VỤ CÔNG TY POU YUEN VIỆT NAM CẮT GIẢM 2.786 LAO ĐỘNG: Khoản hỗ trợ thêm phải chịu thuế thu nhập!
Việc tính thuế thu nhập cá nhân cần phải đúng pháp luật và nhân văn. Nếu không, sẽ mất đi ý nghĩa hỗ trợ đối với khoản tiền trợ cấp mà người lao động nhận được
- 14-04-2020Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam tạm ngừng hoạt động 2 ngày
- 03-04-2015Sau vụ công nhân Pou Yuen đình công: Cân nhắc hưởng BHXH một lần
Mới đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng giảm mạnh trong khi nhiều biện pháp khắc phục không mang lại hiệu quả, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) đã quyết định cắt giảm 2.786 lao động.
Để tri ân sự cống hiến và hỗ trợ người lao động (NLĐ) vượt qua khó khăn trong giai đoạn mất việc, công ty hỗ trợ họ mỗi năm làm việc là 1 tháng tiền lương, kể cả thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ năm 2009 đến nay. Mức hỗ trợ NLĐ nhận được dao động từ 3 triệu đồng với công nhân (CN) mới vào làm đến 300 triệu đồng/người. Bình quân mỗi người được trợ cấp từ 60-70 triệu đồng.
Sốc vì bị trừ thuế thu nhập
Theo quy định pháp luật, đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) do dịch bệnh (trường hợp bất khả kháng theo điểm c, khoản 1 điều 38 Bộ Luật Lao động), người sử dụng lao động (NSDLĐ) có nghĩa vụ chi trả trợ cấp thôi việc (TCTV) cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính TCTV là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia BHTN theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả TCTV. Do vậy, phương án hỗ trợ của công ty rất có lợi cho NLĐ. Chẳng hạn như chị N.T.T có 7,5 năm làm việc tại công ty (tức sau ngày 1-1-2009, thời điểm NLĐ phải tham gia BHTN), theo quy định thì sẽ không được chi trả TCTV.
Song thực tế, chị N.T.T được nhận hỗ trợ hơn 51 triệu đồng. Hay như chị T.C.C được nhận tổng cộng khoảng 245 triệu đồng sau 21,5 năm làm việc tại công ty. Trong đó, khoản TCTV công ty chi trả theo quy định gần 57 triệu đồng và khoản hỗ trợ thêm gần 188 triệu đồng…
Ngành thuế nên xem xét, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân để chia sẻ khó khăn với công nhân mất việc .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tại buổi họp thông báo về việc chấm dứt HĐLĐ vào ngày 20-6, tất cả CN đều chấp thuận nghỉ việc và đồng tình với phương án hỗ trợ của công ty. Tuy nhiên, khi nhận bảng lương mà công ty phát, CN không khỏi băn khoăn với mục "Khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 10%". Tất cả CN đều bị khấu trừ khoản này với số tiền từ 300.000 đồng đến khoảng 30 triệu đồng/người.
Như chị L.T.K.N (18,5 năm làm việc tại công ty), mức lương gần 10,5 triệu đồng/tháng. Theo tính toán, khi nghỉ việc, chị N. được nhận tổng số tiền khoảng 194 triệu đồng. Trong đó, tiền TCTV trả cao hơn so với quy định của pháp luật là 154,7 triệu đồng. Do bị khấu trừ thuế TNCN 10% trên số tiền được công ty hỗ trợ thêm (hơn 15,4 triệu đồng) nên số tiền thực tế chị N. nhận được là 178,5 triệu đồng.
Chị N. thổ lộ: "Mất việc trong thời điểm khó khăn nên 1 đồng hỗ trợ đối với CN cũng rất đáng quý. Do vậy, khi bị trừ hơn 15 triệu đồng thuế thu nhập, tôi thật sự sốc bởi với số tiền đó đủ cho gia đình tôi trang trải trong vài ba tháng. Công ty giải thích việc trừ thuế TNCN là làm theo quy định của ngành thuế. Tôi thấy không thỏa đáng khi nhà nước lại đánh thuế trên khoản hỗ trợ mất việc của CN".
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, cho biết trước khi lập phương án hỗ trợ mất việc cho CN, công ty đã có trao đổi với Cục Thuế TP và cũng đã giải thích rõ với CN rằng khoản hỗ trợ thêm của công ty không phải là TCTV theo quy định nên phải đóng thuế. Dù vậy, vẫn có một số CN chưa đồng thuận. "Đối với CN nghèo thì khoản tiền bị khấu trừ thuế TNCN là không nhỏ. Do vậy, nếu được thì cơ quan chức năng nên xem xét không khấu trừ thuế TNCN để khoản tiền hỗ trợ của DN đến tay CN mất việc một cách trọn vẹn, giúp họ bớt khó khăn trong cuộc sống" - ông Nghiệp kiến nghị.
Trong báo cáo gửi UBND TP HCM mới đây, ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, đã kiến nghị UBND TP yêu cầu Cục Thuế TP xem xét đề nghị của CN về việc không thu 10% thuế TNCN đối với khoản trợ cấp do Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam chi trả.
Đừng thu nhầm hơn bỏ sót!
