Hàn
- 06-06-2016Vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn: Đề nghị đình chỉ Giám đốc Cảng vụ Đà Nẵng
Về vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn, sáng nay (7/6), các ngành chức năng thành phố Đà Nẵng gồm Công an, Viện Kiểm sát, Sở Giao thông Vận tải, Sở Du lịch tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các du thuyền tại bến cảng Sông Hàn.
Hiện 27 du thuyền trên sông Hàn đều bị đình chỉnh hoạt động để kiểm tra an toàn trước khi cho hoạt động trở lại. Những ngày gần đây, dư luận nóng lên với câu hỏi vì sao tàu cá cải hoán lại được phép lưu hành, chở khách trên sông? Và trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm ở đâu?
Ông Nguyễn Hữu Huân, ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà ngư dân tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ chìm tàu cho rằng, thân tàu Thảo Vân 2 mong manh. Tàu thiết kế không cân xứng, khoảng cách giữa 2 tầng quá cao nên khó giữ được thăng bằng. Theo ông Huân, con tàu này thiết kế thêm một tầng nữa để chở được nhiều khách là không bảo đảm an toàn.
“Chiếc tàu du lịch ni thấy rất không đảm bảo. Lườn thì rất thấp, dàn để cho khách du lịch lên chơi rất cao, tàu không được vững, chạy qua chạy lại là dồn qua bên tự ngả. Trong thân tàu thì lặn xuống ghế, bàn, những chiếc họ đóng bảo đảm mà thấy chiếc ni không bảo đảm. Kẹp 2 ống phao như phao ghe nên cái lườn có chút xíu, rất trán, có thể vấp ngã liền” – ông Huân nói.
Dư luận đặt câu hỏi vì sao, tàu Thảo Vân 2 cùng 20 tàu cá cải hoán đang hoạt động đưa khách du lịch trên sông Hàn không đảm bảo an toàn nhưng vẫn được đăng kiểm cấp phép tham gia giao thông. Rất khó khăn phóng viên Đài TNVN mới tìm gặp được người có trách nhiệm về vụ việc này.
Ông Nguyễn Hữu Thiện
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam đơn vị đăng kiểm tàu Thảo Vân 2 cho biết, đó là dân tình người ta nói chứ thực tế tàu này chỉ có một tầng và thỏa mãn điều kiện để cấp giấy chứng nhận.
Khi phóng viên đề nghị xen hồ sơ đăng kiểm của tàu Hảo Vân 2, ông Thiện thoái thác: “Bây giờ tôi chưa thể chuẩn bị được hồ sơ đấy. Hơn nữa, bây giờ các cơ quan chức năng đang trong giai đoạn kiểm tra nên tôi khổng thể nói gì hơn với anh được. Mong anh thông cảm… Nói chung phương tiện đã cấp giấy chứng nhận rồi thì kiểm tra nó thỏa mãn thôi. Riêng trường hợp tàu này thì chúng tôi cũng chưa biết tàu này có phải tàu cá thiệt hay không nhưng mà các phương tiện đã qua kiểm tra thì thỏa mãn đưa vào hoạt động cả”.
Về thắc mắc, tàu Thảo Vân 2 được cho là rất mỏng nhưng vẫn qua được đăng kiểm, ông Thiện giải thích: “Đấy là họ nói thế thôi. Chẳng làm sao xác định là nó mỏng hay là nó dày được. Thực tế con tàu này hoạt động từ bao nhiêu năm nay chứ, không thể nói là nó mỏng hay nó dày được”.
Thời gian qua, trên sông Hàn có 27 tàu du lịch thì có đã đến 25 tàu được cải hoán từ tàu cá. Ông Nguyễn Quốc Dũng, thuyền trưởng tàu Bảo Anh 2 cho biết tàu của ông đóng mới tháng 11, năm 2015 với kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng là tàu sắt được đặt đóng mới để chở khách với đầy đủ trang thiết bị, phao cứu sinh, đảm bảo an toàn cho khách.
Theo kinh nghiệm của ông Dũng thì tàu du lịch khác tàu cá. Tàu du lịch đóng mới, an toàn hơn tàu hoán cải, mớn nước nổi hơn và đầy đủ thiết bị.
Ông Lê Văn Hoa, chủ tàu Phú Quý than thở, tàu Thảo Vân 2 gây tai họa ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch Đà Nẵng, khiến hàng trăm lao động mất việc làm. Để đóng mới con tàu Phú Quý, gia đình ông phải thế chấp vay mượn hơn 1 tỷ đồng. Bây giờ đình chỉ hoạt động, mỗi ngày ông phải trả lãi và lương cho 10 nhân viên chờ việc hơn 1,5 triệu đồng. Ông Hoa chưa biết xoay xở thế nào để có mỗi tháng gần 50 triệu đồng chi trả các khoản vừa nêu. Vì thế, ông Lê Văn Hoa mong muốn chính quyền thành phố sớm rà soát, loại bỏ những con tàu không đảm bảo an toàn và nhanh chóng tạo điều kiện cho các du thuyền trên sông Hàn hoạt động trở lại: “Tàu Phú Quý đóng mới 2014 là tàu duy nhất thời điểm đó. Trong kinh doanh thì phải vay vốn ngân hàng. Bây giờ phải trả lãi ngân hàng, lương nhân viên, rất khó. Tôi mong, thành phố sớm rà soát, tàu nào được hoạt động, tàu nào phải loại bỏ, thông báo để du khách biết”.
Những chủ tàu du lịch trên sông Hàn làm ăn đàng hoàng cũng đề nghị đơn vị đăng kiểm siết chặt an toàn khi cấp phép đăng kiểm hoạt động. Các đơn vị Công an, biên phòng, cảng vụ càng phải tăng cường trách nhiệm, quản lý chặt chẽ phương tiện khi xuất bến, góp phần phát triển loại hình du lịch sông nước được nhiều người yêu thích./.
VOV