MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vũ Hán vẫn chênh vênh sau hai tuần dỡ phong tỏa

26-04-2020 - 13:20 PM | Tài chính quốc tế

Vũ Hán là một trong những trung tâm công nghiệp và vận tải lớn của Trung Quốc, vị trí đắc địa bên bờ sông Dương Tử. Cho dù thành phố đã tái mở cửa, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vẫn chưa thể quay trở lại hoạt động.

Chỉ 3 tháng trước, Wang vẫn còn vui mừng tham gia lễ kỷ niệm 3 năm ngày khai trương nhà hàng của ông tại thành phố Vũ Hán. Trong buổi lễ đó, ông vui vẻ trao phong bao chứa tiền thưởng cho toàn bộ nhân viên nhà hàng trước khi họ trở về quê hương cùng gia đình đón năm mới.

Giờ đây, sau 76 ngày chính phủ Trung Quốc áp dụng biện pháp phong tỏa Vũ Hán, thành phố được coi là tâm điểm của dịch bệnh Covid-19, ông trở nên kiệt quệ về cả tài chính lẫn tinh thần. Nhà hàng của ông đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn.

Lệnh phong tỏa toàn thành phố Vũ Hán được gỡ bỏ hôm 8/4. Nhưng sau 2 tuần, nhà hàng của ông Wang vẫn chưa thể quay trở lại hoạt động như trước do chính quyền thành phố vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế việc ăn uống trực tiếp tại các quán ăn, nhà hàng.

Dù chưa thể mở cửa lại nhà hàng, ông vẫn phải thanh toán 3 tháng tiền thuê mặt bằng lên đến 60.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 8.500 USD. Nếu như làn sóng dịch bệnh thứ 2 ập tới và gây nên những hậu quả thậm chí còn nặng nề hơn cho nền kinh tế Trung Quốc, ông không còn lựa chọn nào khác ngoài đóng cửa nhà hàng.

“Tại Vũ Hán, có quá nhiều người rơi vào tình cảnh giống như tôi ở thời điểm hiện tại, những người vẫn chưa thể quay trở lại với công việc thường nhật như thời trước dịch bệnh”, ông chia sẻ.

Ông Wang chỉ là một trong số rất nhiều các chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tại Vũ Hán đang chật vật để tái khởi động hoạt động kinh doanh. Trong quý đầu tiên, nền kinh tế của tỉnh Hồ Bắc đã giảm gần 40%, theo thông tin trên Xinhua. Đó là chưa kể ảnh hưởng đến tâm lý của người dân khi thành phố họ đang sinh sống bị phong tỏa trong thời gian quá dài, là nỗi lo sợ về dịch bệnh và sự đau buồn khi mất đi người thân.

Wang cho biết 3 người họ hàng của ông bị nhiễm virus corona và một trong số đó không qua khỏi. Gia đình thậm chí còn không thể tổ chức được đám tang cho người xấu số.

“Trong suốt quãng thời gian qua, chúng tôi thực sự hoảng sợ, hoảng sợ tột cùng”, ông chia sẻ.

Vũ Hán vẫn chênh vênh sau hai tuần dỡ phong tỏa - Ảnh 1.

Công nhân tại một công trường xây dựng ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, hôm 24/4. Ảnh: Getty Images.

Thành phố 'chênh vênh'

Với dân số lên đến 11 triệu người, Vũ Hán là một trong những trung tâm công nghiệp và vận tải lớn của Trung Quốc, vị trí đắc địa bên bờ sông Dương Tử. Thành phố này từ lâu đã được coi là một đầu tàu phát triển kinh tế của khu vực miền trung.

Đây là thành phố đầu tiên trên thế giới áp dụng các biện pháp phong tỏa, nhằm ngăn chặn đà lan rộng của virus corona, bắt đầu bằng việc tạm dừng hoạt động các phương tiện công cộng ra khỏi thành phố vào ngày 23/1.

Tuy nhiên những nỗ lực ban đầu đó là chưa đủ và dịch bệnh giờ đây đang lan rộng trên quy mô toàn thế giới, khiến cho hơn 2,8 triệu người nhiễm bệnh. Các biện pháp phong tỏa tại Vũ Hán, ví dụ như các quy định bắt buộc người dân ở trong nhà và cho đóng cửa toàn bộ các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, giờ đây đã trở thành điều “thân thuộc” với người dân tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Tổng cộng, hơn 68.000 trường hợp xác nhận nhiễm Covid-19 tại tỉnh Hồ Bắc, trong đó hơn 4.500 người thiệt mạng.

