Vụ tai nạn 13 người chết: Xe khách chạy "chui", tài xế chạy sô liên tục trước ngày bị nạn
Chiếc xe khách chở đoàn rước dâu trong vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam "không có giấy phép, không có phù hiệu, chạy chui".
- 30-07-2018Hiện trường vụ xe đi rước dâu bị tai nạn thảm khốc, 13 người tử vong
- 30-07-2018Tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam: "Sau tiếng nổ là sự im lặng đáng sợ, hơn 10 người không cất một lời kêu cứu"
- 30-07-2018Tai nạn thảm khốc, chú rể và 12 người chết khi đi rước dâu
Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc giữa xe ôtô khách BKS 75B-000.52 chạy hướng Bắc Nam và xe container BKS 51D-411.21 kéo theo rờ-moóc BKS 51R-215.75 đi chiều ngược lại, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm rõ nguồn gốc chiếc xe chở khách.
Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải đăng kiểm – Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế, cho hay xe ô tô BKS 75B – 000.52 theo giấy tờ đăng ký thuộc quyền sở hữu của ông Phạm Bá Chẩn (trú TP Huế).
Chiếc xe chở khách hư hỏng nặng sau vụ tai nạn
Đây là xe Mercedes sản xuất năm 2004. Chiếc xe có lần đăng kiểm mới nhất là ngày 2/4/2018 và còn thời hạn đến 1/10/2018.
Cô dâu vượt 600km mặc áo tang lạy di ảnh chú rể trong ngày cưới: "Chỉ vài tiếng nữa là mình thành vợ chồng"
Tuy nhiên, ông Hồng cho hay, qua xác minh, ông Chẩn đã bán lại chiếc xe này cho tài xế Lê Ngọc Cường từ năm 2016. Việc mua bán trao đổi giữa 2 người có giấy tờ xác nhận của chính quyền địa phương nhưng không làm thủ tục thay tên đổi chủ.
Theo ông Hồng, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, tài xế Cường không có giấy phép đăng ký kinh doanh vận tải.
"Xe ô tô 16 chỗ BKS 75B-000.52 hoạt động chui, không có giấy phép kinh doanh. Xe này không thuộc công ty hay hợp tác xã vận chuyển nào nữa. Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, xe chạy không có giấy phép, không có phù hiệu", ông Hồng nói.
Tài xế Cường được cho là đã ngủ gật dẫn đến vụ tai nạn
Theo tìm hiểu của PV, tài xế Cường đã từng tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau khi ra quân, Cường học lái xe và chạy thuê cho ông Chẩn nhiều năm. Năm 2016, Cường ra làm ăn riêng nên mua lại chiếc xe của ông Chẩn.
Người thân trong gia đình Cường cho biết, tài xế này không bài bạc, rượu chè và rất chí thú làm ăn. Cường đã có vợ và 2 con nhỏ 1 và 3 tuổi.
"Trước ngày bị tai nạn, do là Chủ nhật nên Cường chạy sô liên tục. Chiều 29/7, Cường chở một đoàn khách vào Đà Nẵng đám cưới rồi chở ngược lại. Đêm đó, Cường tiếp tục cầm lái chở gia đình anh Long.
Có lẽ do mệt nên Cường không làm chủ được tốc độ mới xảy ra việc như vậy", một người thân của Cường cho hay.
Hiện trường thảm khốc vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của 13 người
Trước đó, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, khi đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo xử lý vụ tai nạn đã đưa ra nhận định về nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc. Theo ông Thể, chiếc xe container đi với tốc độ 51km/h và đúng làn đường. Ngoài ra, chiếc xe khách là xe hợp đồng, không hoạt động chuyện nghiệp.
"Tài xế xe khách có thể đã ngủ gật, không làm chủ được tốc độ và phương hướng. Hai xe đụng nhau với tốc độ rất lớn nhưng xe container đi chậm.
Tài xế được gia đình thuê riêng. Xe di chuyển quãng đường xa nên có thể tài xế chưa quen chạy đường trường ảnh hưởng tới giấc ngủ", ông Thể nói.
Trước đó vào khoảng 2h35 ngày 30/7, vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại đường tránh Thị xã Điện Bàn, thuộc địa phận xã Điện Minh giữa xe ôtô khách BKS 75B-000.52 chạy hướng Bắc Nam và xe container BKS 51D-411.21 kéo theo rờ-moóc BKS 51R-215.75 đi chiều ngược lại.
Toàn bộ những người trên xe khách đều bị thương vong nặng trong đó có 13 người tử vong, 4 người đang nguy kịch được điều trị tại bệnh viện.
Chiếc xe gặp nạn được gia đình anh Nguyễn Khắc Long (trú xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) thuê chở vào Bình Định tổ chức đám cưới và rước dâu.
Trí Thức trẻ