MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ kiện nhà băng Thuỵ Sỹ với khoản ủy thác 1,1 tỷ USD đang làm rúng động ngành quản lý gia tài nhà giàu

19-09-2022 - 12:25 PM | Tài chính quốc tế

Vụ kiện của tỷ phú Bidzina Ivanishvili chính là “bài kiểm tra” đối với ngành công nghiệp uỷ thác chuyên hỗ trợ các gia đình giàu có quản lý khối tài sản lên tới hàng tỷ USD.

Theo Bloomberg, tỷ phú Bidzina Ivanishvili, cựu thủ tướng Cộng hòa Georgia, vừa đưa ra những cáo buộc thiệt hại liên quan đến hoạt động gian lận, đồng thời yêu cầu công ty uỷ thác Credit Suisse Trust Ltd thuộc đoàn ngân hàng Credit Suisse Group AG (Thụy Sỹ) bồi thường 800 triệu USD.

Theo giới chuyên gia, vụ kiện chính là “bài kiểm tra” đối với ngành công nghiệp uỷ thác chuyên hỗ trợ các gia đình giàu có quản lý khối tài sản lên tới hàng tỷ USD. Trong trường hợp tỷ phú Ivanishvili chiến thắng trong vụ kiện, rất nhiều công ty ủy thác và các quỹ đầu tư sẽ phải điều chỉnh lại quy định hoạt động của mình.

Bloomberg trích lời ông Clifford Ng, đối tác quản lý tại công ty luật Zhong Lun tại Hong Kong (Trung Quốc) cho biết việc dịch vụ ủy thác nằm trong một bộ phận kinh doanh của ngân hàng có thể dẫn tới mâu thuẫn tranh chấp. Trong trường hợp này, những người được ủy thác khó có thể rút tài sản từ ngân hàng, ngay cả khi các khoản đầu tư không hoạt động hoặc không được tư vấn chu đáo.

Tranh chấp bắt đầu từ năm 2004, khi Ivanishvili, cựu thủ tướng Georgia, chọn Credit Suisse để gửi khoảng 1,1 tỷ USD. Patrice Lescaudron, một nhân viên người Pháp đã phụ trách những khách hàng lớn nhất trong khu vực, bao gồm cả ông Ivanishvili.

Vụ kiện nhà băng Thuỵ Sỹ với khoản ủy thác 1,1 tỷ USD đang làm rúng động ngành quản lý gia tài nhà giàu - Ảnh 1.

Tỷ phú Bidzina Ivanishvili, cựu thủ tướng Cộng hòa Georgia, yêu cầu công ty uỷ thác Credit Suisse Trust Ltd thuộc đoàn ngân hàng Credit Suisse Group AG (Thụy Sỹ) bồi thường 800 triệu USD.

Sau một thời gian dùng tiền của khách hàng để đầu tư, Lescaudron ngập trong thua lỗ. Anh thừa nhận mình đã hoảng loạn, làm giả chữ ký trên lệnh giao dịch và điều chỉnh các bản sao kê. Những hành vi này trót lọt cho tới tận năm 2015, thời điểm khối tài sản của ông Ivanishvili bị giảm 120 triệu USD. Lescaudron sau đó bị sa thải và kết án 5 năm tù giam.

Tại Tòa án Thương mại Quốc tế Singapore , ông Ivanishvili cáo buộc Credit Suisse Trust không bảo vệ các khoản đầu tư của mình và "thực hiện các hành động thích hợp". Đại diện luật sư của ông cũng lập luận trong phiên tòa rằng, phía Credit Suisse nên có những hành động bảo vệ và giám sát tài sản, đồng thời can thiệp sớm khi phát hiện những dấu hiệu bất ổn trong hành vi của Lescaudron.

“Nếu Credit Suisse điều tra các khoản thanh toán trái phép và tiến hành xem xét thích hợp quỹ ủy thác theo yêu cầu của luật pháp và chính sách, họ sẽ nhận ra tài sản ủy thác bị chiếm đoạt hoặc đem đi đầu tư bởi những người không có thẩm quyền ”, Cavinder Bull, luật sư của ông Ivanishvili cho biết.

Đáp lại, phía luật sư của Credit Suisse lập luận rằng, theo hợp đồng, bên thụ ủy (công ty quản lý) có trách nhiệm quản lý tài khoản ủy thác chứ không cần giám sát dòng tiền gửi đi. Chính vì vậy, ông Ivanishvili mới là người phải chịu trách nhiệm trong vụ việc lần này.

