Vụ ông Vũ Huy Hoàng nên giao cơ quan chức năng điều tra, kết luận
“Trên cơ sở điều tra của các cơ quan chức năng như bên Công an, Thanh tra Nhà nước, VKS, kiểm toán… liên quan đến những vấn đề thực thi chức năng nhiệm vụ và trên cơ sở xem xét, điều tra như thế để có kết luận”, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 15/11.
- 11-11-2016Xử lý ông Vũ Huy Hoàng: Bàn nhiều nhưng chưa ngã ngũ
- 09-11-2016Bộ Nội vụ họp về quy trình xử lý ông Vũ Huy Hoàng
- 07-11-2016Xử lý ông Vũ Huy Hoàng cần nghiêm khắc nhưng phải bài bản
Ông Vũ Mão đánh giá, về mặt Đảng đã rất nghiêm minh, chỉ đạo xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, ông Vũ Mão cho rằng: “Đảng nên giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu việc điều tra, xem xét mức độ vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng như thế nào. Trên cơ sở điều tra của các cơ quan chức năng như bên Công an, Thanh tra Nhà nước, VKS, kiểm toán… liên quan đến những vấn đề thực thi chức năng nhiệm vụ và trên cơ sở xem xét, điều tra như thế để có kết luận. Trên cơ sở kết luận đó mới có hướng xử lý đầy đủ, toàn diện”.
Từ đó ông Vũ Mão nêu ví dụ, nếu sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng chỉ ở mức độ trách nhiệm thôi thì xử lý theo mức độ trách nhiệm, nếu là những vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo pháp luật hình sự.
“Đúng là theo Hiến pháp, các quy định pháp luật của chúng ta hiện nay chưa có quy định việc kỷ luật một vị đã từng là Bộ trưởng, do Quốc hội phê chuẩn mà giờ đã thôi chức vụ rồi, không còn chức vụ đó nữa. Vậy thì kỷ luật để cách chức khi không còn chức nữa thì theo tôi việc đó chưa có trong quy định của chúng ta. Mà đã chưa có quy định pháp luật thì không thể làm được. Chưa có trong quy định thì không nên làm như thế”, ông Mão bày tỏ.
Do vậy theo ông Vũ Mão, việc điều tra xem xét kết luận xem vi phạm đến đâu là cần thiết.
“Giờ ông Vũ Huy Hoàng vẫn là một Đảng viên, một công dân mà tất cả những dấu hiệu vi phạm đã nêu là ở thời kỳ ông ấy còn làm việc. Phần còn lại, quan trọng nhất là Đảng viên như thế, quá trình trước đây đã tham gia TƯ. Sau khi xem xét tất cả mà thấy các vấn đề chưa đến mức hình sự thì hình thức kỷ luật cao nhất của Đảng là khai trừ Đảng, mà khi đã áp dụng như thế thì còn ý nghĩa gì nữa: Ủy viên TƯ khi đó cũng không còn, Bộ trưởng khi đó cũng không còn ý nghĩa gì nữa nếu khai trừ Đảng”, ông Vũ Mão nhấn mạnh.
Cũng theo ông Mão, hình thức xử lý kỷ luật thế nào phải xem xét trên cơ sở pháp luật, công minh, đúng đắn trên cơ sở kết luận, điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
“Khai trừ Đảng vẫn là biện pháp cần nếu xác định vi phạm ở mức độ như vậy và khi đã khai trừ Đảng thì tất cả những chức vụ, chức danh đã có đều không còn ý nghĩa”, ông Mão cho biết.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc xem xét kỷ luật hành chính với ông Vũ Huy Hoàng là rất khó, vì xem xét hệ thống pháp luật, kể cả luật tổ chức Quốc hội, Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đều vậy, đều không có quy định về việc xử lý kỷ luật hành chính hay xử lý gì về chức vụ với người không còn đảm nhiệm chức vụ đó.
Về vai trò của Quốc hội, theo ông Mão là giám sát việc thực hiện của các cơ quan chức năng có trách nhiệm điều tra xem có làm chân thực không hay có làm nặng hơn hay nhẹ hơn trách nhiệm cho người ta không. Tuy nhiên Quốc hội cũng không thể bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Vũ Huy Hoàng vào thời điểm đó, vì bây giờ ông Hoàng không còn là đại biểu Quốc hội nữa.
“Vấn đề ở đây, thứ còn lại với mỗi con người cao nhất là danh dự, mà bây giờ Đảng viên xem xét đến mức phải khai trừ Đảng thì nặng nề quá rồi, coi như là mất hết tất cả rồi. Tôi chưa thể nói về việc có khai trừ Đảng hay không lúc này, chỉ biết trong dư luận và các thông tin chính thức đến thời điểm này là ông Vũ Huy Hoàng có khuyết điểm còn khuyết điểm đến đâu phải qua điều tra, xem xét”, ông Vũ Mão cho hay.
Tiền phong