“Vũ nữ chân dài” - Đặc sản nức tiếng chinh phục thực khách từ miếng đầu tiên
Khô nhái được mệnh danh là "vũ nữ chân dài", đặc sản làm nên tên tuổi An Giang trên bản đồ ẩm thực của dải đất hình chữ S.
- 11-07-2022Về miền Tây xem cách người dân làm món cá khô - đặc sản “chữa cháy” bữa cơm mà trong tủ lạnh quanh năm lúc nào cũng phải “trữ”
- 11-07-2022Đặc sản Hà Nội: Khách nước ngoài chưa ai từng chê, hứa sẽ quay lại thưởng thức mỗi ngày
- 10-07-2022Đặc sản Phú Yên mua về làm quà: 6 món ngon khó cưỡng và cách chọn mua nhất định phải biết
Đặc sản xứ An Giang nổi tiếng miền Tây
Từ nhiều năm nay, một đặc sản nức tiếng của Campuchia ngự trị tại miền Tây, trở thành món ngon khó cưỡng trên các bàn nhậu. Về miền Tây, nhắc đến những cái tên mỹ miều như “vũ nữ chân dài”, “kiều nữ đại gia”, không ai là không biết đến cực phẩm khô nhái trứ danh của vùng sông nước.
Mặc dù quê hương của nhái khô ở vùng Campuchia, nhưng người dân miền Tây không chỉ nhập khô nhái sẵn về bán. Dưới bàn tay tài hoa và khéo léo, bôn ba bao năm với sông nước, họ còn nhập các loại nhái cơm, nhái đồng về tự chế biến theo bí quyết riêng để cho ra loại sản vật đặc trưng chỉ miền Tây mới có.
Trở thành nữ hoàng của món khô
Vùng đất An Giang lắm điều lạ, nhiều điều hay, ẩm thực cũng vô cùng phong phú. Trong đó phải kể đến món nhậu tốn mồi là khô nhái. Được ưu ái với cái tên “vũ nữ chân dài”, khô nhái là món ăn dân dã nhưng hương vị của nó thì cực kỳ đặc biệt, có thể “đốn gục” thực khách ngay từ miếng đầu tiên.
Nhái cơm nhỏ, thịt săn chắc được tẩm ướp, phơi khô cẩn thận. Chúng có vị cay ngọt mặn đậm đà, xen lẫn giữa những cung bậc đó là vị ngậy giòn, bùi bùi của nhái cơm tự nhiên.
Để “thẩm” được vị ngon của khô nhái, món khô nhái chiên vẫn là cực phẩm. Đi kèm với một chút tương ớt, mắm me và rau sống, khô nhái chiên trở thành món ăn vặt, món nhậu hấp dẫn trên bàn ăn của bất cứ cuộc hội ngộ nào.
Không phải tự nhiên “vũ nữ chân dài” lại được mệnh danh là nữ hoàng món khô. Chúng chứa nhiều dưỡng chất cho cơ thể, chẳng hạn như nguồn đạm và canxi dồi dào. Theo Đông y, khô nhái còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm và tốt cho xương khớp.
Có lẽ, mỗi một món ăn ở nơi xứ sở sông nước, ngoài việc ngon miệng thì chúng đều cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào cho sức khỏe. Chẳng thế mà nhiều khách du lịch đến miền Tây, đến với mảnh đất An Giang luôn mong được thưởng thức khô nhái thượng hạng và mua về làm quà cho người thân, bạn bè.
Cần sự tỉ mỉ để có món "vũ nữ chân dài" thượng hạng
Khi mua được nhái cơm tươi ngon về, nhái được làm sạch. Mỗi nhà có công thức bí truyền về ướp gia vị, sau đó mới đem phơi. Gia vị thì cũng dân dã lắm, thường là tiêu, ớt, muối, và cây lá địa phương cho thêm đặc sắc.
