Vũ "nhôm" khai có 2 quốc tịch
Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") cùng các đồng phạm được dẫn giải đến tòa từ rất sớm. Trong phần thủ tục, Vũ "nhôm" khai rằng mình mang 2 quốc tịch.
- 27-11-2018Áp giải Vũ "nhôm" vào Sài Gòn chuẩn bị cho phiên xét xử đại án ngân hàng Đông Á
- 14-10-2018Truy tố Phan Văn Anh Vũ và 25 đồng phạm gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng
- 09-08-2018Khởi tố thêm tội danh đối với Phan Văn Anh Vũ và 4 đồng phạm
- 07-02-2018Ông Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố thêm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ
Ngày 27-11, TAND TP HCM đã đưa vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB).
Trong vụ án này, ngoài ông Trần Phương Bình (SN 1959; nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT DAB), Nguyễn Thị Kim Xuyến (SN 1958; Phó Tổng giám đốc DAB), Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", SN 1975; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) và 23 bị cáo khác bị truy tố 2 tội danh. Phiên tòa xét xử 26 bị cáo này dự kiến kéo dài đến ngày 25-12.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ cùng các đồng phạm được lực lượng tư pháp dẫn giải đến tòa lúc 6 giờ 30. Trong phần thủ tục, Phan Văn Anh Vũ khai nhận mình có 2 quốc tịch.
Đến 9 giờ 20, HĐXX vẫn tiếp tục phần thủ tục, thẩm tra lý lịch của các bị cáo.
Bị cáo Trần Phương Bình
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ bị xét xử tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" với khung hình phạt 20 năm tù đến tù chung thân.
Trong vụ án này, Ngân hàng Đông Á được xác định là nguyên đơn dân sự. Ngoài 27 tổ chức thì có 306 cá nhân được triệu tập đến tòa với tư cách là người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo trạng, từ năm 2007-2014, để có tiền mua cổ phần DAB, Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới lập phiếu thu tiền khống đứng tên Trần Phương Bình và người thân mua cổ phần DAB. Để bù đắp số tiền thu khống, ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán tiền mua cổ phần.
Ngoài ra, ông Trần Phương Bình còn có nhiều hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho DAB. Cáo trạng quy buộc ông Trần Phương Bình gây ra tổng thiệt hại của vụ án này là 3.608 tỉ đồng bao gồm hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 2.057 tỉ đồng và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 1.551 tỉ đồng, bị can Trần Phương Bình phải chịu trách nhiệm chính về số tiền 3.568 tỉ đồng.
Về hành vi của ông Phan Văn Anh Vũ, cáo trạng kết luận ông Vũ đã lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của DAB 203 tỉ đồng. Cáo trạng xác định năm 2013, DAB bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ, Trần Phương Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ DAB từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng.
Ông Trần Phương Bình khai rằng hành động này để thu hút đầu tư vào DAB, đưa DAB qua giai đoạn khó khăn và để nâng cao thương hiệu, vị thế của DAB.
Ông Phan Văn Anh Vũ mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỉ đồng khi DAB tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỉ đồng vào năm 2014, mục đích để Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB.
Tháng 8-2015, ông Bình biết DAB sẽ bị kiểm soát đặc biệt, hơn 13,6 triệu cổ phần DAB đứng tên Công ty vốn An Bình sẽ bị cấm chuyển nhượng. Do vậy, ngày 11-8-2015 Bình bán hơn 13,6 triệu cổ phần DAB cho Vũ với giá 136,5 tỉ đồng, Bình và Vũ thống nhất khi nào có tiền thì Vũ trả. Vũ đã trả cho Công ty vốn An Bình 46 tỉ đồng, còn nợ 90,5 tỉ đồng.
Ông Phan Văn Anh Vũ được xác định đồng phạm với Trần Phương Bình chiếm đoạt của DAB 203 tỉ đồng và phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền này. Ngoài ra, Phan Văn Anh Vũ phải chịu trách nhiệm nộp lại số tiền 13.400.000 USD và 90,5 tỉ đồng mua cổ phần DAB để khắc phục hậu quả vụ án.
Người lao động