MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ sửa điểm thi THPT ở Hà Giang: Một người không thể làm được việc này!

18-07-2018 - 10:41 AM | Sống

Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Infonet về vụ việc này, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH khóa 13 cho rằng: không thể một người làm được việc này, chắc chắn phải có một nhóm người ...

Một người không thể làm được việc này

Cho biết "rất bất ngờ" khi Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố điểm thi THPT trong đó Hà Giang là địa phương có nhiều điểm cao chót vót. Ông không khỏi băn khoăn khi những trung tâm giáo dục lớn như TP Hà Nội, HCM và một số đô thị kết quả không cao, nhưng Hà Giang, một tỉnh miền núi điểm lại cao bất thường.

Vụ sửa điểm thi THPT ở Hà Giang: Một người không thể làm được việc này! - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH khóa 13 Lê Như Tiến.

“Sau này tôi mới biết thông tin có người trong hội đồng chấm thi trong ngành giáo dục của tỉnh Hà Giang đã can thiệp vào kết quả điểm thi. Rõ ràng hành vi này có biểu hiện vi phạm pháp luật. Pháp luật quy định không cho phép ai được tự động nâng điểm và sửa điểm hoặc làm lộ đề thi để làm cho kết quả thi bị sai lệch. Điều này khiến không phản ánh khách quan trung thực kết quả thi đối với một số học sinh, của trường đó, hay của cả ngành giáo dục của tỉnh đó”, ông Lê Như Tiến bày tỏ.

Một lần nữa, ông Tiến nhấn mạnh, “đây là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt hành vi sửa điểm, can thiệp vào không chỉ một bài thi mà đến hàng trăm bài thi. Điều này làm cho việc đánh giá kết quả chất lượng đào tạo sai lệch đi”.

Hành động sửa điểm này theo ông Tiến đáng “phải xử lý thật nghiêm để răn đe cho các trường hợp khác hay ở các kỳ thi khác”. Bởi hành vi này phản ánh sự không trung thực với cấp trên, không trung thực với chính kết quả đào tạo của ngành mình.

“Việc làm này để lại hệ lụy vô cùng lớn, các em các cháu có thể nghĩ mình không cần học, không cần tập trung nâng cao kiến thức mà chỉ cần mối quan hệ nào đó là điểm đã cao ngất ngưởng. Tôi được biết là trong những năm vừa qua, kết quả sai lệch hoặc chưa hợp lý hoặc chưa thỏa mãn thì phụ huynh học sinh, bản thân phụ huynh học sinh làm đơn phúc tra, có khi chỉ được điều chỉnh ¼, đến ½ điểm là cùng chứ không bao giờ có chuyện sửa đến hàng gần chục điểm như thế này. Nó gây mất niềm tin rất lớn không chỉ đối với phụ huynh học sinh mà ngay chính các em”.

Vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục TTN & NĐ cũng không quên nhấn mạnh rằng, hành động này vô tình “vẽ đường cho hươu chạy” để các tỉnh thành khác “học tập”. Hơn nữa, việc gian dối trong thi cử không chỉ đơn thuần là bệnh thành tích, mà còn là vấn đề lợi ích nhóm. “Đằng sau việc nâng điểm, sửa điểm chắc chắn là lợi ích”, ông Lê Như Tiến bày tỏ.

Theo ông Tiến, quy trình thi, chấm thi rất chặt chẽ do đó ông cho rằng “không thể một người làm được việc này. Chắc chắn phải có một nhóm người hoặc một hệ thống người thực hiện. Do đó, đã đến lúc các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải vào cuộc điều tra rốt ráo tìm cho ra manh mối đường dây làm việc này nhằm lấy lại niềm tin trong xã hội và lấy lại sự công bằng cho phụ huynh và các em học sinh. Nếu cơ quan của tỉnh không làm được đến nơi đến chốn thì tôi đề nghị cơ quan cấp trên vào cuộc…”, ông Lê Như Tiến đề xuất.

Và những cơ hội bị tước đoạt

Trong khi đó, nhà báo Vũ Mạnh Cường, nguyên PTB Báo Lao động lại đặt giả thiết khi anh viết trên Facebook cá nhân rằng: 114 thí sinh, chủ nhân của 330 bài thi được sửa nâng điểm ở Hà Giang, nếu không bị phát hiện ra, thì có thể sẽ chễm chệ ngồi trong giảng đường của những trường đại học danh tiếng ở Việt Nam. Thực sự phải cảm ơn ban ra đề thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay đã ra đề thi khó, khiến những con chuột đốt cháy nhà bị lột mặt nạ.

