Vụ mua nhà 58 tỉ, bán lại 28 tỉ siêu tốc: VKS kháng nghị gì?
Theo VKS, việc buộc bị đơn mất 11 tỉ đồng tiền cọc là phù hợp ý chí của hai bên nhưng tòa sơ thẩm không chấp nhận là không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án.
- 23-10-2018Diễn biến mới vụ mua nhà 58 tỉ, bán lại 28 tỉ siêu tốc
- 15-10-2018Vụ mua nhà 58 tỉ bán lại 28 tỉ: Kháng cáo toàn bộ bản án
- 05-10-2018Tuyên án vụ mua nhà 58 tỉ, bán lại 28 tỉ siêu tốc
VKSND quận Tân Bình , TP.HCM đã quyết định kháng nghị một phần bản án của tòa cùng cấp vụ "Mua nhà 58 tỉ, bán lại 28 tỉ siêu tốc" mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh.
Kháng nghị đề nghị tòa cấp phúc thẩm sửa một phần bản án theo hướng chấp nhận yêu cầu buộc bị đơn Trần Vũ Trường phải mất tiền cọc 11 tỉ đồng cho nguyên đơn Nguyễn Văn Quyện , đồng thời sửa án phí cho phù hợp...
Ngoài ra, kháng nghị còn đề nghị hủy một phần bản án này, chuyển hồ sơ cho tòa sơ thẩm giải quyết yêu cầu của người liên quan là bà Hoàng Ngọc Điệp .
Kháng nghị nêu: Bản án tuyên thỏa thuận bị đơn mất 11 tỉ đồng đã thanh toán là vô hiệu do hợp đồng về khoản tiền này không được công chứng. Tuy nhiên, theo Điều 134 BLDS 2005 thì trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn, qua thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch mới vô hiệu.
Theo hợp đồng giữa ông Quyện và ông Trường thì việc giao và nhận 11 tỉ này do hai bên tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thực tế, thỏa thuận mất tiền cọc đều được nguyên đơn, bị đơn đồng ý. Còn những người liên quan thì không có ý kiến gì về việc thanh toán giữa hai bên.
Từ đó kháng nghị cho rằng bản án không chấp nhận yêu cầu tuyên bố bị đơn mất cọc là không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án.
Cạnh đó, người liên quan là bà Điệp có yêu cầu độc lập đề nghị công nhận bà là chủ sở hữu hợp pháp đối với căn nhà này nhưng tòa lại giải quyết thiếu yêu cầu này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Theo VKS, việc giải quyết yêu cầu công nhận bà Điệp là chủ sở hữu hợp pháp đối với căn nhà của vợ chồng ông Quyện là căn cứ để giải quyết các yêu cầu còn lại của bà Điệp. Do đó, bản án buộc vợ chồng ông Quyện giao nhà cho bà Điệp, đồng thời tuyên trả lại giấy chứng nhận căn nhà cho bà này là không có căn cứ.
Ngoài ra, phần án phí của bản án sơ thẩm cũng có sai sót. Cụ thể là bà Điệp có yêu cầu độc lập nhưng tòa lại không xác định bà phải chịu án phí. Vợ chồng ông Quyện được miễn án phí theo quy định vì là người cao tuổi nhưng tòa lại không giải thích quyền lợi này cho ông bà.
Căn nhà của vợ chồng ông Quyện được sang tên đổi chủ siêu tốc chỉ trong vài giờ đồng hồ.
Như chúng tôi đã phản ánh, căn nhà trên là của vợ chồng ông Quyện ở đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình. Ngày 2-10-2014, vợ chồng ông Quyện ký bán căn nhà này cho ông Trường với giá 58 tỉ đồng. Hai bên thỏa thuận, nếu ông Trường không thanh toán đúng hạn thì phải chuyển lại giấy tờ nhà cho ông Quyện và mất cọc.
Sau khi nhận 11 tỉ đồng, ông Quyện ra công chứng chuyển nhượng cho ông Trường, đồng thời đưa giấy tờ nhà cho ông Trường giữ. Sau đó chỉ trong vài tiếng đồng hồ, ông Trường đã đi đóng lệ phí trước bạ, đăng bộ và sang tên thành công. Tiếp đó, ông Trường đã bán nhà cho bà Điệp với giá 28 tỉ đồng vào ngày 16-10-2014. Khi người này đi đăng bộ, sang tên thì ông Quyện phát hiện và yêu cầu ngăn chặn.
Tháng 11-2014, ông Quyện khởi kiện, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà với ông Trường...
Ngày 4-10, HĐXX TAND quận Tân Bình , TP.HCM xử sơ thẩm đã bác yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất mà vợ chồng ông Quyện đã ký với ông Trường hồi tháng 10-2014. Do hợp đồng giữa hai bên có hiệu lực nên tòa không chấp nhận yêu cầu của ông Quyện đối với việc ông Trường phải mất tiền cọc 11 tỉ đồng vì theo tòa 11 tỉ đồng này là tiền thanh toán mua nhà.
Về yêu cầu độc lập của bà Điệp, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu nhận nhà và giao trả giấy chủ quyền căn nhà cho bà vì theo Luật Nhà ở 2005 thì bà đã có quyền sở hữu căn nhà sau khi ông Trường công chứng chuyển nhượng cho bà.
Ông Quyện đã kháng cáo bản án này...
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh