Vụ Đường 'Nhuệ' đánh người tại trụ sở công an: Phải làm rõ trách nhiệm cán bộ liên quan
“Song song với phục hồi điều tra vụ Đường “Nhuệ” đánh người ngay tại trụ sở công an, cần xem xét trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng đã làm cho vụ án bị tạm đình chỉ trong một thời gian dài. Có như thế mới góp phần lấy lại niềm tin của người dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật”, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp trao đổi với Tiền Phong quanh vụ án Đường “Nhuệ” dư luận đặc biệt quan tâm.
- 18-04-2020Mở rộng điều tra án liên quan Đường 'Nhuệ': Không vùng cấm!
- 17-04-2020Ai bảo kê Đường 'Nhuệ'?
- 17-04-2020Nóng: Khởi tố, tạm giam 4 cán bộ cấp Sở ở Thái Bình tiếp tay cho Đường "Nhuệ", mở ra nhiều tình tình tiết mới
- 16-04-2020Nhiều giang hồ như Đường "Nhuệ" liên tục xộ khám: Nhân dân vui mừng, tin tưởng vào sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công an
Mở rộng vụ án nếu thấy cần thiết
Trước tính chất và diễn biến phức tạp trong những vụ án liên quan Đường “Nhuệ”, có ý kiến cho rằng, nên đưa vụ việc này vào diện giám sát đặc biệt của trung ương. Cũng có ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính khách quan nên chuyển những vụ án này lên Bộ Công an. Quan điểm của bà ra sao về việc này?
Về thẩm quyền điều tra, phải thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo Điều 163, Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Luật cũng quy định chỉ có một số trường hợp thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Bộ Công an, đó là “vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra”.
Hiện nay, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình vẫn đang điều tra theo đúng thẩm quyền. Không thể vì tâm lý cho rằng không tin tưởng ở địa phương thì chuyển vụ việc lên trung ương. Trường hợp vụ án có tính chất và diễn biến phức tạp thì Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình có thể xin ý kiến về nghiệp vụ của Cơ quan điều tra Bộ Công an. Cơ quan điều tra Bộ Công an có thể cho ý kiến chỉ đạo, trả lời văn bản thỉnh thị của cơ quan cấp dưới.
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa
Công an thành phố Thái Bình vừa phục hồi điều tra vụ Đường “Nhuệ” đánh người tại trụ sở công an. Theo bà, điều gì cần làm rõ, đặc biệt là vai trò và trách nhiệm của cơ quan công an, viện kiểm sát trong vụ việc này?
Tạm đình chỉ điều tra một vụ án hình sự “cố ý gây thương tích” tới gần 5 năm (ngày 5/1/2015 khởi tố vụ án hình sự; ngày 5/7/2015 tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự) vì lý do “chưa xác định được bị can trong vụ án” và “đã hết thời hạn điều tra” là điều khó có thể chấp nhận được đối với một vụ án xảy ra ngay tại trụ sở công an, có nhân chứng và người bị hại trực tiếp tố cáo.
Theo tôi, song song với phục hồi điều tra để làm rõ sự thật khách quan của vụ án thì cần xem xét trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng đã làm cho vụ án bị tạm đình chỉ trong một thời gian dài. Có làm như thế mới góp phần lấy lại niềm tin của người dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Cũng như nhiều vụ án trước đó, điển hình như vụ Năm Cam, hay vừa qua là vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng, trong vụ Đường “Nhuệ” này, một lần nữa dư luận và nhân dân lại đặt vấn đề về tình trạng chống lưng, bảo kê cho tội phạm lộng hành. Bà thấy sao về điều này?
Qua theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng, nhiều ý kiến cho rằng có việc chống lưng, bảo kê cho tội phạm lộng hành hoặc nghi ngờ có sự việc như vậy. Thực tế có chống lưng, bảo kê hay không trong vụ án này thì tôi chưa dám khẳng định, vì không có tài liệu gì trong tay mà chỉ nắm thông tin từ báo chí. Dư luận cho rằng nhiều khả năng là có những sự việc đó, vì nếu không có thì làm sao Đường “Nhuệ” có thể có những hành vi vi phạm pháp luật trong một thời gian dài mà không bị xử lý. Tuy nhiên, vấn đề này chắc hẳn cơ quan chức năng cũng đang muốn làm rõ. Theo tôi, cứ để cho các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, thậm chí mở rộng vụ án nếu thấy cần thiết.
Chúng tôi được biết, một lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã khẳng định quyết tâm xử lý nghiêm, khách quan, đúng pháp luật và phải làm rõ từng hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án này. Hơn nữa, vụ án lại đang nhận được sự quan tâm, theo dõi của nhân dân, đứng ra tố cáo, báo chí đã vào cuộc sát sao. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đang rất tích cực chỉ đạo các địa phương trong việc xử lý các loại tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến băng nhóm xã hội đen, tội phạm có tổ chức, tội phạm tín dụng đen. Điều đó càng làm cho chúng ta tin tưởng rằng, nếu cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, xử lý vụ án một cách công tâm, vô tư, khách quan thì bất cứ hành vi phạm tội nào cũng sẽ bị phát hiện, trừng trị một cách nghiêm minh và không có “vùng cấm”.
Tín hiệu tích cực của luân chuyển cán bộ
Các loại hình tội phạm, trong đó có tội phạm tín dụng đen đã nhiều lần được nhắc đến tại diễn đàn Quốc hội với nhiều câu hỏi được đặt ra trong những phiên chất vấn Bộ trưởng Công an?
Tại phiên chất vấn trước Quốc hội, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công an về vấn đề này. Bộ trưởng đã nêu nhiều giải pháp. Năm 2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án. Trong đó, Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các loại tội phạm…ngăn chặn xử lý nghiêm tội phạm “tín dụng đen”.
Gần đây, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, một số địa phương đã rất tích cực trong công tác này. Tôi thấy đây là xu hướng tốt và cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng phải cương quyết, mạnh tay hơn nữa trong việc điều tra, khám phá để loại trừ những tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội, góp phần làm cho cuộc sống người dân bình yên hơn.
Thực tế qua hàng loạt các vụ án vừa qua cho thấy hiệu quả từ công tác luân chuyển cán bộ trong ngành công an. Bà nhận xét ra sao về tín hiệu tích cực này?
Tôi không có thống kê số liệu về việc có bao nhiêu địa phương do thay đổi Giám đốc Công an mà phát hiện ra các vụ án chấn động. Nhưng, tôi nhận thấy trong thời gian vừa qua, ngành công an thực hiện tương đối tốt công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, đã thực hiện người đứng đầu cơ quan không phải là người địa phương. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về công tác cán bộ.
Luật Phòng, chống tham nhũng cũng coi việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, Luật quy định định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức (không giữ chức vụ quản lý) làm việc tại một số vị trí liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Nhiều vị trí công tác trong ngành công an thuộc nhóm công việc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, nên phải thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác. Ví dụ: định kỳ một cảnh sát khu vực này phải chuyển sang làm cảnh sát khu vực khác.
Đối với vị trí cán bộ quản lý thì thực hiện chính sách luân chuyển. Đây là một chính sách của Đảng trong công tác cán bộ nhằm đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo để họ có điều kiện nâng cao trình độ hiểu biết và đủ năng lực thực tiễn đáp ứng được yêu cầu của người lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh mục tiêu chính nêu trên, theo tôi việc luân chuyển cũng là một giải pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa hiện tượng cấu kết, móc nối hình thành “ê kíp”, “đường dây” tiêu cực, tham nhũng.
Luân chuyển cán bộ cũng là để tránh việc người cán bộ quản lý đó do làm lâu ở một vị trí sẽ có thể tìm cách móc nối với những người có liên quan để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật tinh vi, khó phát hiện và khó ngăn chặn. Hơn nữa, khi một người làm ở vị trí trong một thời gian dài cũng có thể tạo ra sức ì, lối mòn nhất định, không có sự tìm tòi, đổi mới, nên có thể khó phát hiện những vi phạm mà người mới đến hoặc người ở ngoài cuộc có thể nhìn thấy.
Cảm ơn bà!
"Tạm đình chỉ điều tra một vụ án hình sự "cố ý gây thương tích" tới gần 5 năm vì lý do "chưa xác định được bị can trong vụ án" và "đã hết thời hạn điều tra" là điều khó có thể chấp nhận được đối với một vụ án xảy ra ngay tại trụ sở công an, có nhân chứng và người bị hại trực tiếp tố cáo".
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa
Tiền Phong