Vũ Hán ‘bêu tên’ công khai 259 con nợ: Điều gì đang diễn ra với sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc?
Một thành phố ở Trung Quốc đang thử một phương pháp mới để đòi nợ - bằng cách “bêu tên” công khai các công ty trên báo chí.
- 02-06-2023Trung Quốc phải cảm ơn Elon Musk: Tesla giúp đánh thức một phần thị trường đang ngủ quên, lợi thế cạnh tranh trông thấy rõ
- 02-06-202311,6 triệu cử nhân Trung Quốc đối mặt với thị trường không có việc làm
- 02-06-2023Cổ phiếu của chùa chiền Trung Quốc tăng vọt
Chuyện gì đã xảy ra?
Theo hãng tin Bloomberg, thành phố Vũ Hán hôm 26/5 đã “bêu tên” trên Nhật báo sông Dương Tử 259 công ty còn nợ hơn 42,4 triệu USD kể từ tháng 12/2018 và yêu cầu họ thanh toán.
Bloomberg dẫn lời Cục Tài chính thành phố Vũ Hán trong thông báo dài 1 trang cho biết, những đơn vị bị nêu tên cần “ngay lập tức thực hiện các nghĩa vụ trả nợ theo luật định có liên quan” .
Thông báo công khai cũng liệt kê một số văn phòng tài chính quận cũng như một số cơ quan trực thuộc nhà nước, bao gồm cả Thời báo Chứng khoán.
Trang tin tài chính Yicai (Trung Quốc) đưa tin rằng, số tiền vay dao động từ hơn 10.000 nhân dân tệ (CNY, khoảng 1.400 USD) đến hơn 10 triệu CNY (1,4 triệu USD), với tổng số tiền vượt quá 100 triệu CNY (14 triệu USD).
Yicai đã trích dẫn một danh sách thu nợ được công bố bởi cơ quan quản lý và Công ty Quản lý Tài sản sông Dương Tử Vũ Hán. Các "con nợ" bao gồm: phòng tài chính quận, đơn vị nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp nhà nước, chi nhánh của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, cũng như các công ty tư nhân. Các con nợ, người bảo lãnh tương ứng và người thừa kế của họ được yêu cầu trả nợ cho công ty quản lý tài sản ngay sau ngày 26/5.
Theo trang web chính thức của Công ty Quản lý Tài sản sông Dương Tử Vũ Hán, công ty này thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, là đơn vị chuyên chịu trách nhiệm xử lý các tài sản nợ khác nhau trong thành phố.
Theo Yicai, công ty này được ủy quyền để thu hồi các khoản vay nói trên cho chính quyền ở mức tối đa.
Tại sao Trung Quốc làm điều này?
Theo trang tin Firstpost (Ấn Độ), động thái này diễn ra trong bối cảnh chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đang đối mặt với khủng hoảng tiền mặt.
Giống như hầu hết các nơi khác ở Trung Quốc, doanh thu của chính quyền Vũ Hán đã bị ảnh hưởng nặng nề trong những năm gần đây do đại dịch COVID-19, kinh tế đang chững lại và ngành bất động sản khủng hoảng kéo dài.
Doanh thu của chính quyền thành phố này đã giảm xuống còn 50,77 tỷ CNY (khoảng 7,15 tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm 2023, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đài CNN (Mỹ), cơ quan quản lý tài chính Vũ Hán thừa nhận đã không thành công trong việc thu hồi các khoản nợ và đang trao thưởng cho bất kỳ ai có thể cung cấp thông tin hữu ích về tài sản tài chính của con nợ.
Chiến dịch zero-Covid đã làm cạn kiệt ngân sách của nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc, sau khi họ chi hàng tỷ USD cho các trung tâm cách ly, xét nghiệm hàng loạt và đóng cửa thành phố thường xuyên… trước khi Bắc Kinh thay đổi chính sách vào tháng 12 năm ngoái.
Theo CNN, khủng hoảng trong ngành bất động sản đã làm trầm trọng thêm vấn đề, do chính quyền địa phương phụ thuộc nhiều vào doanh thu bán đất.
“Chính quyền từng dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng và giá đất tăng cao để trả nợ. Tuy nhiên, đại dịch và tình hình thị trường bất động sản đã làm đảo lộn những giả định đó” , Cheng Juelu - một nhà kinh tế và chuyên gia về nợ của chính quyền địa phương tại Thượng Hải - nói với phóng viên Al Jazeera.
Hãng tin Al Jazeera trích dẫn thông tin từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, ngoại trừ Thượng Hải, tất cả 31 tỉnh thành của Trung Quốc đều báo cáo thâm hụt tài khóa vào năm 2022.
“Vấn đề nợ nần đã gia tăng trong nhiều năm và mặc dù các biện pháp của chính quyền có thể mang lại một số nguồn cứu trợ tạm thời, nhưng chúng không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề” , chuyên gia Cheng nói.
Hu Mingdan - một công chức ở miền đông Trung Quốc - nói với phóng viên Al Jazeera rằng, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ lương của cô và các đồng nghiệp đã bị chậm hơn 3 tháng.
“… thật khó khăn vì chúng tôi phải nuôi gia đình” , Hu - đến từ Nam Xương, tỉnh Giang Tây - nói.
Shi Zhengwen - giáo sư tại Đại học Chính pháp Trung Quốc - nói với phóng viên Bloomberg rằng, động thái như vậy là cực kỳ hiếm, “phản ánh những thách thức hiện tại đối với tài chính của chính quyền địa phương, vì việc thu hồi nợ sẽ không cấp bách khi nguồn vốn dồi dào” .
Giáo sư Shi nói thêm rằng, Bộ Tài chính Trung Quốc đã kêu gọi “thắt lưng buộc bụng” và động thái của chính quyền địa phương cho thấy rằng họ đang rất chú ý đến vấn đề này.
Theo trang tin Firstpost, các nhà phân tích cho biết, các khoản nợ chính phủ chưa thanh toán của Trung Quốc đã vượt quá 123 nghìn tỷ CNY (tương đương 18 nghìn tỷ USD) vào năm ngoái, trong đó gần 10 nghìn tỷ USD được gọi là “nợ ẩn” từ các khoản đầu tư tài chính rủi ro của chính quyền địa phương.
Nhịp sống thị trường