Vụ kiện nhà băng Thuỵ Sỹ với khoản ủy thác 1,1 tỷ USD đang làm rúng động ngành quản lý gia tài nhà giàu - Ảnh 2.

Các quỹ uỷ thác thác đã tồn tại hàng thế kỷ theo luật chung của Anh và được xem như một phương tiện hiệu quả để chuyển giao tài sản qua các thế hệ.

Được biết các quỹ uỷ thác thác đã tồn tại hàng thế kỷ theo luật chung của Anh. Đây được xem như một phương tiện hiệu quả để chuyển giao tài sản qua các thế hệ. Theo STEP, một tổ chức về tài sản và uỷ thác có trụ sở tại London với 21 nghìn thành viên đến từ 96 quốc gia, nhu cầu đăng ký các quỹ ủy thác đang tăng lên, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực đàn áp hoạt động rửa tiền. Điển hình như Singapore, quốc gia có ngành công nghiệp ủy thác phát triển vượt bậc với 64 công ty ủy thác được cấp phép.

Quay trở lại với vụ kiện, giáo sư luật Tang Hang Wu của Đại học Quản lý Singapore, cho biết hiện các chứng từ uỷ thác vẫn có sự mâu thuẫn về giới hạn trách nhiệm. Một số người cho rằng bên thụ uỷ dù không bắt buộc phải can thiệp vào các quyết định của quỹ uỷ thác, song nếu phát hiện sai phạm nghiêm trọng thì vẫn phải lên tiếng. Vị giáo sư nhấn mạnh: "Nói cách khác, trước những hành vi sai trái, công ty quản lý phải can thiệp".

Trả lời câu hỏi của thẩm phán rằng Credit Suisse có nên can thiệp vào các khoản thanh toán trái phép của Lescaudron từ năm 2006 hay không, cựu giám đốc quỹ uỷ thác, ông Birri, khẳng định là không nên. Vị lãnh đạo này cũng thanh minh không liên hệ với ông Ivanishvili vì tin rằng vị tỷ phú chỉ muốn liên hệ trực tiếp với người quản lý tài sản ủy thác. Bên cạnh đó, các khoản thanh toán trái phép như những gì Lescaudron thực hiện "không phải là lạ" trong tổng số 1.500 tài khoản ủy thác của Credit Suisse, vậy nên, công ty này mới không chú ý.

Vụ kiện nhà băng Thuỵ Sỹ với khoản ủy thác 1,1 tỷ USD đang làm rúng động ngành quản lý gia tài nhà giàu - Ảnh 3.

Tỷ phú Bidzina Ivanishvili đã kiếm được khối tài sản khổng lồ nhờ đầu tư vào ngành thép và ngân hàng tại Nga.

Theo Bloomberg, vụ kiện này có thể khiến bên Credit Suisse chịu thiệt hại. Dự kiến phán quyết về vụ việc sẽ được đưa ra vào quý I/2023.

“Những người trong ngành đều đang dõi theo vụ việc. Chúng tôi muốn xem xem liệu phía người thụ ủy (tức phía công ty quản lý) có cần phải có những tiêu chuẩn hay nghĩa vụ đối với người thụ hưởng (tức khách hàng có tài sản được quản lý) hay không”, giáo sư Tang nói.

Trước đó, nhà tài phiệt người Nga Vitaly Malkin cũng khởi kiện Credit Suisse vì cho rằng một chuyên gia tư vấn của ngân hàng đã khiến ông bị thua lỗ tới 515 triệu USD. Theo phán quyết, Credit Suisse đã không ngăn cản hành vi gian lận vì "đặt lợi ích mà nhân viên này mang lại cho ngân hàng lên trên lợi ích của khách hàng’’. Credit Suisse khi đó bác bỏ mọi cáo buộc.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý, Credit Suisse ghi nhận khoản lỗ ròng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 4 - 6/2022, lớn hơn mức lỗ quý trước đó và giảm so với lợi nhuận ròng hồi quý II/2021.

Được biết, tỷ phú Bidzina Ivanishvili đã kiếm được khối tài sản khổng lồ nhờ đầu tư vào ngành thép và ngân hàng tại Nga. Tính đến năm 2019, dựa trên xếp hạng của Forbes và Ngân hàng Thế giới (WB), Bidzina Ivanishvili là tỷ phú duy nhất tại Georgia. Người đàn ông này cũng từng giữ cương vị thủ tướng trong vòng 13 tháng.

Theo: Bloomberg, Forbes 

Theo Huệ Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên