Vụ lừa đảo khó tin và “có hậu” nhất lịch sử: Chưa đủ 18 tuổi nhưng đã làm bác sĩ, luật sư, phi công rồi cướp ngân hàng, năm lần bảy lượt trốn tù, cuối cùng quay đầu về làm chuyên gia cho FBI
Không bằng cấp vẫn có thể làm phi công cho hãng hàng không lớn, làm bác sĩ nha khoa và thậm chí là luật sư tại Harvard. Câu chuyện lừa đảo không tưởng này đã được làm lại thành phim điện ảnh “Catch me if you can” do nam tài tử Leonardo Dicaprio thủ vai chính.
- 30-07-2019Trăm năm dâu bể của Coca-Cola: Từ sự nhẫm lẫn "thần thánh" trong pha chế đến màn "cướp ngôi" chớp nhoáng và "cú lừa" ngoạn mục để tạo ra chai Coca ngày nay
- 21-06-2019Vì sao Jack Ma rất ghét 'cướp nhân tài của đối thủ' và không tuyển người 5 năm đổi việc 7 lần?
- 17-05-2018'Xã hội đen văn minh' kiểu Nhật: Hoạt động theo mô hình tập đoàn, không biết dùng súng, không ăn cướp
Thế giới đảo lộn
Frank William Abagnale sinh ngày 27 tháng 4 năm 1948 tại New York, là người con trai thứ ba trong gia đình gồm bốn anh em. Cha là doanh nhân thành đạt, cuộc sống của Frank luôn đầy đủ và thoái mái.
Nhưng việc cha mẹ ly thân khi cậu bé mới 12 tuổi rồi ly hôn hai năm sau đó không chỉ là cú sốc mà cả thế giới của Frank cũng bắt đầu đảo lộn.
Frank William Abagnale thời niên thiếu.
Khác với anh chị em của mình, cậu thiếu niên chọn sống với bố. Không bị gò bó bởi sự kỷ luật và nghiêm khắc của mẹ, Frank bắt đầu dành nhiều thời gian ở các quán bar của New York, kết thân với những đứa trẻ nghịch ngợm và bắt đầu phạm những tội nhẹ như lẻn vào rạp chiếu phim, ăn cắp kẹo.
Nhận ra con trai đang lãng phí thời gian với bạn xấu, người cha nỗ lực khuyên bảo để cậu trở lại lớp học thường xuyên hơn và đi làm một công việc part-time. Tình hình cải thiện và phần thưởng Frank nhận được là một chiếc xe hơi Ford cũ.
Chân trời mới
Có xe ô tô, chân trời mới lại mở ra với chàng trai trẻ. Frank gặp gỡ, giao du với những cô gái công sở. Nhưng hẹn hò thật tốn kém, khả năng tài chính của cậu chưa đủ.
Frank hỏi và được dùng thẻ tín dụng Mobil của cha. Rất nhanh, trò lừa đảo đầu tiên được thực hiện một tháng sau đó, khi chàng trai tới trạm xăng rồi nhìn thấy biển thông báo có thể đặt mua lốp xe mới và thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Bộ lốp xe có giá 160 USD. Cậu tiếp cận một nhân viên có quen biết, thỏa thuận rằng sẽ mua lốp xe và tiền ghi nợ vào thẻ tín dụng. Nhưng thay vào đó, nhân viên sẽ đưa cho Frank 100 USD, còn anh ta có thể đem lốp đi bán và kiếm lời. Thỏa thuận thành công.
Thêm nhiều trạm xăng nữa lọt vào tầm ngắm, Frank nhanh chóng lấp đầy ví tiền cùa mình. Chỉ khi hóa đơn cuối tháng trả về với số tiền 3.400 USD trong vòng ba tháng, sự việc vỡ lở, chàng trai đành thú nhận: "Do các cô gái. Họ làm cho con vui. Con không thể giải thích được."
Đáng nói là sự thấu hiểu từ người cha: "Đừng lo lắng, con trai à. Đến Einstein cũng chẳng thể hiểu được điều đó."
Sau vụ việc, mẹ đưa cậu bé về ở cùng trong một năm. Còn người cha, thật không may mắn, làm ăn thất bát khiến ông đã mất tất cả.
16 tuổi, chọn lối đi riêng
Năm 16 tuổi, Frank bỏ nhà, xách theo vali quần áo cùng một cuốn séc 200 USD. Mấy ngày sau, cậu bé có được công việc làm thêm tại một công ty chứng khoán với mức lương 1,5 USD/giờ.
Cho rằng lương thấp là do độ tuổi nhỏ, Frank làm giả giấy phép lái xe, thay đổi năm sinh từ 1948 thành 1938. Bây giờ, chàng trai 26 tuổi ra ngoài tìm việc khác và được trả 2,75 USD/giờ.
Frank cũng bắt đầu viết séc giả và rút hàng ngàn USD vào tài khoản của mình. Khi bị chặn, nam thiếu niên chỉ đơn giản là mở tài khoản dưới một danh tính giả khác và tiếp tục lừa đảo. Nhận ra mức lương 2,75 USD quá bèo bọt, chàng trai bỏ việc, dùng tiền từ séc và tiếp tục những cuộc phiêu lưu mới.
Từ phi công…
Một trong những ước mơ thời thơ ấu của Frank là trở thành phi công và cậu đã vô cùng đứng trước tòa nhà của hãng hàng không Pan Am.
Năm 1966, Frank làm giả chứng minh thư, giấy phép, gắn logo giả sau đó gọi cho Pan Am và tuyên bố mình là nhân viên bị mất đồng phục tại khách sạn. Ngay lập tức, hãng hàng không gửi cho anh một bộ mới miễn phí.
