Vụ ngộ độc pate Minh Chay: WHO tài trợ khẩn cấp thuốc giải
Ngày 8/9, PGS.TS Trần Thị Giáng Hương, giám đốc Các chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết, WHO đã tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc tố botulinum để điều trị cho các bệnh nhân đang trong tình trạng hiểm nghèo do nhiễm độc tố sau khi ăn pate Minh Chay.
- 08-09-2020Vụ pate Minh Chay: Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nói gì?
- 04-09-2020Hà Nội: Công an vào cuộc điều tra vụ hàng loạt khách hàng ngộ độc pate Minh Chay
- 03-09-2020Phạt 17,5 triệu đồng công ty sản xuất pate Minh Chay khiến hàng loạt khách hàng ngộ độc
Số thuốc này được chuyển từ kho dự trữ thuốc của WHO tại Geneva, Thụy Sỹ về Hà Nội ngày 8/9 và được bảo quản trong điều kiện đặc biệt.
Trước đó, Văn phòng WHO tại Hà Nội cũng đã tài trợ và hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai trong việc vận chuyển và tiếp nhận 2 liều kháng độc tố botulinum từ Thái Lan.
“Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế chỉ định là đơn vị tiếp nhận số thuốc này và sẽ vận chuyển cho các đơn vị y tế khác theo nhu cầu thực tế của việc điều trị bệnh nhân”, PGS.TS Giáng Hương thông tin.
Theo thông tin cập nhật, sau thời điểm Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo khẩn cấp thu hồi sản phẩm pate Minh Chay trên cả nước do nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum, vẫn có thêm các trường hợp sử dụng sản phẩm này do không nhận được thông tin và sản phẩm cũng chưa được các địa phương thu hồi hết.
Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) những ngày gần đây có 35 bệnh nhân đến khám sau khi ăn pate Minh Chay nhiều ngày. Trong đó, 13 trường hợp có biểu hiện nghi ngộ độc nhẹ: mỏi, yếu cơ. Các trường hợp này được cho về theo dõi tại y tế cơ sở, triệu chứng do ngộ độc có thể giảm dần. Tuy nhiên, nếu diễn biến bất thường cần phải quay lại bệnh viện ngay.
Về hai bệnh nhân đầu tiên điều trị tại Trung tâm Chống độc, TS. Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, cặp vợ chồng này đang có diễn biến sức khỏe khả quan hơn sau khi được sử dụng thuốc giải độc. Trong đó, bệnh nhân nữ có diễn biến tốt hơn hẳn, hiện còn liệt nhẹ ở họng nhưng đã tự ngồi, tự chăm sóc, nói rõ và sẽ sớm ăn được trở lại bằng đường miệng.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 8/9, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum. Theo đó, những sản phẩm như thịt hộp (do đó vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn độc thịt) là loại thực phẩm có thể gây ngộ độc. Tuy nhiên các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản,… được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản không đảm bảo dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc. Phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo. Có thể gặp các trường hợp ngộ độc với sản phẩm sản xuất công nghiệp và tại các nhà hàng.
Bộ Y tế cho biết, có xu hướng ngộ độc tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước ăn. Trường hợp đặc biệt, độc tố botulinum có thể bị đưa vào thực phẩm với mục đích khủng bố.
Thêm 5 ca nhập cảnh mắc COVID-19 Tối 8/9, Bộ Y tế cho biết có thêm 5 ca mắc mới đều là những trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Trong đó có 2 ca tại Cần Thơ và 3 ca ở Tây Ninh. Như vậy đến nay Việt Nam có 1054 bệnh nhân COVID-19. Trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước. Đợt dịch này, tính từ ca mắc cộng đồng đầu tiên được ghi nhận tại Đà Nẵng vào ngày 25/7 đến nay, cả nước ghi nhận 551 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố có liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng.
Tiền phong