Vụ đổ trộm dầu thải: Công ty gốm sứ Thanh Hà có trách nhiệm ra sao?
Liên quan đến vụ việc đổ trộm dầu thải nguồn nước sông Đà, PV Lao Động có cuộc trao đổi với luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh về trách nhiệm của Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà. Đây là công ty xác nhận thông tin nguồn dầu thải trong vụ việc là của công ty mình.
- 23-10-2019Khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng trong vụ đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà
- 23-10-2019Công ty Gốm sứ Thanh Hà thông tin sai lệch trong vụ nước sông Đà nhiễm dầu?
- 22-10-2019Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội: Công nghệ nhà máy nước sông Đà lạc hậu
- Thông qua nội dung và biên bản làm việc với cơ quan công an, xác định mặc dù, công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà có kho lưu giữ chất thải nguy hại riêng biệt, nhưng không đưa các téc dầu thải và các thùng dầu thải vào kho để quản lý mà lại lưu giữ tại kho vật tư của công ty, phục vụ việc tái sử dụng trong quá trình sản xuất gạch. Pháp luật quy định thế nào về vấn đề này?
Nghị định số 38 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu quy định rõ quá trình nghiêm ngặt từ việc phân định, áp mã, phân loại và lưu giữ chất thải nguy hại, đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại, thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại…
Khu vực chứa dầu để đốt lò của Công ty Gốm sứ Thanh Hà. Ảnh: LN.
Tuy nhiên, có những nguyên tắc chung đó là: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tăng cường áp dụng các biện pháp về tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng tái tạo và sản phẩm, nguyên liệu, năng lượng sạch thân thiện với môi trường; sản xuất sạch hơn; kiểm toán môi trường đối với chất thải và các biện pháp khác để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải.
Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng. Nước thải phải được thu gom, xử lý, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng-phù hợp để tái sử dụng hoặc xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường…
- Luật pháp quy định cụ thể ra sao về việc chuyển giao chất thải nguy hại, trách nhiệm của đơn vị có chất thải độc hại như thế nào thưa luật sư?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 38 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu thì trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại như sau: Đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở phát sinh chất thải nguy hại theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này. Có biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại; tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chất thải nguy hại phải báo cáo và quản lý. Có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định. Trường hợp không tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại tại cơ sở, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp.
Đường đi của dầu bẩn vào nguồn nước sông Đà.
Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm định kỳ 6 tháng báo cáo về việc lưu giữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh với Sở Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ khi chưa chuyển giao được trong các trường hợp sau như chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi, chưa tìm được chủ xử lý chất thải nguy hại phù hợp…
- Với những phân tích trên, có thể hiểu Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà đã không tuân thủ đầy đủ về việc chuyển giao chất thải nguy hại. Theo quy định của pháp luật, công ty Thanh Hà phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Về cơ bản, Căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, hành vi bán dầu thải cho người mua dạo không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại có thể bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 5.000 kg chất thải nguy hại trở lên. Đối với pháp nhân thì mức phạt gấp đôi.
Qua quá trình điều tra, nếu có đủ cơ sở để xác định có dấu hiệu hình sự thì Cơ quan điều tra có thể khởi tố theo Điều 236 Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hoặc đồng phạm với Tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự
Lao động