Frank trò chuyện với các phi công, tiếp viên để trau dồi kiến thức, chuẩn bị cất cánh. Anh chàng đã tận dụng cơ hội để không chỉ được ngồi buồng lái mà còn hưởng thụ những đợt nghỉ dưỡng, phòng khách sạn trong chế độ của hãng hàng không.
Frank ngồi trong buồng lái máy bay.
Trong thời gian đó, việc tham gia các buổi chụp hình quảng cáo cho Pan Am còn giúp anh ta bỏ túi gần 300.000 USD và tiếp tục thu về hơn 2 triệu USD từ séc giả.
Điều may mắn là khi bị yêu cầu điều khiển, Frank đã để chế độ lái tự động và không có tai nạn gì xảy ra. Nhận thấy sự bất thường trong danh tính, cảnh sát bắt đầu điều tra. Frank quyết định "hạ cánh" và bước vào thế giới mới.
… đến bác sĩ…
Khi thuê một căn hộ tại Atlanta, mẫu đơn yêu cầu Frank kê khai nghề nghiệp. Ý thích bất chợt nảy ra, anh chàng không ngần ngại ghi "bác sĩ nha khoa".
Cũng rất đầu tư, chàng trai đến thư viện đọc các tài liệu về nhi khoa và kết thân với một hàng xóm tên Willis Granger, cũng là bác sĩ. Người bạn này sau đó đã giới thiệu anh tới Bệnh viện đa khoa Smithers. Trót lọt qua những lần kiểm tra, phỏng vấn, Frank được nhận công việc giám sát tại đây, chủ yếu quản lý mà không cần thực hiện chuyên môn.
Frank khi đóng vai bác sĩ nha khoa.
Tuy nhiên, sau 11 tháng mạo danh nha sĩ, lo sợ FBI đánh hơi thấy cũng như thách thức phải đứng trước những tình huống sinh tử, chàng trai đã dừng lại.
… rồi luật sư
Frank chuyển đến Louisiana, giả mạo điểm ngành luật tại Harvard và vượt qua kỳ thi của tiểu bang. Năm 19 tuổi, chàng trai được tuyển vào văn phòng của Tổng chưởng lý bang Louisiana qua lời giới thiệu từ cô tiếp viên từng quen.
Nhưng đồng nghiệp không tin tưởng và đã liên lạc với Harvard để kiểm tra về lịch sử học tập của Frank. Chàng trai nghỉ việc sau 8 tháng giả mạo luật sư.
Năm lần bảy lượt trốn tù
Năm 1969, trong chuyến bay sang Pháp, một nữ tiếp viên - người từng là bạn gái cũ của Frank đã nhận ra anh và báo cảnh sát. Kẻ mạo danh sau đó bị bắt tại Montpellier.
Frank ngồi tù sáu tháng, sau đó bị dẫn độ về Thụy Điển và tiếp tục nằm trong nhà đá thêm nửa năm nữa. Cuối cùng, tên tội phạm được gửi trở lại Hoa Kỳ để đối mặt với phiên tòa.
Đáng nói, hắn không bao giờ đến phòng xử án. Bằng cách nào đó, tên tội phạm đã trượt khỏi máy bay sau khi hạ cánh. Frank bắt một chuyến tàu tới Montreal, với ý định bay ra khỏi Canada, hướng về Brazil. Nhưng không thoát được vòng vây của cảnh sát ở Montreal, Frank bị đưa về Mỹ và chịu án 12 năm tù vì tội giả mạo.
Nhưng anh ta thậm chí đã tìm cách thoát khỏi nhà tù vào năm 1971. Cố gắng một lần nữa để đến Brazil, tên tội phạm bị bắt tại thành phố New York và bị đưa trở lại nhà tù Virginia.
Cái kết có hậu
Đến năm 1974, FBI đưa ra cho tên tù nhân một đề nghị. Để đổi lấy sự tự do, Frank sẽ phải sử dụng nhiều năm kinh nghiệm của mình để giúp FBI giải quyết các tội phạm lừa đảo mà không được trả tiền. Anh đồng ý thỏa thuận.
Đứng lên làm lại cuộc đời, đến năm 2015, Frank được mệnh danh là Đại sứ theo dõi gian lận AARP, nơi ông giúp "cung cấp các chương trình trực tuyến và diễn đàn cộng đồng để giáo dục người tiêu dùng về cách tự bảo vệ mình khỏi hành vi trộm cắp danh tính và tội phạm mạng".
Năm 2018, ông bắt đầu đồng tổ chức podcast AARP có tên "The Perfect Scam" về những kẻ lừa đảo và cách chúng hoạt động. Ngòai ra, Frank cũng viết tự truyện, kể về chuyến phiêu lưu ngoạn mục của đời mình.
Câu chuyện này đã được làm lại thành phim điện ảnh "Catch me if you can", nhân vật Frank do nam tài tử Leonardo Dicaprio thủ vai. Với khả năng diễn xuất thượng thừa, huyền thoại Hollywood không chỉ thuật lại một câu chuyện có thật mà còn đem đến tiếng cười và cũng khiến người xem phải suy ngẫm về tầm quan trọng của gia đình cũng như giáo dục đối với những đứa trẻ mới lớn.
Frank William Abagnale và nam diễn viên Leonardo Dicaprio trong cùng một khung hình.
Bạn còn chần chừ gì mà không tìm xem "Catch me if you can" ngay thôi!