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất bị khấu trừ thuế TNCN đối với phần TCTV chi trả cho NLĐ ngoài phần chi trả theo quy định của Luật BHXH và Bộ Luật Lao động.
Cách đây ít ngày, Cục Thuế TP đã có văn bản trả lời một DN khác (địa chỉ tại quận 1) về việc tính thuế với NLĐ đã ký HĐLĐ trên 3 tháng nhưng nay phải nghỉ việc. Theo đó, căn cứ Bộ Luật Lao động và Thông tư số 111 năm 2013, Thông tư số 92 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNCN, đối với khoản TCTV chi trả cho NLĐ nghỉ việc theo quy định của Luật BHXH và Bộ Luật Lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của NLĐ.
Còn đối với khoản chi trả, hỗ trợ cho NLĐ ngoài quy định của Bộ Luật Lao động và Luật BHXH, sau khi đã chấm dứt HĐLĐ, nếu khoản chi này từ 2 triệu đồng trở lên thì công ty phải khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trên tổng thu nhập chi trả. Cuối năm tính thuế, cá nhân có trách nhiệm khai quyết toán thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần trên toàn bộ thu nhập từ tiền lương, tiền công nhận được trong năm, bao gồm cả khoản hỗ trợ nêu trên. "Đã là quy định thì phải thực hiện thống nhất với tất cả DN và NLĐ" - ông Bình nhấn mạnh.
Theo chuyên gia thuế Chung Thành Tiến, nguyên tắc đánh thuế TNCN là để bảo đảm trách nhiệm bình đẳng giữa các cá nhân có nguồn thu với ngân sách nhà nước. Do đó, cá nhân có nguồn thu đều phải có nghĩa vụ nộp thuế và được khấu trừ nếu cuối năm tính thuế, thu nhập không đủ để nộp thuế.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng đặt câu hỏi việc áp mức thu thuế 10% đối với phần hỗ trợ này liệu đã phù hợp? Ông Tiến phân tích: Việc trích nộp thuế TNCN đối với các nguồn thu được chia làm 2 loại. Thứ nhất là tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần đối với người có thu nhập ổn định tại một cơ quan, DN.
Thứ hai là áp thuế thu nhập không thường xuyên ở mức 10% đối với khoản thu từ 2 triệu đồng trở lên. Đáng lưu ý, các văn bản quy phạm pháp luật không quy định rõ trường hợp như của các CN Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam sẽ áp dụng theo cách tính thuế nào. Do vậy, DN và ngành thuế đã máy móc áp dụng cách thứ 2. "Tôi cho rằng cách tính thuế TNCN 10% với khoản TCTV là không sai nhưng chưa thực sự phù hợp, nhất là trong bối cảnh cần tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ CN.
Về bản chất, khoản trợ cấp này được tính theo HĐLĐ giữa DN và NLĐ, vì thế nên tính chung khoản tiền này vào tiền lương, tiền công trước khi chính thức chấm dứt HĐLĐ. Như vậy, khoản tiền này sẽ được tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần chứ không phải áp "cứng" 10%. Khi đó, số thuế phải nộp sẽ không lớn, thậm chí không đến mức thu nhập phải đóng thuế" - ông Tiến chỉ rõ.
Tuy nhấn mạnh nghĩa vụ phải đóng thuế nhưng chuyên gia Chung Thành Tiến cũng cho rằng việc tính thuế TNCN cần phải đúng pháp luật và nhân văn. Nếu không, sẽ mất đi ý nghĩa hỗ trợ đối với khoản tiền trợ cấp mà NLĐ nhận được. "Dẫu biết rằng đến cuối năm tính thuế, NLĐ có thu nhập không đến mức trừ thuế thì sẽ được hoàn lại nhưng số tiền khi đó họ nhận sẽ không ý nghĩa và cần thiết bằng giai đoạn khó khăn này.
Chưa kể, một số tiền lớn của họ đã bị chiếm dụng trong một thời gian dài. Hơn nữa, thủ tục hoàn thuế vẫn khá phức tạp, không phải NLĐ nào cũng rành thủ tục để có thể làm được. Ngành thuế không nên duy trì chính sách theo kiểu "thu nhầm còn hơn bỏ sót" như vậy" - ông Tiến nói thêm.
Luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đặng và Cộng sự:
Ngành thuế nên xem xét, không thu
Theo quy định hiện hành, nếu NLĐ nhận được khoản TCTV, trợ cấp mất việc theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động năm 2012 thì không tính vào thu nhập chịu thuế khi tính TNCN (tức là được miễn thuế TNCN). Nếu khoản TCTV, trợ cấp mất việc được chi trả cao hơn mức quy định của Bộ Luật Lao động năm 2012 thì phần vượt phải chịu thuế TNCN. Như vậy, việc Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam khấu trừ thuế TNCN 10% đối với khoản TCTV cho NLĐ là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Cục Thuế TP HCM nên xem xét đề nghị của NLĐ về việc xin miễn giảm khoản thu này. Thực tế trong thời gian vừa qua, do tình hình dịch Covid-19 kéo dài, các DN hoạt động không hiệu quả nên NLĐ bị mất việc hàng loạt, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, nếu được miễn giảm khoản thuế này, cuộc sống của NLĐ cũng sẽ phần nào được cải thiện.
Người lao động