114 thí sinh này sẽ tước cơ hội học tập của 114 em khác, những người mà nhiều khả năng đã nỗ lực học tập, đã thi cử trung thực, nhưng không đỗ vào được những ngôi trường mà các em mong muốn. Nhưng quan trọng hơn bằng cách gian lận này 114 thí sinh được phù phép điểm sẽ trở thành những cử nhân trong tương lai và sẽ góp phần phá vỡ những điều tốt đẹp của cuộc sống, làm xói mòn những giá trị của xã hội.

“Sửa kết quả bài thi ở quy mô đó chắc không thể là lần đầu tiên. Và chắc không chỉ do một ông phó phòng cấp sở đơn thương độc mã tạo ra. Một ông phó phòng cấp sở liệu có thể một mình thu thập được 114 đơn đặt hàng? Và có đến chừng đó đơn đặt hàng chứng tỏ đã có những lần thử trước đó thành công, và “khả năng phi thường” này đã được đem đi tiếp thị khá rộng rãi”, nhà báo Vũ Mạnh Cường viết.

Câu hỏi đặt ra là liệu có thể có những cơ hội đã thực sự bị tước đoạt? Tức là đã có những thí sinh được phù phép điểm và cướp cơ hội của những người khác? Câu hỏi nữa đặt ra là liệu câu chuyện này chỉ xảy ra ở Hà Giang, hay còn xảy ra ở cả những địa phương khác nữa? Nếu những kẻ phù phép điểm chỉ nâng một cách “biết điều” mỗi bài thi đôi ba điểm, thì khả năng bị phát hiện là khó. Nhưng thế cũng đủ để “giết chết” những thí sinh khác vì điểm chuẩn vào trường đại học có ranh giới rất mong manh: chỉ thiếu nửa điểm thôi bạn có thể phải trượt.

Thế nên, để lấy lại sự công bằng cho các thí sinh, Bộ GDĐT cần kiểm tra lại công tác chấm điểm ở tất cả những nơi bị nghi ngờ, cũng như kiểm tra xác xuất ở một số địa phương khác. Đừng thờ ơ: con em của chúng ta hoàn toàn có thể bị tước đoạt cơ hội bởi những kẻ gian lận thi cử này.

Liên quan đến vụ việc, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia 2018, dư luận đặt nghi vấn khi tỉnh Hà Giang có hàng loạt thí sinh đạt điểm cao.

Thuộc nhóm có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất nước (89,35%), tỉnh này có 3 thí sinh trong danh sách những em đạt điểm cao nhất kỳ thi. Đáng chú ý, những học sinh này có điểm thi thử thấp. Sau đó, mạng xã hội lan truyền bảng điểm xét tuyển theo khối của 36 thí sinh Hà Giang được cho là bất thường.

Ngày 12/7, Bộ GD&ĐT ra công văn yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Giang kiểm tra, rà soát toàn bộ các khâu của kỳ thi, báo cáo bằng văn bản về thi THPT quốc gia 2018 qua Cục quản lý Chất lượng trước ngày 17/7.

Ngày 14/7, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT lên Hà Giang để phối hợp điều tra nghi vấn điểm thi cao bất thường.

Tại buổi họp báo diễn ra vào chiều 17/6, tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí Kiểm định Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin về bất thường điểm thi tốt nghiệp THPT của tỉnh này cho thấy:

Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Kết quả chấm thẩm định cho thấy:

Có 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm);

Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8,75 điểm);

Có 56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75; điểm đã công bố là 9,5 điểm);

Có 08 bài thi Sinh đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,75; điểm đã công bố là 9,0 điểm);

Có 09 bài thi Lịch sử đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5; điểm đã công bố là 9,75 điểm);

Có 03 bài thi Địa lí đã chênh lên từ 1,25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm);

Có 52 bài thi tiếng Anh đã chênh lên từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2; điểm đã công bố là 9,0 điểm);

Qua xác minh ban đầu cho thấy ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ, củng cố hồ sơ để xử lí các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Theo N.Huyền

Infonet

Trở lên trên