Vụ lật ca nô 17 người chết: Thuyền trưởng quay lại, tự ý tháo thiết bị quan trọng?
Thiết bị giám sát hành trình AIS không bật, ca nô chuẩn SB hoạt động khi vùng biển có gió cấp 5, giật cấp 6.
- 01-03-2022Bộ đội biên phòng chui vào từng hốc đá tìm bé trai 3 tuổi trong vụ chìm ca nô ở Hội An
- 01-03-2022Cồn cát "Khủng Long" bí ẩn liệu có liên quan đến vụ chìm ca nô thảm khốc ở biển Cửa Đại?
- 28-02-2022Yêu cầu xem xét trách nhiệm chủ phương tiện sau vụ chìm ca nô khiến 17 người tử vong
Liên quan đến vụ chìm ca nô mang BKS QNa – 1152 chở theo 39 người khiến 17 người tử vong, Cục Đường thuỷ - Bộ Giao thông vận tải, ngày 2/3, đã có báo cáo chi tiết trong đó chỉ ra một số sai phạm liên quan đến vụ tai nạn.
Theo báo cáo, tàu ca nô cao tốc mang BKS QNa – 1152 của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông, do ông Lê Sen làm thuyền trưởng đang vận chuyển khách từ Cù Lao Chàm vào Cửa Đại thì bị lật, trên cano có 36 hành khách và 3 thuyền viên. Lực lượng chức năng đã cứu được 22 người, trong đó 17 người tử vong.
Thiết bị đo độ sâu cho kết quả tại vị trí ca nô gặp tai nạn, độ sâu là 3,5 m đến 4 m.
Vị trí tàu gặp nạn có độ sâu khoảng 4 m.
Căn cứ vị trí tai nạn theo báo cáo của Sở GTVT Quảng Nam, dùng thiết bị đo độ sâu cho kết quả: tại vị trí tai nạn, độ sâu là 3,5m – đến 4m. Đơn vị cấp phép cho phương tiện rời bến tại phía Cửa Đại là Đội quản lý bến thủy thuộc Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam; phía Cù Lao Chàm do Ban quản lý bến thuộc UBND xã Tân Hiệp, TP Hội An thực hiện.
Ông Lê Minh Đạo, Cục phó Cục Đường thuỷ - Bộ Giao thông vận tải, cho biết ca nô xảy ra tai nạn được cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện đường thuỷ nội địa vào tháng 1/2020. Thời điểm đăng kiểm, phương tiện có đủ thiết bị liên lạc vô tuyến VHF và thiết bị giám sát hành trình AIS để giám sát tọa độ, tốc độ di chuyển.
"Thiết bị AIS tại thời điểm đăng kiểm vẫn đầy đủ nhưng từ tháng 12/2020 đến nay thì Trung tâm kiểm soát hoàn toàn không bắt được tín hiệu AIS của phương tiện này. Đặc biệt, trong thời điểm xảy ra vụ tai nạn cũng không bắt được tín hiệu.
Đây là các thiết bị rất quan trọng trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cũng như xác định vị trí, tốc độ của phương tiện khi xảy ra tai nạn", ông Đạo nói.
Cơ quan công an đang điều tra vụ việc.
Ngoài ra, ông Đạo cho hay bản tin thông báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam ngày 26/2/2022 phát lúc 4h00 có cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển của Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Theo đó, vùng biển trên có gió Đông Bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động, sóng biển cao 2,0-3,0m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển là cấp 2.
Trong khi đó, ca nô QNa – 1152 là tàu chuẩn SB, phương tiện được hoạt động với trong điều kiện thời tiết gió không quá cấp 5. Tuy nhiên, ca nô này vẫn được cấp phép hoạt động trong ngày 26/2 từ Cửa Đại đi Cù Lao Chàm và ngược lại.
Ông Đạo cũng cho hay từ thông tin từ báo chí, phát hiện thuyền trưởng đã quay lại ca nô bị nạn lấy thiết bị vô tuyến điện khỏi phương tiện. Cục Đường thủy nội địa VN đã đề nghị Sở GTVT Quảng Nam liên hệ với cơ quan công an của địa phương để xử lý việc trên.
Trước đó, theo thông tin trên báo VnExpress, sau vụ tai nạn một ngày, vào sáng 27/2, ông Sen dậy từ 5h, không thiết ăn uống gì mà đi bộ 500 m từ nhà ở khu dân cư Phước Trạch, phường Cửa Đại, TP Hội An, ra cồn cát nơi ca nô Phương Đông 05 dạt vào.
Chờ biển bớt lạnh, ông Sen cùng một số người lội xuống biển, đi ra nơi ca nô đắm tìm kiếm. Sau khi lật úp, sóng lại đánh lật ca nô lên cồn cát, nhô phần mũi vỡ nát.
Đến 10h, ông Sen về bờ, vác máy bộ đàm sũng nước. Nhiều người nói "nó hỏng rồi", song ông nhất quyết vác về nhà, hy vọng có thể sửa được để tiếp tục bám biển. Nghề biển đã gắn với ông từ năm lên 10 tuổi.
Trí thức trẻ