Lệnh phong tỏa lên toàn thành phố Vũ Hán chính thức được gỡ bỏ vào ngày 8/4. Người dân thành phố được phép ra khỏi nhà. Một vài cửa hàng mở cửa kinh doanh trở lại. Một số các công viên và các không gian công cộng, như vườn thú Vũ Hán, bắt đầu tiếp nhận khách tham quan.

Trường hợp của thành phố Vũ Hán cho thấy những ảnh hưởng sâu sắc của lệnh phong tỏa lên cuộc sống của người dân. Phải mất rất nhiều thời gian nữa để nhịp sống nơi đây quay trở lại bình thường.

Ông He là chủ một cửa hàng chuyên cung cấp đồ điện tử và kỹ thuật cho các công trường xây dựng tại Vũ Hán.

Cửa hàng của ông thực hiện đóng cửa từ tháng 1. Dù đã 2 tuần kể từ khi mở cửa trở lại, ông vẫn không thể giao hàng cho các khách hàng bởi chính quyền vẫn cấm ôtô hoạt động trong khu vực cửa hàng của ông.

“Tôi có những khách hàng tìm đến nhưng họ không thể tiếp cận cửa hàng. Một vài người trong số họ đành bỏ đi”, ông chia sẻ.

Trong thời gian này, He vẫn phải thanh toán tiền thuê mặt bằng hàng năm lên tới 170.000 nhân dân tệ (tương đương 24.000 USD). Ông chia sẻ những chủ cửa hàng như ông đang hết sức sợ hãi và giận dữ nhưng họ không biết sẽ phàn nàn với ai cả.

“Tôi vẫn có những khoản nợ phải trả. Vợ và con đang phụ thuộc vào tôi. Tôi cảm thấy thực sự áp lực”, ông nói.

Đường cùng

Cho dù thành phố chính thức tái mở cửa, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vẫn chưa thể quay trở lại hoạt động. Nhiều người dân di chuyển trên đường phố vẫn mặc trang phục bảo hộ.

Một vài người tin rằng làn sóng dịch bệnh thứ 2 sẽ ập tới. Chính phủ Trung Quốc đang rất nỗ lực để có thể ngăn chặn nguồn lây bệnh đến từ nước ngoài khi số lượng các ca nhiễm ngoại lai tăng đột biến, đặc biệt là từ Nga.

Wang cho biết Bắc Kinh vẫn chưa có đủ các giải pháp hỗ trợ để giúp những người như ông trả tiền thuê mặt bằng và duy trì sự tồn tại của nhà hàng. Ông tin rằng ông sẽ không bị bỏ rơi nhưng quá trình đó đang diễn ra quá chậm. Cho dù có thể thuyết phục được các cơ quan chức năng cho phép nhà hàng được đón khách trở lại, ông vẫn sẽ phải đóng cửa nhà hàng nếu như một làn sóng dịch bệnh thứ 2 nổ ra.

“Trong giới chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chúng tôi đánh giá rằng có khả năng cao một làn sóng dịch bệnh thứ 2 sẽ ập tới. Do đó, nhiều người không còn ý định tiếp tục duy trì hoạt động của nhà hàng. Chúng tôi sẽ phải tìm những công việc mới”, ông chia sẻ.

Trong khi tất bật tìm công việc mới cho bản thân và vợ, Wang vẫn tranh thủ đến thăm mộ người họ hàng qua đời vì dịch bệnh. Khi người họ hàng đó mất đi, hai vợ chồng không thể đến nhìn mặt ông ấy lần cuối và tham dự lễ tang.

"Chúng tôi cảm thấy vô cùng tiếc nuối”, ông nói.

Wang chia sẻ rằng hầu như có rất ít việc làm trong những ngày này, khi nền kinh tế của thành phố đang trong quá trình bắt đầu hồi phục. Nhưng ông cho biết hai vợ chồng sẽ không quá kén chọn. Họ chấp nhận làm bất cứ công việc gì để kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi tham vọng mở lại nhà hàng.

“Chúng tôi cùng đường rồi. Chúng tôi sẽ rất vui nếu như có thể tìm được một công việc để trợ giúp gia đình, miễn là chúng tôi đủ khả năng, chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào làm công việc đó”.

Theo Trọng Đại

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên