MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ nhà báo Khashoggi mất tích đã gây những hệ quả gì?

23-10-2018 - 16:37 PM | Tài chính quốc tế

Vụ mất tích bí ẩn và cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi đã gây chấn động trong giới kinh doanh toàn cầu...

Vụ mất tích bí ẩn và cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi đã gây chấn động trong giới kinh doanh toàn cầu, đặt nhiều thương vụ, quan hệ đối tác và dự án vào nguy cơ đổ vỡ. Chưa kể, vụ việc này cũng gây rủi ro cho kế hoạch cải tổ nền kinh tế của Saudi Arabia và gây căng thẳng nghiêm trọng trong quan hệ giữa Riyadh với phương Tây.

Hôm 2/10, nhà báo Jamal Khashoggi, một công dân Saudi Arabia cư trú ở Mỹ và làm việc cho tờ Washington Post, đi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để chuẩn bị giấy tờ đăng ký kết hôn. Và nhà báo 59 tuổi, một người từng có nhiều bài báo chỉ trích hoàng gia Saudi Arabia, đã không xuất hiện trở lại từ đó.

Sau nhiều phủ nhận, Saudi Arabia cuối tuần vừa rồi đã thừa nhận ông Khashoggi bị sát hại, nhưng bác bỏ những nghi ngờ của phương Tây cho rằng thái tử Mohammed bin Salman - người có ảnh hưởng lớn nhất ở Riyadh hiện nay - đứng sau vụ việc này.

Dưới đây là một số hệ quả của vụ nhà báo Khashoggi mất tích, tính đến thời điểm hiện tại, theo phân tích của trang CNN Business:

Mối quan hệ giữa Saudi Arabia với Thung lũng Silicon trở nên lung lay

Quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia là một nhà đầu tư lớn rót vốn vào các công ty công nghệ Mỹ. Quỹ này cung cấp khoảng một nửa số vốn 93 tỷ USD của quỹ đầu tư công nghệ SoftBank Vision Fund - quỹ đã rót vốn vào nhiều công ty khởi nghiệp (startup) như WeWork, Slack và DoorDash.

Giám đốc điều hành (CEO) Masayoshi Son của tập đoàn Nhật Bản SoftBank, đối tác lớn của Saudi Arabia, đã nói nhiều về kế hoạch mở một quỹ Vision Fund thứ hai. Tuy nhiên, kế hoạch này giờ đây đang bị nghi ngờ.

Các công ty ở Thung lũng Silicon có thể trở nên dè chừng với tiền vốn từ Vision Fund vì không muốn "dính dáng đến điều mà họ có thể cho là ‘những đồng tiền vấy máu’" - theo ông Amir Anvarzadeh, chiến lược gia thuộc công ty tư vấn Asymmetric Advisors.

Đầu tuần trước, Asymmetric đã loại cổ phiếu SoftBank khỏi danh sách cổ phiếu khuyến nghị mua vào. Giá cổ phiếu SoftBank đã giảm gần 15% kể từ khi nhà báo Khashoggi mất tích.

CEO Dara Khosrowshahi của công ty ứng dụng gọi xe Uber đã rút khỏi một hội nghị đầu tư lớn ở Saudi Arabia, nơi ông lẽ ra sẽ có một bài phát biểu. Vị CEO nói ông "lo ngại về những thông tin xung quanh vụ Khashoggi". Động thái của ông Khosrowshahi được xem là đặc biệt quan trọng, bởi quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia là một cổ đông lớn của Uber, rót 3,5 tỷ USD vào Uber hồi năm 2016.

Mối quan hệ giữa Riyadh với các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Google, Amazon và Apple cũng đang chịu sức ép từ sự biến mất của nhà báo Khashoggi.

Đầu năm nay, thái tử Mohammed đã thăm trụ sở của các công ty này tại Mỹ và chụp ảnh với các CEO của ba công ty. Gần đây, Apple được cho là đang bàn kế hoạch mở Apple Store ở Saudi Arabia, Google thì có kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu cho tập đoàn dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco, còn Amazone cân nhắc mở rộng mạng dịch vụ web của mình để hỗ trợ các công ty Saudi Arabia.

Giới phân tích nói rằng các công ty công nghệ trên đang loay hoay không biết nên làm gì tiếp theo trong các kế hoạch với Saudi Arabia.

