MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vũ khí "đáng gờm" của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại: Xếp hạng tín dụng khác doanh nghiệp Mỹ, công ty nào có điểm thấp có thể bị cấm vay tiền hoặc thực hiện những dự án thiết yếu!

26-09-2019 - 08:44 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đang đưa một lượng lớn dữ liệu công và tư nhân vào những cơ sở dự liệu khổng lồ, nhằm kiểm soát chặt chẽ 1,4 tỷ người. Thế nhưng, giới kinh doanh đã trở thành mục tiêu lớn nhất của hệ thống này.

Bắc Kinh đang lưu trữ ngày càng nhiều thông tin giữa các cơ quan chính phủ và những hiệp hội công nghiệp, bao gồm quyết định của toà án, dữ liệu bảng lương, hồ sơ môi trường, những hành vi vi phạm bản quyền, thậm chí là có bao nhiêu nhân viên trong công ty là Đảng viên. Họ sử dụng những dữ liệu này để phân loại các doanh nghiệp và lãnh đạo điều hành doanh nghiệp đó.

Các công ty bị chấm điểm thấp có thể bị cấm vay tiền hoặc thực hiện những dự án thiết yếu khác. Chủ sở hữu hoặc các giám đốc điều hành có thể bị đóng băng tài khoản ngân hàng hoặc cấm đi công tác. Không chỉ nhắm đến các công ty Trung Quốc, trong 1 bức thư gửi đến các công ty, giới chức nước này đã đe doạ sẽ cho United Airlines, American Airlines và Delta Air Lines vào danh sách đen, nếu họ không thực hiện những yêu cầu của Bắc Kinh. Công ty vận chuyển FedEx có thể đối mặt với hình phạt tương tự.

Trung Quốc gọi đây là hệ thống tín dụng xã hội. Đến năm sau, các nhà lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng sẽ áp dụng chương trình này trên toàn quốc, tập trung vào việc trừng phạt hoặc khen thưởng các cá nhân. Hệ thống này được triển khai nhằm mục đích tái tạo hệ thống chấm điểm tín dụng vốn phổ biến ở Mỹ và những nơi khác và kiểm soát những hành vi vi phạm pháp luật.

Vũ khí đáng gờm của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại: Xếp hạng tín dụng khác doanh nghiệp Mỹ, công ty nào có điểm thấp có thể bị cấm vay tiền hoặc thực hiện những dự án thiết yếu! - Ảnh 1.

Đối với nhiều doanh nghiệp, chấm điểm tín dụng đã là điều quá quen thuộc với họ. Vào tháng 9, cơ quan hoạch định kinh tế trung ương của Trung Quốc thông báo rằng họ đã hoàn thành việc đánh giá 33 doanh nghiệp đầu tiên, xếp hạng từ 1 là xuất sắc cho tới 4 là yếu kém. Trung Quốc kỳ vọng hệ thống này một ngày nào đó sẽ trở thành một công cụ được sử dụng trên toàn quốc, khai thác khả năng phát triển dữ liệu và tự động hoá của đất nước.

Loren Fei, 30 tuổi, là con gái của một ông chủ nhà máy tơ lụa. Nhà máy này đã bị đưa vào danh sách đen của các doanh nghiệp bởi cha của chị không thể chi trả các loại hoá đơn. Chị nói rằng tài khoản ngân hàng của chị đã bị đóng băng, mất việc và không thể đi đâu. Chị Fei chia sẻ: "Gia đình tôi thực sự muốn trả lại số tiền đó, mà không thể làm vì hệ thống này."

United, Delta và American đã nhận được thư của các quan chức hàng không Trung Quốc vào năm ngoái, nói rằng điểm tín dụng xã hội của họ có thể bị ảnh hưởng, nếu không ghi thông tin Macao, Hồng Kông và Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Nếu họ bị chấm điểm thấp thì sẽ phải đối mặt với những cuộc điều tra, có thể bị đóng băng tài khoản ngân hàng, hạn chế hoạt động của các nhân viên địa phương và những hình phạt khác, theo một bức thư gửi cho United được New York Times tiết lộ.

Hiện tại, đại diện của 3 hãng hàng không trên xác nhận thông tin trên trang web đã được chỉnh sửa nhưng từ chối bình luận cụ thể về vấn đề này.

Áp dụng hệ thống chấm điểm này với các doanh nghiệp, Trung Quốc có thể thực sự được hưởng lợi. Dù Bắc Kinh kiểm soát rất chặt chẽ, nhưng họ vẫn gặp khó khăn trong việc đảm bảo các doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp. Nhiều vấn đề xảy ra trong nội bộ như cạnh tranh gay gắt, chính quyền địa phương bao che cho các doanh nghiệp lớn đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm lan rộng, vi phạm luật lao động và nhiều hệ quả khác.

Vũ khí đáng gờm của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại: Xếp hạng tín dụng khác doanh nghiệp Mỹ, công ty nào có điểm thấp có thể bị cấm vay tiền hoặc thực hiện những dự án thiết yếu! - Ảnh 2.

Ví dụ, Fei cho biết trong nhiều năm nhà máy tơ lụa của gia đình chị được phép không tuân theo các quy định về môi trường, bởi chính quyền địa phương mong muốn kinh tế tăng trưởng. Cuối cùng, nhà máy lại phải đóng cửa vì lý do ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Các công ty nước ngoài đã bày tỏ sự lo ngại về việc họ có thể bị ảnh hưởng bởi các đối tác kinh doanh. Ví dụ, công ty hoá chất BASF của German chịu trách nhiệm đảm bảo rằng các đối tác thương mại ở Trung Quốc luôn tuân thủ những quy định về môi trường. Jörg Wuttke, chủ tịch EuroCharm Trung Quốc, đại diện của BASF tại Trung Quốc, cho hay: "Họ gây áp lực với chúng tôi về chuỗi cung ứng để giải quyết những thách thức về môi trường."

Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài cũng lo ngại rằng hệ thống chấm điểm có thể trở thành một loại vũ khí trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong một báo cáo hồi tháng trước, EuroCharm đã lấy ví dụ về trường hợp của FedEx. Chính quyền Trung Quốc đe doạ sẽ đưa FedEx vào danh sách các công ty nước ngoài bị coi là không đáng tin cậy, bởi họ đã giữ lại lô hàng của Huawei. Và động thái tương tự sẽ được thực hiện với hệ thống chấm điểm tín dụng.

Cho đến hiện tại, giới chức Trung Quốc vẫn chưa công bố danh sách trên hoặc nêu chi tiết rằng họ sẽ làm gì, nhưng cho biết sẽ đối đãi với các công ty một cách công bằng.

Hương Giang

New York Times

Trở lên trên