Vụ chung cư mini xây 'chui' gần 200 căn hộ: Chủ tịch Thạch Thất phải chịu trách nhiệm
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất phải chịu trách nhiệm toàn diện liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng đối với tòa chung cư mini 9 tầng với cả trăm căn hộ xây “chui” trên đường Phú Hữu (Thôn 1, xã Tân Xã).
- 19-10-2023Chủ tịch Thạch Thất thừa nhận nhiều công trình chung cư mini sai phạm
- 18-10-2023Bắt đầu tháo dỡ chung cư mini 'xây chui' gần 200 căn hộ, đình chỉ hoạt động
- 17-10-2023Chung cư mini 3 tầng “hô biến” thành 9 tầng: Cắt ngọn, sẽ tạm đình chỉ 3 chủ tịch xã
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 19/10, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc xử lý công trình vi phạm xây dựng đối với tòa chung cư mini 9 tầng với cả trăm căn hộ xây “chui” trên đường Phú Hữu (Thôn 1, xã Tân Xã) thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất.
Cũng theo vị đại diện, Sở Xây dựng đã giao thanh tra làm việc với huyện Thạch Thất để kiểm tra, làm rõ vi phạm của “chung cư cao cấp My Home” mà báo Tiền Phong phản ánh.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo quyết định 04, thành phố giao UBND quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý toàn diện. Nếu xảy ra vi phạm, trách nhiệm cao nhất về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện.
“Đối với vi phạm trật tự xây dựng của “chung cư cao cấp My Home”, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất chịu trách nhiệm toàn diện”, đại diện Sở Xây dựng khẳng định.
Cần làm rõ dấu hiệu bao che, chậm xử lý vi phạm?
Trao đổi với PV, Luật sư Vũ Kim Hoàn Công ty luật HQC cho biết, sai phạm của “Chung cư cao cấp My House” đã rõ. UBND đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phá dỡ phần công trình vi phạm (tháng 6/2023 – PV).
Luật sư Vũ Kim Hoàn cho rằng, việc xây dựng một công trình nằm ngay ở vị trí mặt tiền đường trong xã trong một khoảng thời gian dài (kể cả đã bị xử phạt vi phạm hành chính) nhưng các cấp chính quyền không có biện pháp ngăn chặn, xử lý để công trình hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sử dụng cho thấy dấu hiệu buông lỏng, bao che của chính quyền sở tại.
Về trách nhiệm của UBND cấp huyện trong quản lý trật tự xây dựng, theo Luật sư Vũ Kim Hoàn, tại khoản 5 Điều 56 Nghị định 15 ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của UBND cấp tỉnh; tổ chức thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, khoản 1, 2 và 3 Điều 56 Nghị định này cũng quy định rõ thời điểm quản lý trật tự xây dựng và nội dung quản lý.
Theo đó, việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công, khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm. Khi phát hiện vi phạm, cơ quan có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng phải yêu cầu dừng thi công, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo quy định.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì Chủ tịch UBND cấp huyện (ở đây là huyện Thạch Thất) có trách nhiệm phải tổ chức theo dõi, kiểm tra, phát hiện, yêu cầu dừng thi công và xử lý theo thẩm quyền. Đặc biệt là đối với một công trình có quy mô lớn và đã từng xảy ra vi phạm về quản lý trật tự xây dựng. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 13 Điều 12 Luật xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) về các hành vi bị nghiêm cấm có “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về xây dựng; bao che, chậm xử lý hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng”.
“Để xảy ra việc vi phạm như trên, các cấp chính quyền cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong quản lý trật tự xây dựng, nếu như phát hiện có dấu hiệu cấu thành của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cần chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Việc để xảy ra vi phạm về quản lý xây dựng đã và đang gây ra hậu quả khôn lường, đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân trong thời gian vừa qua”, Luật sư Vũ Kim Hoàn nói.
Về tòa chung cư mini được "hô biến" từ 3 tầng lên 9 tầng với gần 200 phòng, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất khẳng định đây là công trình sai phạm. Sai phạm này trước hết là cán bộ công chức và các cơ quan được giao quyền chưa làm hết trách nhiệm của mình. Huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra và đã có kết luận số 13 xem xét, xử lý kỷ luật đối với một số cán bộ cấp xã. Tuần tới, huyện sẽ có hình thức kỷ luật đối với chủ tịch, phó chủ tịch, cán bộ địa chính, chuyên môn của xã có vi phạm.
"Đối với công trình này, trước mắt là không đưa vào sử dụng. Hiện nay, chúng tôi đã tuyên truyền cho các hộ gia đình đã tự giác tháo dỡ, giờ để cho họ tự giác tháo dỡ, còn phần nào không tự giác tháo dỡ thì chúng tôi sẽ cưỡng chế. Công trình này dứt khoát phải được xử lý triệt để để làm gương cho các công trình khác và các công trình khác cũng phải được xem xét xử lý như công trình này", Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất nói.
Có dấu hiệu hình sự chuyển cơ quan điều tra
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mới đây chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND TP, UBND huyện Thạch Thất kiểm tra, làm rõ thông tin Báo Tiền Phong về công trình “Chung cư cao cấp My House” tại xã Tân Xã, huyện Thạch Thất.
Đồng thời, xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân (nếu có) theo Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố”. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền.
Tiền phong