Vụ ông Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch: Nhiều câu hỏi cần được làm rõ
Xung quanh việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch, tại buổi họp báo do Thành ủy, UBND TPHCM tổ chức mới đây, nhiều vấn đề liên quan được báo chí đặt ra nhưng chưa được trả lời thỏa đáng khiến dư luận còn không ít băn khoăn.
Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM trả lời báo chí tối 1/9
“ Kiểm soát tài sản cán bộ: Rất khó”
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, ngay trong ngày 25/8, khi vụ việc “mua” quốc tịch Cộng hòa Shíp bị báo chí trong và ngoài nước phanh phui, ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi chức tổng giám đốc Công ty TNHH Một Thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và xin thôi nhiệm vụ ĐBQH. Trong đơn, ông Quốc khẳng định bản thân có quốc tịch Công hòa Shíp là do gia đình bảo lãnh. Các thông tin về việc ông “mua” quốc tịch Cộng hòa Shíp với giá 2,5 triệu USD là không chính xác.
Đoàn ĐBQH TPHCM cũng đã mời ông Phạm Phú Quốc đến làm việc. Ông Quốc cho biết, vào năm 2018, công việc của ông gặp nhiều trắc trở (bị kỷ luật, từ vị trí Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM, ông Quốc được điều chuyển sang giữ chức Phó Viện trưởng Viện Nghiện cứu Phát triển TPHCM - PV). Gia đình ông muốn bảo lãnh để sau này nếu nghỉ việc ông dễ đi lại, thăm viếng người thân ở nước ngoài.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin ông Khuê đã cung cấp cho báo Tiền Phong vào ngày 31/8 về lá đơn xin thôi nhiệm vụ của Phạm Phú Quốc vào năm 2018, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê xác nhận và cho biết thêm: “Năm 2018, khi còn là Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, tôi có nhận được đơn của anh Quốc nhưng không phải là xin thôi nhiệm vụ đại biểu. Đơn của anh Quốc cung cấp thông tin cho Đoàn ĐBQH việc mình đang bị thành phố xem xét kỷ luật, nghĩa là anh Quốc không phải có ý định thôi nhiệm vụ trong năm 2018”.
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, ĐBQH Phạm Phú Quốc là cán bộ thuộc diện Thành ủy TPHCM quản lý. Việc kiểm soát tài sản đều phải thực hiện hàng năm, thông qua hình thức kê khai tài sản. “Thành phố đã thực hiện việc kê khai tài sản của cán bộ rất nghiêm túc nhưng đúng là kiểm soát tài sản của cán bộ rất khó”, ông Khuê cho biết nếu tài sản là bất động sản, tài sản hữu hình thì có thể phối hợp với các cơ quan tại nơi cư trú kiểm tra, còn tiền tệ, mở tài khoản thì việc kiểm soát rất khó khăn.
Thành phố có cần kiểm tra xác định ông Phạm Phú Quốc được gia đình bảo lãnh hay đã “mua” quốc tịch Cộng hòa Shíp và “nguồn gốc 2,5 triệu USD từ đâu ra hay không”; trả lời câu hỏi này, ông Phan Nguyễn Như Khuê nói cần tôn trọng khai nhận của đại biểu là được gia đình bảo lãnh, không nên đặt vấn đề “đại biểu có 2,5 triệu USD từ đâu ra”. Lý do là trong đơn, ông Quốc nói rằng, thông tin việc mua quốc tịch là không chính xác. “Bây giờ cứ xoay quanh việc truy tìm bằng được tiền của đại biểu ở đâu ra, có tài sản hay tiền gửi để mua quốc tịch là không nên. Chỉ riêng việc không báo cáo kịp thời cho tổ chức đã không đúng quy định rồi”, ông Khuê nhấn mạnh và đề nghị báo chí không “trượt quá” vấn đề này.
Bổ nhiệm không đúng quy định
Ngày 28/9/2018, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy TPHCM thông báo kết quả kiểm điểm thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm theo chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy. Theo thông báo này, UBKT Thành ủy TPHCM xác định Ban thường vụ Đảng ủy Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM nhiệm kỳ 2015 -2020 và các cá nhân liên quan có vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện lãnh đạo nhiệm vụ chính trị: nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác quản lý đảng viên đi nước ngoài; đoàn kết nội bộ bị giảm sút…
Ông Phạm Phú Quốc phát biểu trên nghị trường Quốc hội
Căn cứ vào các quy định của Đảng về xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định thi hành kỷ luật Ban thường vụ Đảng ủy Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 5 cán bộ liên quan, trong đó ông Phạm Phú Quốc, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc bị thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, UBND TPHCM đã có quyết định điều động và bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc giữ chức vụ Tổng Giám đốc IPC (thay thế ông Tề Trí Dũng bị khởi tố, bắt tạm giam - PV), nghĩa là quy trình làm công tác bổ nhiệm đã diễn ra trong thời gian ông Quốc đang bị kỷ luật.
Giải thích về việc này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Duy Tân cho biết, theo quy định, những trường hợp cán bộ bị kỷ luật khiển trách như ông Phạm Phú Quốc sẽ không được bố trí chức vụ cao hơn ở đơn vị đó. Luân chuyển ông Phạm Phú Quốc từ Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM sang IPC xuất phát từ nhu cầu cán bộ của TPHCM. Việc bổ nhiệm ông Quốc đúng quy trình, đảm bảo 5 bước, dân chủ và công khai.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Tân thừa nhận nếu đối chiếu các quy định của pháp luật thì việc bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc giữ chức Tổng Giám đốc IPC vào cuối năm 2019 là không đúng quy định, vì tại thời điểm trên ông Quốc đã có quốc tịch Công hòa Síp.
Hiện nay, UBND TPHCM đang giao Sở Nội vụ TPHCM rà soát làm rõ quy trình bổ nhiệm đúng hay sai.
Tiền Phong