Vụ PVN đầu tư vào Oceanbank thất thoát 800 tỷ: Bộ Tài chính khẳng định "đã cảnh báo nhưng người ta cố tình làm sai"
Liên quan đến việc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đầu tư vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) gây thất thoát 800 tỷ đồng, Bộ Tài chính đã bị đặt câu hỏi về vai trò trong việc giám sát phần vốn tại PVN.
- 26-09-2017Bắt kế toán trưởng Tập đoàn Dầu khí cùng 3 người của PVN, PVC vì sai phạm tại dự án nhiệt điện Thái Bình 2
- 24-09-20175 dự án ngàn tỷ của PVN: Nơi tiếp tục thua lỗ, cái rục rịch khởi động lại
- 18-09-2017PVN nói về giá bán dầu thô của Việt Nam cho Trung Quốc
- 14-09-2017Khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản tại 3 công ty thành viên của PVN
Đây là câu hỏi được nêu ra trong họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính diễn ra sáng nay (27/9).
Trả lời vấn đề trên, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Tài chính Doanh nghiệp Bộ Tài chính khẳng định Bộ có trách nhiệm quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, theo như phân cấp của Thủ tướng, Bộ chỉ quản lý một phần chứ không phải tất cả. Về trách nhiệm của Bộ Tài chính đối với khoản đầu tư của PVN phải xem xét theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Tiến cho biết việc đầu tư vào Oceanbank của PVN chỉ là một danh mục đầu tư. Khi phát hiện PVN đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm là ngân hàng, Bộ Tài chính đã khuyến cáo PVN phải rút vốn ngoài ngành.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài chính, "rút nhanh hay chậm là trách nhiệm của Hội đồng thành viên (HĐTV) của PVN và Bộ Công thương. Chúng tôi chỉ cảnh báo chứ không làm thay được”.
Khẳng định Bộ là nơi giữ tiền cho quốc gia, cho dân, đại diện Bộ Tài chính cho biết một đồng nào bị mất đi cũng là xót xa. Bộ cũng thấy có phần trách nhiệm ít nhiều ở trong đó. Tuy nhiên, về cơ bản, Bộ cũng đã thực hiện nhiệm vụ của mình là cảnh báo ngay từ đầu.
“Tại hội trường này cách đây 3 năm chúng tôi đã nói rồi, HĐTV và mọi người phải kiểm điểm lại. Tổng thể đầu tư của một doanh nghiệp có nhiều danh mục, có cái lên, cái xuống nhưng tổng hợp lại phải bảo toàn vốn”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Lấy ví dụ, vị này cho biết nếu đầu tư 10 lĩnh vực, 3 cái rủi ro 7 cái hiệu quả thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, cả 10 lĩnh vực đều không hiệu quả cả thì phải xem xét lại. Trường hợp của PVN thực tế là vi phạm pháp luật, không còn là đầu tư trong ngành, ngoài ngành nữa, ông Tiến cho biết.
“Đã vi phạm pháp luật thì cho dù Bộ đã cảnh báo nhưng người ta cố tình làm sai chỉ có cơ quan pháp luật mới xử lý được, Bộ Tài chính sao làm được. Vi phạm pháp luật là người ta cố tình dù mình đã cảnh báo”, đại diện Bộ nhấn mạnh.