Hội nghị đầu tư "Davos trên sa mạc" bị tẩy chay

Vụ mất tích của nhà báo bất đồng chính kiến người Saudi Arabia đã làm rút ngắn danh sách các vị khách VIP xuất hiện tại hội nghị mang tên Sáng kiến Đầu tư tương lai do thái tử Mohammed chủ trì.

Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn đối với kế hoạch cải tổ nền kinh tế Saudi Arabia nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào dầu lửa, và được coi là "Davos trên sa mạc" - một sự so sánh với hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên ở Davos, Thụy Sỹ. Dự kiến, hội nghị sẽ khai mạc vào ngày thứ Ba tuần này tại Riyadh.

Tất cả các đối tác truyền thông quốc tế của sự kiện, gồm CNN, Fox Business và New York Times, đều đã rút lui.

Một loạt lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Mỹ cũng đã quyết định không tham dự hội nghị trên gồm CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase, CEO Diane Green phụ trách Google Cloud của Alphabet, và Chủ tịch điều hành Bill Ford của hãng xe Ford.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng tuyên bố sẽ không đến dự hội nghị.

Ngoài ra, hội nghị còn bị "tẩy chay" bởi một loạt sếp ngân hàng châu Âu như CEO John Flint của HSBC, CEO Tidjane Thiam của Credit Suisse, và CEO Bill Winters của Standard Chartered, cũng như CEO David Schwimmer của Sở Giao dịch chứng khoán London.

Về phần mình, CEO Son của SoftBank chưa tuyên bố có tham dự hội nghị hay không

Kế hoạch cải tổ kinh tế của Saudi Arabia gặp khó

Cũng giống như hội nghị đầu tư "Davos trên sa mạc", kế hoạch cải tổ kinh tế mang tên Tầm nhìn 2030 của thái tử Mohammed đang đương đầu với sức ép từ cộng đồng quốc tế. Tỷ phú Anh quốc Richard Branson đã tuyên bố dừng tham gia hai dự án du lịch của Saudi Arabia trên Biển Đỏ. Ông Branson cũng dừng đàm phán với Saudi Arabia về một kế hoạch đầu tư vào mảng vũ trụ của tập đoàn Virgin.

"Bất kỳ điều gì được cho là đã xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh sự biến mất của nhà báo Jamal Khashoggi, nếu được chứng minh là thật, chắc chắn sẽ thay đổi khả năng của bất kỳ ai trong chúng tôi ở phương Tây trong việc hợp tác với Chính phủ Saudi Arabia", ông Branson nói trong một tuyên bố ra ngày 11/10.

Thị trường chứng khoán Saudi Arabia lao dốc

Chỉ số chính của sàn chứng khoán Riyadh sụt 7% vào hôm 14/10 do lo ngại Mỹ sẽ trừng phạt Saudi Arabia vì vụ mất tích của nhà báo Khashoggi. Phiên giảm này cuốn phăng thành quả tăng của chứng khoán Saudi Arabia từ đầu năm. Hiện tại, chỉ số Tadawul All Share Index đã giảm 5% kể từ mức đỉnh của 1 tháng.

Saudi Arabia ngầm cảnh báo dùng dầu lửa làm vũ khí

Cái chết của nhà báo Khashoggi và ảnh hưởng địa chính trị của vụ việc đã phủ bóng lên thị trường dầu lửa những ngày gần đây.

Riyadh đã ngầm cảnh báo sẽ hạn chế khai thác dầu để đẩy giá dầu tăng vọt nếu Mỹ tung lệnh trừng phạt nước này. Lời đe dọa được đưa ra giữa lúc thị trường dầu lửa đang lo ngại về sự sụt giảm nguồn cung dầu từ Iran khi Mỹ bắt đầu tái áp trừng phạt ngành dầu lửa của Tehran từ ngày 5/11.

Giới phân tích cho rằng khả năng Saudi Arabia cắt giảm sản lượng là thấp, nhưng rất có thể Riyadh sẽ phô trương sức mạnh bằng cách trì hoãn nâng sản lượng khai thác để hạ nhiệt giá dầu trong trường hợp giá dầu tăng mạnh.

Theo dữ liệu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC, Saudi Arabia hiện khai thác khoảng 10,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Cách đây ít lâu, nước này đã tuyên bố sẵn sàng cùng Nga khai thác thêm dầu để bù đắp sự hao hụt nguồn cung từ Iran.

Theo An Huy

VnEconomy

Trở lên trên