Nhái trước khi phơi nắng phải được ủ ngấm gia vị thì thịt mới ngọt và giữ được lâu. Nhái được mang phơi khoảng hai nắng gắt là được. “Vũ nữ chân dài” có giá trị cao bởi để có được 1kg khô nhái phải cần đến 4-5kg nhái tươi.
Khô nhái chiên mắm me
Khô nhái có thể chế biến được nhiều món ngon. Nhưng như đã nói, đặc sắc trên bàn ăn là món khô nhái chiên hoặc khô nhái được nướng trên than hồng, xèo xèo từng tiếng khi thịt chín dần chuyển sang vàng ruộm, thơm nức.
Nguyên liệu để làm món khô nhái chiên giòn rất đơn giản, chỉ gồm khô nhái, dầu ăn và gia vị để pha mắm me.
Cụ thể để thực hiện một đĩa “vũ nữ chân dài” bạn sẽ cần khoảng 100g khô nhái, dầu ăn, 30g me chua, tỏi ớt băm, đường, nước mắm và tương ớt.
Cho khô nhái vào dầu nóng, chiên với lửa nhỏ. Không nên chiên lửa to, khô nhái sẽ cháy nhanh và không còn hương vị thơm ngon của “vũ nữ chân dài” nữa. Chừng 8 phút là bạn có thể có món khô nhái chiên rồi! Nếu muốn mùi vị ngậy hơn thì bạn có thể cho bơ và tỏi băm vào đảo thêm khoảng 2 phút rồi tắt bếp.
Nước mắm me sánh ngon, có màu nâu cánh gián. Cho me vào ngâm cùng nước sôi trong bát, dầm me nát ra và lọc lấy nước cốt. Phi thơm tỏi, tỏi chuyển vàng thì vớt ra. Cho bát nước me vào chảo, thêm 3 thìa đường, 2 thìa nước mắm, 1 muỗng tương ớt, 2 muỗng nước lọc và đun trong khoảng 2 phút với lửa nhỏ. Nêm nếm lại cho vừa thì tắt bếp. Đổ mắm me ra bát, cho tỏi phi vàng và ớt băm, tỏi băm vào là được bát nước mắm me đặc trưng miền Tây.
Mặc dù là đặc sản của vùng biên giới Tịnh Biên, An Giang nhưng việc tìm mua khô nhái cũng không quá khó. Chỉ với vài phút là có món nhậu hao bia, tốn mồi cực kỳ.
Nếu có dịp đến với An Giang, bạn nhớ nếm thử món nhậu này, và nếu thích, hãy mua về tự làm ở nhà theo cách chúng tôi đã hướng dẫn. Chúc bạn thành công với cách làm khô nhái chiên này nhé!
Cách chọn "vũ nữ chân dài" hàng "xịn"
Khô nhái nhỏ con ngon hơn khô nhái to con. Khô nhái khi mua chọn con thanh mảnh, kích thước đều nhau. Nhái cơm có mùi thơm tự nhiên, nếu nhái không ngon có mùi ngai ngái khó chịu.
Nhái thượng phẩm khô đều, màu sắc vàng óng ả chứ không bị thâm đen, ẩm mốc.
"Vũ nữ chân dài" khi chưa ăn đến thì bọc kín, cất trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu để lâu cần mang ra phơi nắng trước khi chế biến.
Nhái cơm chỉ sống tự nhiên, không nuôi được nên đặc sản An Giang này có nhiều vào mùa mưa. Sản lượng nhái phụ thuộc vào tự nhiên và thời tiết nên không phải lúc nào cũng dồi dào. Từ tháng 6 trở đi, khô nhái tăng giá vì chất lượng lúc này là ngon nhất.
Trên thị trường, giá "vũ nữ chân dài" khoảng 500 đến 600 nghìn đồng/kg. Những loại khô nhái giá 200-300 nghìn đồng/kg có thể là hàng "nước 2, nước 3", chất lượng không ngon, thậm chí là hàng đã lâu, người tiêu dùng cần cân nhắc khi mua.
Trí thức trẻ